Đi đầu trong chuyển đổi số
Chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, 70 năm truyền thống ngành Giáo dục Thủ đô, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2024. Với nhiều đóng góp quan trọng của mình, cô Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh, huyện Hoài Đức là một trong những thầy cô được vinh danh.
Nhiều năm qua, cô Tạ Thị Vui cùng đồng nghiệp thành lập và duy trì nhóm “Giáo viên Vân Canh - chung tay phát triển” để hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tham gia “Tổ hỗ trợ Công nghệ thông tin” để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thời đại 4.0, chuyển đổi số trong giáo dục.
Nữ nhà giáo luôn tâm đắc với câu nói: “Thầy cô là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim”. Vì vậy, cô luôn học hỏi, trau dồi bản thân để không ngừng tiến bộ về chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện năng lực, phẩm chất. Tích cực tham gia các nhóm giáo viên, cộng đồng sáng tạo trên mạng xã hội để có thể lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm dạy học của nhiều đồng nghiệp khác để học hỏi.
Để góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, cô Vui cùng ban giám hiệu nhà trường đưa ra các biện pháp chỉ đạo ứng dụng chuyển đổi số như đẩy mạnh quản lý hồ sơ, sổ sách điện tử trên Google Driver, OneNote, OneDrive và sau này là trang quản lý hồ sơ sổ sách điện tử của ngành Giáo dục.
Cùng đó, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện việc đăng ký chữ ký số, tiến hành tập huấn sử dụng học bạ điện tử cho giáo viên; ứng dụng các phần mềm trong dạy học truyền thống và trực tuyến; tổ chức lớp học kết nối nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh.
“Các hoạt động đó giúp tôi và đồng nghiệp nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục ở trường tiểu học. Từ đó chỉ đạo, thực hiện các hoạt động giáo dục có tính đa dạng, hiệu quả và hiện đại hơn; đáp ứng xu thế xã hội và nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục nhằm bắt kịp xu thế của nhà lãnh đạo 4.0”, cô Tạ Thị Vui nhấn mạnh.
Tăng tương tác thầy trò
Ngoài ra, cô Hiệu phó đã tìm hiểu và tập huấn cho giáo viên tính năng, cách sử dụng các ứng dụng như ClassDojo và Padlet để xây dựng những “Lớp học mở” tạo nền tảng giao tiếp gần gũi giữa giáo viên và học sinh; tạo ra phương pháp giáo dục mới, kích thích sự chủ động sáng tạo trong học tập và làm chủ công nghệ cho học sinh.
Với những “Lớp học mở”, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ hằng ngày cho học trò như quay clip về những việc làm ở nhà, đọc một bài thơ, giới thiệu cuốn sách, sưu tầm tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học của buổi sau. Nhờ đó, các em luôn hứng thú với nhiệm vụ được thầy cô giao.
Cùng đó, các lớp học này còn có sự giám sát của phụ huynh. Bố mẹ sẽ biết được những ưu nhược điểm của trẻ trong học tập và rèn luyện để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn, hỗ trợ giáo viên trong hoạt động giáo dục.
Mô hình này không chỉ tạo cơ hội để học sinh được khám phá và kiến tạo tri thức trong môi trường số, mà còn hình thành kỹ năng số cơ bản, có khả năng truy cập nguồn thông tin số, biết định danh, xác thực, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, cô Tạ Thị Vui cũng tổ chức các cuộc thi trong môi trường số để tăng cường sự tương tác, giúp học sinh hào hứng thi đua, học tập trong tâm thế phấn khởi, thu hút đông đảo phụ huynh tham gia.
Việc hình thành kĩ năng “Công dân số” được cô Vui triển khai với hai giải pháp là xây dựng diễn đàn giáo dục trên môi trường số và tổ chức lớp học kết nối.
Mục tiêu nhằm giúp học sinh hòa mình học tập, làm việc một cách tự nhiên trên môi trường số, từ đó định hướng cho trẻ hình thành kĩ năng, loại bỏ những tác động không tốt, hình thành động lực cho học sinh để trở thành những công dân số, cô đã xây dựng kênh diễn đàn (forum) trên website của nhà trường.
Cô Vui cùng giáo viên đã tìm hiểu và đưa ứng dụng số hóa, tự động hóa vào triển khai. Đây là một công cụ để trao đổi, kết nối giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh. Qua đó, mối liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở nên hiệu quả; học sinh thích thú, tự giác làm việc theo định hướng của thầy cô, quên đi việc truy cập internet chỉ để xem tiktok, youtube...
Để việc tương tác, kết nối trên môi trường số đạt hiệu quả, cô Vui đã triển khai các lớp học kết nối. Cô cùng đồng nghiệp đã liên hệ với giáo viên trong và ngoài thành phố xây dựng các tiết học kết nối.
"Việc thay đổi hình thức học tập giúp học sinh rất hào hứng tham gia. Các em nhận thấy rằng CNTT có thể kết nối giúp chúng ta kết nối muôn nơi, từ hào hứng trở nên yêu thích và vận dụng những ứng dụng CNTT vào cuộc sống, công việc trong tương lai của mình", cô Vui tâm sự.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cô Tạ Thị Vui đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Giấy khen Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội; 2 Sáng kiến kinh nghiệm được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cùng nhiều phần thưởng khác.