Nữ sinh nghèo vượt khó đạt 29,3 điểm khối A

GD&TĐ - Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị bệnh không lao động nặng nhọc được, nhưng Trịnh Thị Hồng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Yên Định 1 (huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và học tập. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hồng đã suất sắc khi đạt được 29,3 điểm/ 3 môn thi khối A với Toán 9,8 điểm; Lý 9,5 điểm và Hóa 10 điểm.

Chân dung nữ sinh Trịnh Thị Hồng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Yên Định 1 (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Chân dung nữ sinh Trịnh Thị Hồng, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Yên Định 1 (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Học để có tương lai tươi sáng hơn

Trịnh Thị Hồng sinh ra trong gia đình có 2 chị em ở thôn Duyên Hy 2, xã Định Hưng, huyện Yên Định. Em trai Hồng hiện đang học lớp 11. Bố Hồng mất sớm từ khi em mới học lớp 4. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Hồng vừa học vừa phải phụ giúp mẹ công việc đồng áng, cũng như việc nhà. Tuy nhiên, thành tích học tập của cô học trò nhỏ này luôn khiến thầy cô, bạn bè khâm phục. Trong suốt 12 năm học, Hồng luôn là học sinh giỏi và giành được nhiều giải cao trong các thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Tiêu biểu như năm học lớp 11, Hồng đạt giải Nhì môn Tin học cấp tỉnh; năm lớp 12 đạt giải Ba giải toán trên máy tính casio môn Toán và môn Lý; giải Nhất môn Toán cấp tỉnh…

Hồng tâm sự: “Bố mất từ khi em còn nhỏ, em chưa hiểu được, sau nhiều năm lớn lên em hiểu hơn sự vất vả của mẹ, những khó khăn của gia đình. Em nghĩ, muốn gia đình vượt qua khó khăn, không còn con đường nào khác là em phải cố gắng học. Học giỏi sẽ là cơ hội để em và gia đình có tương lai tươi sáng hơn”.

Chia sẻ về phương pháp học, Hồng cho biết: Em không có điều kiện đi học thêm nhiều, ngoài thời gian học chính khóa trên lớp, học thêm ở trường, chủ yếu là em tự học ở nhà. Ở trên lớp em thường chú ý nghe giảng bài, nắm vững kiến thức, về nhà ôn lại, làm thêm bài tập. Ngoài ra, em thường tham khảo thêm các tài liệu để nắm vững thêm kiến thức, tự rút ra được những kinh nghiệm, phương pháp giải các dạng bài tập...”

Nhận xét về cô học trò của mình, thầy Trịnh Văn Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 cho biết: Hồng là một học sinh giỏi, có ý chí vươn lên, gương mẫu và luôn có trách nhiệm với việc học. Gặp những bài toán khó Hồng không từ bỏ mà miệt mài tìm tòi và quyết tâm giải bằng được bài toán đó. Ngoài ra, Hồng còn là một học sinh năng nổ trong các hoạt động tập thể, sống hòa đồng với bạn bè; là tấm gương về sự nỗ lực trong cuộc sống.

Tấm gương vượt khó

Chị Bùi Thị Nhị (42 tuổi), mẹ của Hồng, chia sẻ: Chồng chị mất sớm do căn bệnh nhồi máu cơ tim khi các con còn nhỏ, một mình chị ở vậy vất vả nuôi các con ăn học. Nhiều năm nay, chị Nhị bị bệnh thoát vị đĩa đệm, đi khám được bác sĩ khuyên chuyển tuyến ra Hà Nội mổ, nhưng vì rủi ro cao, điều kiện gia đình lại khó khăn không có tiền đi viện nên chị điều trị ở nhà. Chị đau ốm không làm việc nặng được, Hồng là con cả trong nhà phải thường xuyên thay mẹ lo toan mọi việc. Không được như nhiều bạn bè cùng trang lứa, ngoài thời gian học ở trường, Hồng lại phải giúp mẹ cấy hái… Thời gian học của Hồng ở nhà chủ yếu là vào buổi tối. Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, Hồng đã tranh thủ đi làm thêm tại hiệu sách với mong muốn kiếm thêm tiền giúp mẹ.

Biết Hồng đạt điểm cao trong kỳ thi vừa qua chị Nhị rất vui và tự hào bởi con gái đã không phụ công chị. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo lắng của chị về chi phí học tập cho Hồng trong những năm học đại học.

“Vì hoàn cảnh khó khăn, nên khi đăng ký xét tuyển đại học, tôi động viên Hồng chọn học ngành an ninh hay quân đội, nhưng do khối thi khác nên Hồng không thực hiện được. Vì vậy, Hồng đã chọn đăng ký xét tuyển khối A vào ngành Công nghệ thông tin, đại học Bách khoa Hà Nội. Lựa chọn này một phần là do sở thích của Hồng về công nghệ thông tin, một phần là mong muốn sau sau này ra trường dễ kiếm việc làm” – Chị Nhị nói.

Biết vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng Trịnh Thị Hồng vẫn lạc quan, quyết tâm vượt khó để theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Hỏi về dự định sắp tới, Hồng nói: Đi học xa gia đình, ở môi trường học mới mẹ em sẽ phải vất vả hơn để lo cho 2 chị em ăn học. Vì vậy, sau khi nhập học em sẽ tìm một việc làm thêm phù hợp như đi dạy gia sư để giúp mẹ đỡ một phần chi phí. Bên cạnh đó, em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sau này ra trường có cơ hội xin được việc làm ổn định giúp cho mẹ đỡ vất vả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.