Lãnh đạo và thầy cô Trường THPT Gia Hội đưa học sinh của trường đến xin lỗi học sinh và gia đình học sinh bị đánh sau vụ việc
Bạc thêm tóc vì học trò
Trong một tuần qua là một tuần đầy tâm trạng đối với phần lớn thầy cô giáo tại Trường THPT Gia Hội (TP Huế, Thừa Thiên-Huế). Trời bên ngoài đang chuyển mùa, bắt đầu rả rích những cơn mưa Huế kéo dài thâm trầm “thối trời thối đất”.
Bên trong căn phòng nhỏ, người thầy giáo tuổi gần 60 pha bình trà, khẽ khàng đi đi lại lại. Thi thoảng ông cầm tập hồ sơ đọc lại từng chữ, trong đó có bản tường tình, bản tự kiểm điểm, biên bản họp hội đồng kỉ luật và cả quyết định kỉ luật có chữ kí chưa ráo mực của ông - Hiệu trưởng Phùng Đăng Khánh.
Nhìn bên ngoài có vài học sinh ở hành lang đang bàn nhau các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam vào tháng sau, ông Khánh nhấp ngụm trà, nói giọng buồn buồn:
“Nhà trường chọn mức kỉ luật cảnh cáo toàn trường đối với em nữ sinh lớp 10 đánh bạn gây bức xúc dư luận ấy là đã hết sức cân nhắc vì nhiều lẽ…”.
Để xảy tình trạng bạo lực học đường và những hư hỏng của học sinh là có lý do về khoảng cách giữa gia đình và nhà trường quá lớn. Ví như ở trường tôi có nhiều em học sinh nghỉ học không lý do, chúng tôi liên lạc với gia đình nhưng không thể, khi thì do bố mẹ làm ăn xa, khi thì bận buôn bán làm ăn…
Mỗi năm có hai cuộc họp nhưng nhiều phụ huynh không đi, hoặc nhờ người khác đi hộ. Đây là chuyện buồn của xã hội chứ không hẳn ngành giáo dục
Hiệu trưởng Phùng Đăng Khánh
Ông Khánh năm nay là năm thứ 36 làm nghề giáo “gõ đầu trẻ”. Ngần ấy năm ông có gần một nửa thời gian đứng lớp giảng dạy, một nửa làm quản lý với vai trò hiệu phó và hiệu trưởng.
Trước khi về làm Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội vài năm trước, phần lớn sự nghiệp “trồng người” của ông đã kinh qua những vùng quê cực kì khó khăn ở Thừa Thiên-Huế.
Đó là vùng ven biển và phá Tam Giang - nơi mà những con chữ gắn với con đò, nơi mà bão lũ thiên tai, sóng biển gắn với những bấp bênh giảng đường…
“Mình 18 năm ở Trường THPT Tam Giang, sau về Trường THPT Phong Điền 9 năm. Tiếp đó là về Trường Trần Văn Kỉ ở tận xã Phong Bình giáp Quảng Trị, gần đây mới về Gia Hội.
Hơn 30 năm giảng dạy và làm quản lý 3 ngôi trường ở vùng khó khăn, mình chưa bao giờ phải trải qua tâm trạng u uất vì học trò như những ngày vừa qua.
Nhiều đêm mình đã mất ngủ. Áp lực dư luận lớn, nhưng áp lực trách nhiệm quản lý càng lớn. Xem cái clip có học sinh trường mình đánh bạn ấy, thoạt đầu mình không tin và không có cơ sở để tin vì cái áo học sinh đó mặc trông giống với áo học thể dục lớp 10 của trường, nhưng lại không có logo thành ra không nhận ra được. Mãi hôm sau ngày 6/10, các thầy cô mới làm rõ. Đau lắm. Đau trò lẫn đau thầy” - người thầy gốc Hà Tĩnh kể với giọng đượm buồn.
Nước mắt chảy xuôi
Sáng 7/10, một ngày sau clip hai nữ sinh Huế đánh một nữ sinh khác giữa đường bị tung lên mạng làm “dậy sóng” dư luận, Trường THPT Gia Hội đón một vị khách đặc biệt.
Đó là cụ bà tuổi 73, ở phường An Cựu, TP.Huế. Cụ là bà nội của em N.T.T.N, nữ sinh lớp 10 Trường THPT Gia Hội xuất hiện trong clip với những hành động và phát ngôn phản cảm đang bị cộng đồng mạng “ném đá tơi bời”.
Bà nội N. nói rằng bà chẳng biết mạng miếc là chi, nhưng đi chợ đã nghe xì xào nhỏ to cháu bà đi “đánh bậy” khiến bà rất buồn. Thấy bà nội khóc, N. khóc lóc hối hận thú nhận với bà về chuyện “tày đình” đó.
Bố đẻ của em bị tai biến, mẹ thì đi làm thuê đút cháo cho người bệnh nên từ nhỏ đến lớn N. được đến trường bằng chính những đồng lương hưu ít ỏi của bà nội. Để sự việc xảy ra, bà đến xin lỗi nhà trường vì làm phiền lòng mọi người; xin cùng nhà trường gánh vác hậu quả…
Ông Lê Triều Sơn - Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, một trong những thầy cô giáo cùng với bà nội N. đưa N. đến nhà em N.T.T.H, nữ sinh học Trường trung cấp nghề số 10 Thừa Thiên-Huế bị N. cùng bạn đánh giữa đường gây nên “bão tố”, kể rằng khi chứng kiến cảnh bà nội N. tuổi cao sức yếu, cùng các thầy cô giáo đến tận gia đình để xin lỗi, thành khẩn xin khắc phục các hậu quả thì bố mẹ H. đều tan biến những cơn giận, sẵn lòng bỏ qua mọi chuyện, tạo cơ hội cho những đứa trẻ lớn khôn, học hành thành người.
Còn em N. ngay khi gặp lại “đối phương”, cái vẻ mặt hung dữ khi đánh bạn đã biến đâu mất, chỉ còn lại một cô bé yếu ớt đầy ăn năn hối lỗi.
“N. vẫn còn sợ sệt, è dè lắm, nhưng em đã chủ động cầm tay H. nói lời xin lỗi, nhưng chưa kịp nói nước mắt đã tuôn như mưa… Thấy bạn như vậy H. cũng đã bỏ qua lỗi lầm, vỗ về, an ủi bạn. Hai em đã kết tình bạn thân với nhau nên người lớn cũng phần nào nhẹ lòng” - Ông Sơn kể.
Có một điều ít người biết rằng cả ba nữ sinh trong vụ việc nói trên là con nhà rất nghèo, đều là hộ nghèo của phường. Đặc biệt N.T.L, nữ sinh học Trường trung cấp nghề số 10, người rủ N. tham gia chặn đường đánh H. chỉ vì một xích mích trong đời sống, lại là người có hoàn cảnh khá thương tâm. Bố L. bị bệnh nan y thường vào ra bệnh viện chữa trị, bản thân L. thì bị suy thận phải chạy thận nhân tạo.
Ông Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 10 Thừa Thiên-Huế cho biết L. được miễn học phí, nhà trường cũng từng phát động chương trình quyên góp trong trường để giúp cho L. có tiền chữa bệnh.
Đặc biệt, đến nay các thầy cô giáo nhà trường đã 3 lần tìm về gia đình để động viên em L. vì không thấy em trở lại trường học, nhưng không có thông tin. Hỏi, bố em chỉ biểu rằng em đã “về quê”.
“Quan điểm của trường là nghiêm khắc nhưng vẫn tạo cơ hội cho các em sửa sai. Cho đến nay, chúng tôi đã có mức kỉ luật từ nhắc nhở đến cảnh cáo cho 6 em trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vụ việc, nhưng chưa công bố vì để các em ổn định tâm lý sống và học tập” - Ông Hòa tâm sự.