Nữ thạc sĩ thu tiền tỷ nhờ khởi nghiệp với dâu tây

Nữ thạc sĩ thu tiền tỷ nhờ khởi nghiệp với dâu tây

Từ thất bại trở thành chủ nhà vườn

Đoàn Thu Trà sinh năm 1991 tại Cao Bằng. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam loại giỏi, Trà được học chuyển tiếp thạc sĩ chuyên về sản xuất nông nghiệp và khoa học cây trồng. Trở về quê hương, Thu Trà nhận thấy người dân ở quê luôn vất vả, lam lũ với nương rẫy mà thu nhập vẫn thấp. Trăn trở nhiều đêm, Thu Trà đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Cô chia sẻ: “May mắn bởi em tích lũy được khá nhiều kiến thức ở trường đại học. Từ ngày còn là sinh viên, em đã mơ ước xây dựng được một trang trại hoa, cây cảnh và rau sạch của riêng mình. Lợi thế ở Cao Bằng là nguồn đất rộng, khí hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau nên em đã nảy ra ý tưởng trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái”.

Nghĩ là làm, cô gái trẻ quyết định khởi nghiệp bằng… quả dâu tây. Đây là loại cây trồng nhiều ở Đà Lạt. Còn ở những vùng miền núi Bắc thì mới xuất hiện 5 - 7 năm gần đây. Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm Trà mới biết có muôn vàn trở ngại, bởi nếu chỉ sai một bước sẽ dẫn đến thất bại. Hơn nữa, nguồn vốn ban đầu cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh sản xuất. Thu Trà đã gom toàn bộ số tiền tích lũy của gia đình, đồng thời vay thêm 50 triệu đồng từ Dự án phát triển sản xuất cho nông nghiệp công nghệ cao, để thực hiện ước mơ của mình.

Đoàn Thu Trà chăm sóc vườn dâu tây. Ảnh: NVCC
Đoàn Thu Trà chăm sóc vườn dâu tây. Ảnh: NVCC 

Khi mới bắt tay trồng dâu, Trà phải thử trồng rất nhiều giống dâu để lựa chọn loại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Cao Bằng. Năm đầu tiên thử nghiệm, vườn dâu bị chết gần hết, cô gái trẻ lại phải đặt mua lại và chuyển từ Hà Nội lên. Thời tiết, sâu bệnh, năng suất thấp… đôi lúc khiến Trà nản chí.

Không chấp nhận thất bại, Thu Trà đã tìm tòi, tự học hỏi trên mạng, hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và mạnh dạn xây dựng hệ thống nhà kính trên diện tích 1.800 m2 với kinh phí trên 400 triệu đồng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, chế độ chăm sóc nên vườn dâu tây của Thu Trà phát triển xanh tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch trái ngọt. Vì trồng theo hướng nông nghiệp sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu nên trồng đến đâu thu hoạch tới đó. Trung bình mỗi ngày cho thu từ 5 – 6 kg dâu.

Thu Trà chia sẻ: “Được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân nên em hiện thực hóa ước mơ của mình. Qua đó cũng để chứng minh cho người dân ở quê thấy được hiệu quả từ việc thay đổi cơ cấu cây trồng. Em không muốn lợi thế của địa phương bị bỏ phí nên hi vọng sẽ có nhiều người bắt tay vào làm hơn”.

Thành công bước đầu, nữ thạc sĩ mạnh dạn mở rộng quy mô trồng dâu tây. Từ diện tích thử nghiệm vài trăm mét vuông, đến nay cô đã là chủ của 5,5 ha, đem lại doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng, thu lợi nhuận trên 700 triệu đồng.

Gắn với du lịch nhà vườn

Đoàn Thu Trà nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Ảnh: NVCC
Đoàn Thu Trà nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.  Ảnh: NVCC 

Không dừng lại ở đó, Thu Trà kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với kinh doanh du lịch nhà vườn. Cô xây dựng khuôn viên phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm hái dâu tây. Đồng thời, nắm bắt được tâm lý của các bạn trẻ thích chụp ảnh, Thu Trà đã nghiên cứu trồng thêm hoa hồng cổ và hoa hồng nhập ngoại. Điều này cũng xuất phát từ cơ duyên, năm 2016, Thu Trà lên xe hoa với chàng trai trẻ ở Thường Tín (Hà Nội). Anh không chỉ là giảng viên mà còn là chủ vườn hồng được nhiều người biết đến. Thế là, Trà đã nghĩ ngay đến việc kết hợp dâu tây với trồng hoa hồng.

Mô hình du lịch nhà vườn của thạc sĩ Đoàn Thu Trà như một điểm nhấn mới cho du lịch Cao Bằng. Giờ đây, du khách đến với Cao Bằng không chỉ bởi hấp dẫn của vẻ đẹp non nước hữu tình, mà còn được trải nghiệm mới tại những nông trại, nhà vườn.

Từ việc thiếu vốn, thiếu nhân công, hạn chế về kỹ thuật, thiếu đất sản xuất phải đi thuê của các hộ dân, đến nay Thu Trà đã có trang trại dâu tây lớn, có vườn hoa của riêng mình. Điều quan trọng hơn, cô đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương có thu nhập ổn định.

Năng động và luôn bắt kịp xu thế, nữ thạc sĩ tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để trồng thêm dưa lưới. Thu Trà ứng dụng trồng dưa lưới, dâu tây trên giá đỡ, được tưới bằng hệ thống chân không tự động fertikit kết nối wifi, 3G. Mới đây, cô còn đầu tư lắp đặt hệ thống cảm biến dự báo thời tiết trên vườn, các loại máy, bút đo chỉ tiêu của đất và dung dịch thuỷ canh cho cây trồng... nhằm nâng cao năng suất cây trồng. Hiện nay nông trại của Thu Trà cũng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm dâu tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ