Nữ sinh người M’Nông nuôi mơ ước trở thành nhà giáo

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - 2022 đợt 2, diễn ra tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Đắk Lắk có 1 điểm thi đặt tại Trường THPT Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn).

Nữ sinh H’ Luộc Liêng Hót vượt hàng trăm cây số để dự thi tại điểm thi Trường THPT Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn.
Nữ sinh H’ Luộc Liêng Hót vượt hàng trăm cây số để dự thi tại điểm thi Trường THPT Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn.

Điểm thi này có 1 thí sinh vô cùng đặc biệt. Đó là em H’ Luộc Liêng Hót (SN 2001) đang mang bầu tháng thứ 7, nhưng vẫn quyết tâm “vác bụng bầu đi thi”.

Gia cảnh khốn khó

“Em sinh ra trong gia đình làm nông ở buôn Yang Kring, xã Bông Krang (huyện Lắk). Buôn em nghèo lắm, gia đình em cũng thế. Gia đình có 9 anh chị em, bố mất ngay sau khi mẹ sinh em út. Em là con thứ 6, các anh chị trước chưa một ai học qua lớp 11, vì phải nghỉ để đi làm lo cho mẹ và các em”, H’ Luộc bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.

Suốt những năm học cấp 3, thầy cô và bạn bè đã quen hình ảnh cô bạn học khi nào cũng mặc chiếc áo màu đen tới trường vào mùa đông. Đó là trang phục đắt tiền, lành lặn và cũng ấm nhất giúp em tránh được những cơn gió trên quãng đường 10km đến trường.

Gia cảnh khốn khó là thế, nhưng trong ánh mắt của nữ sinh này vẫn luôn ánh lên khát vọng “vượt khó” để thay đổi mình và hoàn cảnh sống của gia đình. Em cho biết thêm, gia đình em hiện rất khó khăn, nhưng em vẫn cố gắng thi vì được sự động viên của thầy cô, gia đình.

“Ở trong buôn, nhiều thanh niên không được học hành đến nơi, đến chốn, giờ không có việc làm. Em sẽ cố gắng thi đậu tốt nghiệp, rồi xin xét vào một trường cao đẳng hoặc đại học sư phạm để sau này làm cô giáo về dạy cho đám trẻ ở quê nhà” - H’ Luộc dự định.

Khi được hỏi, vì sao lại bắt chồng (lấy chồng - PV) sớm thế?  H’ Luộc ngại ngùng cúi mặt lí nhí nói: “Em bắt chồng theo phong tục của địa phương để làm vui lòng gia đình thôi, chứ có ai muốn lấy sớm đâu. Em cũng chưa biết bao giờ mới có tiền để cưới chồng nữa. Vì theo phong tục, nhà gái phải chuẩn bị nhiều lễ lạt tốn kém lắm, mà gia cảnh nhà em lại nghèo. Gia đình hai bên thống nhất cho gác lại lễ cưới để tập trung học tập, lao động lo cho cuộc sống đã. Đợt thi này, chồng em động viên rất nhiều nên em yên tâm để dự thi”, rơm rớm nước mắt H’ Luộc tâm sự.

Nữ sinh H’ Luộc Liêng Hót (áo khoác đen) nhận Giấy khen học sinh Tiên tiến năm học 2020 – 2021.
Nữ sinh H’ Luộc Liêng Hót (áo khoác đen) nhận Giấy khen học sinh Tiên tiến năm học 2020 – 2021.

Luôn nỗ lực trong học tập và rèn luyện

Thầy Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lắk cho biết: Dù rất hoàn cảnh nhưng ở trường em luôn thực hiện tốt nội quy, tham gia nhiệt tình các phong trào của Đoàn trường tổ chức. Trong học tập, em có học lực khá, hạnh kiểm tốt, là tấm gương vượt khó thường được nhà trường biểu dương. Do đợt 1, m thuộc trường hợp F2 nên không thể tham gia kỳ thi. Đợt 2 này, em quyết tâm để hoàn thành tốt bài thi của mình. Hy vọng, sau khi hoàn thành chương trình THPT, em sẽ được giúp đỡ để học tiếp và thực hiện giấc mơ làm cô giáo của mình.

Còn thầy Đặng Phi Hiền, giáo viên chủ nhiệm của H’ Luộc tâm sự rất xúc động và khâm phục nghị lực của cô học trò nhỏ.

“Mỗi lần có việc, chúng tôi phải đến trực tiếp để thông tin cho em do khu vực em ở sóng điện thoại rất yếu. Mỗi lần đến lại thấy em luôn tay, luôn chân, khi thì cắt rau cho heo, gà; lúc bổ củi… nhưng giao bài tập nào là hôm sau em trả bài đầy đủ” - thầy Hiền chia sẻ.

Bạn H’ Nhiên Byã, học sinh Trường THPT Buôn Đôn (ở chung phòng với H’ Luộc tại khu bán trú Trường THPT Buôn Đôn) bày tỏ: Chị H’ Luộc đến đây từ ngày 4/8. Dù bụng bầu, sinh hoạt khó khăn nhưng chị rất chịu khó. Tối nào chị cũng thức đến khuya để học bài, buổi sáng cũng dậy sớm nữa.

“Em hỏi, sao chị đang có bầu không nghỉ ngơi mà lại thức khuya, dậy sơm vậy. Chị nói, giờ mình được ở tập trung, không phải lo việc nhà nên cố gắng ôn tập thêm ít chữ em ạ. Mai mốt có điều kiện, chị em mình nhất định phải học tốt hơn để còn giúp các em nhỏ biết cách học hành, đừng lấy chồng, lấy vợ sớm rồi lại khổ” - H’ Nhiên kể.

Có lẽ, con đường phía trước của H’ Luộc cũng như nhiều học sinh nghèo khác còn lắm chông gai, thử thách. Có thể các em sẽ không thể thực hiện được ước mơ của mình vì nhiều lí do. Nhưng với chúng tôi, khát vọng “vượt khó” của cô nữ sinh người M’Nông này sẽ là tấm gương sáng về nghị lực và quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ