Đầu tư phòng học thông minh: Khao khát 'chạm' mục tiêu đổi mới

GD&TĐ - Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu.

Tiết dạy minh họa Bài 1 “Khái niệm về cân bằng hóa học - Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự chuyển dịch cân bằng hóa học” của thầy giáo Trịnh Xuân Trung.
Tiết dạy minh họa Bài 1 “Khái niệm về cân bằng hóa học - Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự chuyển dịch cân bằng hóa học” của thầy giáo Trịnh Xuân Trung.

Việc sử dụng các thiết bị thông minh, trí tuệ nhận tạo AI tạo ra môi trường học tập tương tác hấp dẫn, nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, quá trình đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực còn nhiều khó khăn, bất cập.

Lợi ích thiết thực

Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 Trường THPT Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) tiếp nhận, vận hành ngôi trường mới. Cơ sở vật chất nhà trường khang trang, đồng bộ, hiện đại với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng.

Nhà trường cũng chú trọng đầu tư phòng học thông minh với các thiết bị tiên tiến như: Máy tính, iPad, bàn học đa năng, kính thực tế ảo… để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và triển khai Chương trình GDPT 2018 theo định hướng giáo dục hiện đại, tiến tới xây dựng trường học thông minh, trường học số.

Thầy Hiệu trưởng Phạm Hoàng Hưng cho hay, để thực hiện mục tiêu trên, Trường THPT Hồng Bàng đã xây dựng các giải pháp tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong trường học ở cả hai lĩnh vực dạy học và quản lý.

Trong lĩnh vực dạy học, ngoài mô hình lớp học truyền thống thì mô hình lớp học thông minh như: Lớp học đảo ngược, lớp học kết hợp trực tiếp và trực tuyến được giáo viên sử dụng linh hoạt, hiệu quả tạo sự hấp dẫn, tươi mới cho các tiết dạy. Từ đó, giáo viên và học sinh được tiếp cận, ứng dụng những công nghệ dạy học hiện đại, phát triển năng lực cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Là trường THPT ngoài công lập nhưng để bắt nhịp xu hướng phát triển, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận Hồng Bàng) đã tiên phong đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Dù cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ nhưng vì quyền lợi học sinh và hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường mạnh dạn đầu tư phòng học và thiết bị thông minh.

Bên cạnh đó, bồi dưỡng đội ngũ, giáo dục kĩ năng công dân số, xây dựng kho dữ liệu dạy học số trên thư viện điện tử là nhiệm vụ song hành và quan trọng. Qua 4 năm triển khai cho thấy, giáo viên nhà trường chủ động, tích cực, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin tốt lên, chất lượng chuyên môn thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, học sinh rất năng động, hào hứng đáp ứng yêu cầu bài học, vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành và cuộc sống linh hoạt.

dau-tu-phong-hoc-thong-minh-tai-hai-phong-1.jpg
Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức các hội thảo, tham quan thực tế mô hình phòng học thông minh để các trường có kế hoạch, định hướng trong giảng dạy.

Để minh họa về hiệu quả của chuyển đổi số trong giáo dục, Trường THPT Hồng Bàng phối hợp với Trường THPT Lương Thế Vinh và THPT Cát Hải thực hiện chuyên đề cấp thành phố “Sử dụng phòng học thông minh, thiết bị dạy học số kết hợp với công nghệ AI, thực tế ảo vào dạy học trực tuyến tại các trường THPT”. Chuyên đề tổ chức giữa tháng 10 vừa qua và được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng đánh giá cao.

Tiết dạy Bài 1 “Khái niệm về cân bằng hóa học - Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sự chuyển dịch cân bằng hóa học” của thầy giáo Trịnh Xuân Trung (Trường THPT Hồng Bàng) với học sinh lớp 11 của 3 trường đã minh họa về giải pháp trường học số trong trong dạy học với mô hình lớp học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng thời, giờ học lồng ghép giáo dục các kỹ năng sử dụng hiệu quả công nghệ cao trong dạy học, tạo sự năng động, sáng tạo cho học sinh; phát huy thế mạnh của giáo viên, học sinh trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các thiết bị phòng học thông minh vào dạy học. Đây là một giải pháp sáng tạo giúp các trường học giảm bớt khó khăn trong phân công nhiệm vụ vì thiếu giáo viên cục bộ; kết nối, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương, vùng, miền….

dau-tu-phong-hoc-thong-minh-tai-hai-phong-3.jpg
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng tham quan, trải nghiệm phòng học thông minh Trường THPT Hồng Bàng.

Cần sự đầu tư đồng bộ

Tuy nhiên, để trang bị một phòng học thông minh vấn đề kinh phí là băn khoăn của hầu hết các nhà trường, nhất là trường khối công lập. Trong khi, một phòng học chỉ đáp ứng nhu cầu của 45 học sinh/lớp mà trung bình mỗi trường hơn 1.000 học sinh, nếu chỉ đầu tư 1 phòng học sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của học sinh toàn trường.

Thầy giáo Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà (huyện Cát Hải) cho hay, giảng dạy trong phòng học thông minh kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong chuyên đề của 3 trường nói trên đã đem đến một trải nghiệm và lời giải cho việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.

Đặc thù là trường học ngoài đảo xa còn khó khăn, nhưng nhà trường cũng quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, hiện trường mới tập trung khai thác những phần mềm đơn giản ở những phòng học có bảng tương tác thông minh.

Trường THPT Cát Hải (huyện Cát Hải) được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu tặng một phòng học thông minh nhân dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hương, băn khoăn lớn nhất của nhà trường không phải là cơ sở vật chất nữa mà là nhân lực để vận hành và sử dụng các trang thiết bị hiện đại.

Bởi để vận hành hiệu quả, giáo viên phải có năng lực làm chủ công nghệ trong khi một bộ phận giáo viên nhà trường có tâm lý ngại thay đổi, tiếp cận cái mới. Việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực công nghệ cho giáo viên được trường ưu tiên hàng đầu. Cô Hương mong muốn sở GD&ĐT nên có trung tâm điều phối phòng học thông minh để các nhà trường có thể học tập, tập huấn cho đội ngũ giáo viên.

Thầy Phạm Trung Diện - Hiệu trưởng Trường THPT Thụy Hương (Kiến Thụy) bày tỏ, với trường ngoại thành vấn đề kinh phí đầu tư rất khó khăn, bởi ngân sách Nhà nước phân bổ mỗi năm có hạn.

Trong khi kêu gọi xã hội hóa để đầu tư phòng học thông minh không đơn giản. Vì thế, đến nay vẫn chưa trường khối ngoại thành nào làm được. Băn khoăn của lãnh đạo Trường THPT Thụy Hương cũng là khát khao của các trường khu vực ngoại thành và không ít trường học trong nội thành Hải Phòng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Quốc Hiệu cho biết, chuyển đổi số đang từng bước thay đổi cách dạy và học. Việc sử dụng các thiết bị thông minh, công nghệ AI sẽ nâng cao hứng thú học tập, thúc đẩy sự sáng tạo và kĩ năng tư duy của học sinh.

Giáo viên có thể khai thác nguồn học liệu khổng lồ phục vụ giảng dạy mà không phụ thuộc vào thời gian, không gian, địa điểm. Mặc dù lợi ích của chuyển đổi số là dễ dàng nhận thấy nhưng khi triển khai không tránh khỏi thách thức. Làm quen công nghệ ban đầu khó khăn, nhưng thầy trò cần thời gian để thích nghi, cập nhật. Các nhà trường cũng quan tâm, chú trọng và từng bước đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực.

Chương trình GDPT 2018 chú trọng phát triển năng lực học sinh, trong đó có năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Để phát triển toàn diện năng lực của học trò, thầy, cô giáo cần đổi mới các hình thức tổ chức dạy học. Trong đó ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng các thiết bị thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quản lý, trong giảng dạy và học tập là xu hướng tất yếu.

Tuy nhiên, thực tế triển khai phòng học thông minh trong các nhà trường trên địa bàn Hải Phòng chưa nhiều. Toàn thành phố mới có 20/750 trường có phòng học thông minh. Điều này cho thấy nút nghẽn cơ bản vẫn là kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực vận hành.

Để cung cấp bức tranh tổng thể giúp lãnh đạo các trường trên địa bàn có cái nhìn thấu đáo, toàn diện, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức các hội thảo, tham quan thực tế mô hình để các trường có kế hoạch, định hướng cụ thể, từng bước đầu tư hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân lực tại đơn vị, đưa ứng dụng các thiết bị thông minh, công nghệ AI vào hỗ trợ giảng dạy, học tập, quản lý tại đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả và bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ