Nữ thủ khoa khối C và ước mơ trở thành người bảo vệ công lý

GD&TĐ - Đó là tâm sự của em Tô Khánh Ly (học sinh lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) một trong bốn thí sinh có điểm xét tuyển khối C vao nhất cả nước với 29 điểm, trong đó Ngữ văn 9,25, Lịch sử 9,75; Địa lý 10.

Ngoài việc học, cô bé Ly rất thích đi du lịch, thăm các di tích lịch sử
Ngoài việc học, cô bé Ly rất thích đi du lịch, thăm các di tích lịch sử

Học cơ bản, và đi sâu chi tiết

Kể lại quá trình ôn tập để đạt được kết quả trên, Ly cho biết: Năm học lớp 12 thực sự là một năm nhiều cảm xúc với chúng em, đặc biệt khi nhận được thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi từ hình thức tự luận sang môn trắc nghiệm đối với 2 môn Lịch sử và Địa lý… Lúc đó, các thầy cô giáo đã tập trung dạy học và hoàn thành chương trình lớp 12 cho cả lớp ngay trong học kỳ 1.

Thời gian còn lại, cả cô và trò củng cố lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Kinh nghiệm để lại tốt bài thi với hình thức mới này theo Khánh là nắm kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó, chú ý đi vào các chi tiết, tiểu tiết: “Từ đề thi năm vừa rồi cho thấy, phạm vi kiến thức trong bài thi môn trắc nghiệm phủ khắp các chương, các phần trong sách, thậm chí nhiều khi câu hỏi chỉ lấy 1 ý nhỏ trong bài học. Vì thế, không được chủ quan bỏ qua bất cứ cái gì cả.

Ngoài ra, cái khó của đề thi trắc nghiệm các môn xã hội là ở những câu hỏi có đáp án gây nhiễu. Ở đó, các đáp án đưa ra gần như giống nhau, hoặc cảm giác như cái nào cũng đúng. Lúc đó, mình phải bình tĩnh đọc thật kỹ cả đề lẫn đáp án. Bởi câu trả lời sai và đúng nhiều khi chỉ khác nhau có 1 từ mà thôi.

Với sự chuẩn bị và ôn tập kỹ càng nên đạt 10 điểm Địa lý và 9,75 môn Lịch sử là điều Khánh Ly rất tự tin. Em chỉ bất ngờ với kết quả môn Văn và không nghĩ mình được 9,25 điểm. Trong 3 môn, đây cũng là môn em tập trung nhiều thời gian ôn tập nhất trong mấy tháng cuối cùng, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng viết.

Ly cũng cho biết: Em rất thích đề văn nói về sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Trong quá trình làm bài, em lấy dẫn chứng là hành động M.C Phan Anh trích 500 triệu đồng và kêu gọi mọi người cùng hướng về đồng bào miền Trung lũ lụt. Là một người con của miền Trung, em thấy cảm động về nghĩa cử đó. “Quan trọng hơn, là cách thể hiện của “người cho”, nếu không xuất phát từ tình yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với đồng bào gặp hoạn nạn thì sẽ không chạm được tới trái tim của những người khác để tạo nên một hiệu ứng lớn như thế”.

Với Khánh Ly, em đã làm tương đối trọn vẹn và hài lòng bài thi của mình, em chỉ không ngờ là em lại được thủ khoa, là một trong 4 bạn điểm khối C cao nhất cả nước. Được biết, ngoài Khánh Ly, các bạn lớp 12C3, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cũng có thành tích rất xuất sắc với 12 điểm 10 (gồm 10 điểm 10 môn Địa lý và 2 điểm 10 môn Lịch sử). Ngoài ra, còn có 13/27 bạn đạt 27 điểm trở lên khối C.

Nhiều con đường để thực hiện ước mơ

Khánh Ly (thứ 3 từ phải sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn
 Khánh Ly (thứ 3 từ phải sang) cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn

Nói về lựa chọn của mình, thủ khoa Khối C toàn quốc tâm sự: Từ nhỏ đến lớn em luôn ước ao mình sẽ là chiến sỹ công an. Tuy nhiên, do năm nay các trường an ninh, cảnh sát không tuyển khối C. Không kịp thời gian để “chuyển khối”, nên em và mẹ cùng nhau “nghiên cứu” các trường đại học khác và quyết định đăng ký vào Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật. Dù khác nhau về môi trường nhưng em tin rằng ở đây em vẫn tiếp tục được thực hiện ước mơ của mình, đó là người bảo vệ công lý…

Cô nữ sinh xinh xắn chia sẻ: may mắn nhất đối với em là luôn có mẹ ở bên, động viên, hiểu kịp thời đưa ra những lời khuyên bổ ích cho con gái.

Tuổi thơ của Khánh Ly khá “dữ dội” khi bố đi xuất khẩu lao động, mẹ là công nhân nhà máy dệt kim Hoàng Thị Loan, thường xuyên phải ở lại làm ca kiếm thêm tiền công. Cô con gái đầu lòng theo mẹ ở nhà tập thể, mỗi cấp học lại chuyển một trường. Cho đến khi bố về nước, xây được ngôi nhà mới thì cả gia đình mới ổn định chỗ ở. Thời gian sau đó, bố làm lái xe, còn mẹ do nhà máy ít việc nên xin nghỉ để ở nhà chăm sóc các con. Tuy không thể dạy học được cho con nhưng thay vào đó, chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (mẹ Khánh Ly) lại luôn biết cách chọn cho con môi trường học tập tốt.

“Cháu có thiên hướng và năng khiếu về các môn xã hội, vì thế tôi cũng để cháu được phát huy sở trường của mình, không ép cháu phải học sang các khối khác. Khi cháu chuẩn bị vào lớp 10, có mong muốn thi vào trường THPT chuyên Phan Bôi Châu tôi rất ủng hộ nhưng có bàn bạc với con: Hãy thi vào lớp chuyên nào mà con thấy chắc chắn nhất. Con học theo khối C, thì không nhất thiết phải là chuyên Văn, mà có thể thi vào chuyên Sử, hoặc Địa, đỡ cạnh tranh đầu vào hơn, quan trọng nhất là con được ở trong môi trường có thầy cô giỏi chuyên môn và không khí học tập sôi nổi”, chị Quỳnh nói.

Nghe lời khuyên của mẹ, Khánh Ly đăng ký vào chuyên Địa và kỳ thi năm đó, em lọt tốp 5 bạn có điểm cao nhất lớp. Thời gian đầu, em cũng cố gắng và ấp ủ mong muốn sẽ được lọt vào đội tuyển quốc gia của trường. Nhưng hè năm lớp 10 kiến thức chưa dày bằng các anh chị lớp trên nên cô bé đành lỡ hẹn. Năm sau, các cô giáo cũng động viên em tiếp tục vào đội dự tuyển nhưng em suy nghĩ: mục tiêu lớn nhất của mình là đậu đại học, nếu ôn đội tuyển quốc gia mình sẽ phải “đánh đổi” bằng việc dành phấn lớn thời gian học đuổi kiến thức môn Địa đáp ứng yêu cầu cao của kỳ thi.

Sau đó, sẽ lại tiếp tục vất vả học Văn và Sử cho kỳ thi THPT quốc gia. Vì vậy, em dừng lại để tập trung cho cả 3 môn khối của mình. “Bố mẹ cũng không quá kỳ vọng hay đặt nặng áp lực cho em, nên cũng ủng hộ em đã tự đưa ra quyết định của mình”.

Và lựa chọn đó của cô gái đã đem lại kết quả đáng tự hào khi trở thành thủ khoa khối C toàn quốc với 29 điểm. Thành công đầu tiên của Ly cũng là nguồn động viên to lớn và là niềm tự hào của bố mẹ. Bởi ít ai biết rằng, khi em đang trong giai đoạn nước rút cho kỳ thi thì mẹ chuẩn bị sinh em gái út. Đến giờ em gái được 3 tháng tuổi. Nữ thủ khoa tâm sự, em cố gắng học để đến đáp công ơn thầy cô dạy bảo tận tình, sự chăm sóc, hi sinh của bố mẹ và để làm gương cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ