Nữ sinh phố Núi giành vòng nguyệt quế Olympia

GD&TĐ - Chia sẻ mục đích tham gia Đường lên đỉnh Olympia để "giải quyết khó khăn về tài chính", Bùi Nữ Minh Ngọc đến từ trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Kon Tum giành chiến thắng thuyết phục với 300 điểm.

Bùi Nữ Minh Ngọc giành vòng nguyệt quế
Bùi Nữ Minh Ngọc giành vòng nguyệt quế

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tuần hai Tháng 3 Quý IV phát sóng chiều 23/8 chứng kiến cuộc tranh tài của 4 thí sinh: Võ Dương Vĩnh Thắng (THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM), Phạm Quốc Việt (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ), Vũ Thảo Nguyên (THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) và Bùi Nữ Minh Ngọc (THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum).

Cả 4 thí sinh đều có phần giới thiệu bản thân vô cùng ấn tượng. Trong khi Phạm Quốc Việt tiết lộ khả năng chỉ 15% dân số trên thế giới làm được đó là cử động đôi tai, Võ Dương Vĩnh Thắng có thể chơi 6 loại nhạc cụ và viết rap hay Vũ Thảo Nguyên thể hiện sở trường ca hát thì Bùi Nữ Minh Ngọc lại sở hữu khả năng chơi game Đào vàng "không có đối thủ".

Từng tham gia chương trình Chinh phục năm 2018 với ước mơ có thể chinh phục được đỉnh cao toán học, khai phá vũ trụ bí ẩn, Bùi Nữ Minh Ngọc của 2 năm sau có vẻ đã trưởng thành hơn.

Chia sẻ trong bảng đăng ký tham gia Đường lên đỉnh Olympia 2020, Minh Ngọc hài hước thừa nhận mình là người "ở ngoài ấm áp, nhưng bên trong thiếu tiền" và tiết lộ mục đích tham gia cuộc thi để "giải quyết khó khăn về tài chính", khiến khán giả không thể nhịn cười.

Phần thi Khởi động, Thảo Nguyên vươn lên dẫn đầu với 80 điểm. Tiếp đến, Quốc Việt và Minh Ngọc cùng được 70 điểm; Vĩnh Thắng 50 điểm.

Phần thi Vượt chướng ngại vật có từ khóa gồm 6 chữ cái. Hàng ngang đầu tiên được chọn có câu hỏi: Đây là tên gọi một địa danh cũ ở phía Bắc nước ta bao gồm Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ Hà Nội, Hưng Yên... Cả bốn thí sinh đều không ghi được điểm, trong đó có hai người đưa ra đáp án.

Hàng ngang thứ hai có câu hỏi: Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng phòng tuyến trên sông nào để chặn đứng quân xâm lược nhà Tống? Có 3 thí sinh lựa chọn đáp án "Như Nguyệt", nhưng chỉ có Minh Ngọc có điểm với đáp án "Sông Cầu".

Hàng ngang thứ ba có câu hỏi: Tên viết tắt tiếng Anh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc là gì? Hai thí sinh Quốc Việt và Minh Ngọc trả lời chính xác là UNESCO.

Phải đến hàng ngang thứ tư được lựa chọn với câu hỏi: Điền từ còn thiếu vào câu sau "Nhã nhạc cung đình huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và... nhân loại vào năm 2003" mới có tiếng chuông trả lời từ khóa Vượt chướng ngại vật.

Lần lượt là Minh Ngọc, Vĩnh Thắng. Cả hai cùng đưa ra đáp án từ khóa là "Quan họ". Với đáp án này Minh Ngọc đã khép lại phần thi và vươn lên dẫn đầu với 110 điểm. Tiếp đến, Thảo Nguyên 90 điểm, Vĩnh Thắng 80 điểm và Quốc Việt 50 điểm.

Các thí sinh dự thi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tuần hai Tháng 3 Quý IV
Các thí sinh dự thi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tuần hai Tháng 3 Quý IV

Phần thi Tăng tốc đã chứng kiến cuộc đua tranh giữa Quốc Việt và Minh Ngọc. Với ưu thế từ phần thi trước, Minh Ngọc vẫn dẫn đầu với 240 điểm. Quốc Việt vươn lên vị trí thứ hai với 210 điểm. Thảo Nguyên 130 điểm và Vĩnh Thắng 120 điểm.

Phần thi về đích, Quốc Việt lựa chọn gói câu hỏi 10 - 20 - 30 điểm và không chọn ngôi sao hy vọng. Cậu có phần thi thành công, nâng điểm số lên 270. Vĩnh Thắng lựa chọn gói câu hỏi 20 - 30 - 30 điểm. Câu đầu tiên cậu để Minh Ngọc có quyền trả lời và ghi được điểm. Cậu chỉ trả lời chính xác câu thứ hai để nâng điểm số lên 130 điểm.

Thảo Nguyên lựa chọn gói câu hỏi 10 - 20 - 20 điểm. Cô trả lời chính xác 2/3 câu hỏi để về vị trí với 160 điểm. Minh Ngọc bước vào phần thi Về đích với 260, lựa chọn gói ba câu 20 điểm. Cô trả lời chính xác 2/3 câu hỏi nâng điểm số lên 300.

Kết quả, Bùi Nữ Minh Ngọc (THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum) giành vòng nguyệt quế và ghi tên vào cuộc thi Tháng 3 quý IV. Phạm Quốc Việt (THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ) về nhì 270 điểm. Cùng xếp vị trí thứ ba Vũ Thảo Nguyên (THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) 160 điểm; Võ Dương Vĩnh Thắng (THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM) 130 điểm.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.