Cầu nối “ngôn ngữ” giữa kênh thông tin chính thống và người nước ngoài trong đại dịch Covid-19
Hơn 18h ngày 6/4, Bộ Y tế vừa công bố 4 ca mắc Covid-19 mới ở Việt Nam, thì đến 18h30 trên trang fanpage mang tên “Covid-19 Updated Information for Foreigners in Vietnam” (Tạm dịch: “Tin tức cập nhật về Covid-19 cho người nước ngoài ở Việt Nam) đã đăng tải toàn bộ tin tức thời sự “nóng” này dưới dạng 100% tiếng Anh, với đầy đủ thông tin về ca bệnh như bản gốc.
Bên cạnh tin tức về các ca bệnh mới, trên trang fanpage với hơn 11.000 người theo dõi này còn đăng tải đầy dủ các khuyến cáo, thông báo khẩn của Bộ Y tế, thông tin về dịch bệnh Covid-19 dưới dạng chuyển ngữ, và đều được cập nhật chỉ trong 20-30 phút, kể từ khi thông tin gốc được công bố, để những người nước ngoài sống ở Việt Nam có thể nắm bắt tình hình Covid-19 một cách chính xác và kịp thời nhất.
Ít ai biết rằng, người sáng lập ra trang thông tin chuyên nghiệp, bài bản và rất thiết thực này lại chỉ là một học sinh lớp 12.
Bạn trẻ được nhắc đến là Giáp Bùi Việt Anh, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Lục Ngạn số 1. Việt Anh có niềm yêu thích đặc biệt với việc khám phá văn hóa, con người của các nước trên thế giới.
Năng khiếu tiếng Anh là công cụ đắc lực giúp nữ sinh này thực hiện đam mê của mình, thông qua việc làm quen, trò chuyện với người nước ngoài, và cũng nhờ vậy mà Việt Anh biết được nỗi băn khoăn của cộng đồng này, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
“Khoảng 1 tháng trước, trong các nhóm của người nước ngoài ở Việt Nam mà em tham gia có nhiều thành viên đã bày tỏ sự hoang mang, vì đọc được các thông tin thất thiệt về dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Nhận thấy rằng, những người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng cần được cập nhật thông tin một cách chính xác và kịp thời về dịch bệnh Covid-19 giống như chúng ta, em đã thử đăng một số bài viết chia sẻ thông tin và nhận được phản hồi rất tích cực. Từ đó, em quyết định thành lập trang fanpage này”, Việt Anh chia sẻ.
Đúng như tên gọi, “Covid-19 Updated Information for Foreigners in Vietnam” được lập ra để làm cầu nối “ngôn ngữ” giữa các kênh thông tin chính thống cung cấp tin tức về Covid-19 của Việt Nam và cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, vốn chiếm số lượng không hề nhỏ và hiện diện ở khắp các tỉnh thành.
Làm việc khoa học chính là “chìa khóa” thành công
Ở thời điểm mới thành lập, chỉ có một mình Việt Anh vận hành trang fanpage này, kiêm tất cả công việc từ cập nhật tin tức mới, phiên dịch sang tiếng anh cả thông tin lẫn đồ họa (các inforgraphic, sơ đồ di chuyển của ca bệnh…) để đăng tải, giải đáp thắc mắc của người nước ngoài…
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm đến fanpage, cùng với đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn thì lượng thông tin cần truyền tải ngày càng tăng, cô nữ sinh này đã quyết định mời thêm thành viên tham gia với mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ quản lý trang fanpage này đã tăng từ 1 lên 3 và rồi đến 8 thành viên. Đặc biệt, cùng làm việc với Việt Anh không chỉ là các bạn trẻ Việt Nam muốn đóng góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch, mà còn có cả 3 tình nguyện viên người nước ngoài.
Theo chia sẻ của Việt Anh, để fanpage được vận hành một cách hiệu quả, thông tin cập nhật nhanh, chính xác nhưng cũng không để ảnh hưởng đến việc học tập của các thành viên, cả nhóm đã có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, cùng với đó là cách làm việc linh hoạt, khoa học.
“Hiện tại fanpage của chúng em tập trung 3 mảng chính. Thứ nhất là cập nhật số ca bệnh, số ca khỏi bệnh hàng ngày; thứ hai, phân tích hành trình di chuyển của các bệnh nhân; thứ ba, phổ biến thông báo khẩn của Bộ Y tế, cũng như các chính sách mới để chống dịch của Chính phủ. 3 mảng này sẽ được phân chia cho từng nhóm khoảng 2 người.
Bên cạnh đó, hai thành viên ngoại quốc là Finlay Porter, Melody Lopez sẽ có nhiệm vụ sửa lỗi ngữ pháp, cách diễn đạt để phù hợp hơn với người bản xứ, từ đó giúp họ dễ tiếp cận hơn.Đặc biệt, trong nhóm của chúng em có thầy Christopher Knight đang giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, trước đó từng là chuyên gia phân tích thiên tai và dịch bệnh ở Mỹ.
Thầy sẽ là người thực hiện những bài viết khoa học về dịch bệnh. Đồng thời, làm cố vấn trả lời những câu hỏi mang tính chuyên môn được gửi về cho fanpage”, Việt Anh cho biết.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày trang fanpage của Việt Anh sẽ đăng tải 5-7 bài viết và ảnh. Việc theo dõi thông tin từ Bộ Y tế hay các kênh chính thống khác là nhiệm vụ của tất cả thành viên, bất kì ai nếu thấy có tin tức mới sẽ báo ngay đến nhóm phụ trách mảng thông tin đó.
Theo chia sẻ của Việt Anh, nhiệm vụ khó khăn nhất chính là phải thường xuyên túc trực trên các nguồn cung cấp thông tin để cập nhật kịp thời, điển hình như thông tin công bố ca bệnh mới, thường không theo giờ cố định.
“Nhiều hôm mọi người phải thức khuya để chờ thông tin ca bệnh, hôm muộn nhất là gần 12 giờ. Vì ý thức được thông tin này rất cần thiết và cấp bách, nên chúng em động viên nhau phiên dịch luôn để đăng tải trong đêm, không chờ đến sáng hôm sau”, Việt Anh chia sẻ thêm.
Nguồn năng lượng đặc biệt của những người trẻ
Sự nỗ lực cùng cách làm việc hiệu quả của cả nhóm được minh chứng thông qua những con số đầy ấn tượng: Hơn 11.000 người theo dõi trong đó có đến 60-70% là người nước ngoài; hơn 450.000 lượt tương tác, cùng hàng trăm lời cảm ơn gửi về từ những người ngoại quốc trên khắp đất nước, chỉ trong chưa đầy 1 tháng từ khi “Covid-19 Updated Information for Foreigners in Vietnam” được thành lập.
Khi được hỏi “Làm việc này vừa không có tiền, vừa mất sức, tốn thời gian, đâu là động lực để cả nhóm cùng tiếp tục?”, cô học trò cấp ba chỉ nhoẻn miệng cười, rồi bật mí về nguồn năng lượng đặc biệt đã và đang tiếp sức cho tất cả các thành viên: “Từng có các trường hợp người nước ngoài từng đi trên chuyến bay ghi nhận ca mắc Covid-19 đã liên lạc nhờ đến sự trợ giúp của chúng em, vì rào cản ngôn ngữ với cơ quan chức năng. Ngay sau đó, chúng em đã thay mặt họ báo cáo với Sở Y tế của địa phương, để họ được đưa đi cách ly.
Mỗi lần giúp đỡ được một trường hợp như vậy, cả nhóm đều cảm thấy rất phấn chấn và có tinh thần làm việc, bởi với người trẻ, còn gì vui hơn khi được dùng chính sở trường, năng khiếu của mình để làm việc có ích cho cộng đồng”.