Nữ sinh giành 12 học bổng Mỹ dạy hè trên đảo Lý Sơn

Với dự án "60 days", Võ Tường An mang đến cho học sinh đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) những kỹ năng cũng như kiến thức văn hóa, xã hội. 

Võ Tường An (giữa) nữ sinh giành 12 học bổng Mỹ mang dự án "60 days"về đảo Lý Sơn với mong muốn giúp học sinh trên đảo rút ngắn khoảng cách với đất liền. Ảnh:Thạch Thảo.
Võ Tường An (giữa) nữ sinh giành 12 học bổng Mỹ mang dự án "60 days"về đảo Lý Sơn với mong muốn giúp học sinh trên đảo rút ngắn khoảng cách với đất liền. Ảnh:Thạch Thảo.
Ngày tháng 6 dưới cái nắng gay gắt, hàng trăm học sinh trường THPT Lý Sơn háo hức chào đón 13 tình nguyện viên dự án "60 days". Dự án do Võ Tường An - nữ sinh giành học bổng của 12 trường đại học Mỹ - cùng các thành viên nhóm International Catalysts for Empowerment (ICE) tổ chức.

Được thành lập năm 2014 trong chương trình Học giả trẻ toàn cầu tại Đại học Yale (Yale Young Global Scholars), tổ chức ICE do Võ Tường An cùng các thành viên đồng sáng lập với sứ mệnh kết nối các học sinh từ những nền tảng giáo dục khác nhau, nhằm rút ngắn khoảng cách và sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Võ Tường An ấp ủ về một chương trình giáo dục miễn phí trên huyện đảo Lý Sơn. Nơi mà theo cô, sự cách biệt về địa lý, hạn chế về giao thông sẽ làm góc nhìn xã hội của các học sinh bị hạn hẹp, ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp và các quyết định trong tương lai.

Từ tháng 6, ICE bắt đầu tuyển tình nguyện viên từ khắp mọi miền đất nước. Ban tổ chức đã chọn 13 trong tổng số 500 hồ sơ gửi về để tham gia dự án, đây là những sinh viên ưu tú từ các trường đại học trong và ngoài nước cùng chung khát vọng đóng góp cho xã hội và tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân.

Trong 60 ngày tại đảo Lý Sơn, bắt đầu từ 15/6, các tình nguyện viên sẽ giúp 135 em khối lớp 10 và 11 của trường THPT Lý Sơn củng cố những lỗ hỏng kiến thức các môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh, Sinh học nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, các học sinh còn được chia sẻ về kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cũng như các kiến thức về văn hóa, xã hội, môi trường.

"Dự án 60 days không áp đặt định kiến lên các em. Các học sinh không phân biệt xuất phát điểm, chỉ đánh giá bằng sự tiến bộ trong 60 ngày tham gia. Các lớp chỉ dưới 20 em để chương trình đảm bảo chất lượng", Võ Tường An chia sẻ.

Theo thầy Võ Minh Phương - Hiệu phó trường THPT Lý Sơn, các học sinh đảo Lý Sơn phần lớn là con của ngư dân. Các em đều ham học, nhưng nhà trường và chính quyền địa phương vẫn phải vận động, khuyên nhủ vì một số em có tư tưởng nghỉ học sớm để đi biển.

"Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các tình nguyện viên không chỉ củng cố kiến thức cho chương trình dạy mà còn giúp các em thêm niềm ham mê kiến thức, định hướng nghề nghiệp, cho các em hiểu rõ về những vấn đề đang xảy ra trên quê hương mình", thầy Phương niềm nở.

Chia sẻ về dự án, bạn Hoàng Diệu Linh - thành viên ICE - hiện là sinh viên năm 2 Học viên ngoại giao nhấn mạnh: "Con đường của các học sinh ở đảo Lý Sơn không dừng lại ở việc đi biển, hay vào đại học. Qua dự án, mình hy vọng góc nhìn của các bạn sẽ trở nên thoáng rộng hơn".

Em Hoàng Dũng, học sinh lớp 11 bộc bạch: "Em mong muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch để đón những đoàn khách đến Lý Sơn trong tương lai. Em rất hào hứng với chương trình vì các anh chị tình nguyện viên đều giỏi và tâm huyết".

: Khoảng hơn 130 em học sinh khối lớp 10 và 11 Trường THPT Lý Sơn tham gia dự án. Ảnh: Thạch Thảo.

Khoảng hơn 130học sinh khối lớp 10 và 11 trường THPT Lý Sơn tham gia dự án. Ảnh:Thạch Thảo.

Trong khuôn khổ "60 days", ICE sẽ tổ chức chương trình "Rác đi về đâu" nhằm mổ xẻ thực trạng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ở đảo Lý Sơn. Đồng thời thành lập tủ sách "S-Library" với khoảng 400 đầu sách do các nhà hảo tâm tài trợ nhằm củng cố thói quen đọc sách, bồi đắp kiến thức cho học sinh huyện đảo.

Theo Võ Tường An, ban tổ chức mong muốn tạo một nền tảng hỗ trợ lâu dài và kết nối các học sinh Lý Sơn với ICE trong giai đoạn THPT và sau tốt nghiệp. Một mặt tạo điều kiện cho học sinh Lý Sơn được tiếp cận những thông tin, tri thức mới. Mặt khác, các tình nguyện viên sẽ được mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về xã hội họ đang sống để ảnh hưởng đến các quyết định sau này.

Sinh năm 1998 tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, Võ Tường An sang Mỹ du học sau khi học hết THCS. Khi chưa tròn 18 tuổi, cô được 12 đại học Mỹ, trong đó có các trường hàng đầu như Harvard, Stanford, Cornell, Yale trao học bổng. Tốt nghiệp Trường THPT John Bapst Memorial năm 2016, An quyết định học ngành khoa học chính trị và khoa học thần kinh tại ĐH Standford với học bổng toàn phần trị giá 66.699 USD ( hơn 6 tỷ đồng) trong 4 năm.

Dự án "60 days" tại đảo Lý Sơn là một trong những hoạt động xã hội được An thực hiện trong gap-year (năm nghỉ ngơi) của cô trước khi bước vào đại học.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ