Nữ giáo viên lưu giữ hồn cốt tiếng Thái

GD&TĐ - Cô giáo Hà Khuyên, người dân tộc Thái luôn đam mê nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ hồn cốt tiếng dân tộc.

Giờ học tiếng Thái của lớp 10A2, Trường THPT Quan Sơn.
Giờ học tiếng Thái của lớp 10A2, Trường THPT Quan Sơn.

Công tác ở Trường THPT Quan Sơn, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa), cô Hà Khuyên, người dân tộc Thái luôn đam mê nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ hồn cốt tiếng dân tộc. Là giáo viên dạy môn Ngữ văn, nữ nhà giáo sắp xếp thời gian hợp lý để dạy cho học trò chữ viết của dân tộc.

Hồn cốt tiếng Thái “ăn vào máu”

Trường THPT Quan Sơn - nơi duy nhất trong số trường THPT trong tỉnh Thanh Hóa đang dạy tiếng Thái. Ảnh: TG

Trường THPT Quan Sơn - nơi duy nhất trong số trường THPT trong tỉnh Thanh Hóa đang dạy tiếng Thái. Ảnh: TG

“Cô Hà Khuyên là giáo viên người dân tộc thiểu số, nhưng không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn; rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Là giáo viên trẻ, cô nhiệt tình và tâm huyết với nghề. Ngoài dạy bộ môn Ngữ văn, cô còn dạy thêm chữ Thái giúp bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quê hương...”, thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn cho hay.

Trong chuyến công tác ở vùng biên giới huyện Quan Sơn, chúng tôi được thầy Nguyễn Minh Đạo, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) kể về một cô giáo đang miệt mài trao truyền ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái cho học trò.

Biết ở miền Tây xứ Thanh giờ đây không còn nhiều người có khả năng trao truyền ngôn ngữ, chữ viết của người Thái cho thế hệ học trò, nên chúng tôi đề nghị được gặp nữ giáo viên này để tìm hiểu.

Cô Hà Khuyên (36 tuổi), sinh ra, lớn lên ở xã Trung Hạ, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn. Ngay từ nhỏ, Hà Khuyên đã “thấm” ca dao, tục ngữ của đồng bào dân tộc Thái thông qua mẹ của mình. Khi trở thành sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, tình yêu với ngôn ngữ dân tộc cứ thế lớn dần theo năm tháng.

“Thậm chí, ngay cả đề tài khóa luận tốt nghiệp, cô ấy cũng quyết định nghiên cứu về khặp Thái. Vì vậy, khi về công tác tại Trường THPT Quan Sơn, cô Hà Khuyên đã ấp ủ tâm nguyện trở thành người trao truyền ngôn ngữ, chữ Thái cho học trò của mình, mặc dù cô là giáo viên dạy Ngữ văn”, thầy Đạo chia sẻ.

Gặp và trò chuyện với chúng tôi, cô Hà Khuyên tâm sự, sau khi tốt nghiệp đại học, bản thân có nguyện vọng được quay về quê hương để đóng góp, cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành Giáo dục.

“Tháng 10/2009, tôi được biên chế vào dạy môn Ngữ văn ở Trường THPT Quan Sơn. Những năm đầu dạy học, bản thân nhận ra một điều, học sinh của nhà trường đa phần là con, em đồng bào dân tộc Thái.

Thế nhưng, các em chưa hề biết chữ Thái, mà chỉ biết nói tiếng Thái. Vì vậy, tôi luôn trăn trở và ấp ủ phải làm một điều gì đó, để lưu giữ được vốn ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình”, cô Hà Khuyên bộc bạch.

Năm 2012, nữ nhà giáo mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường cho phép mình dạy thử nghiệm chữ Thái cho học sinh nào yêu mến môn học này. Được sự đồng ý và khích lệ của Ban giám hiệu nhà trường, cô Hà Khuyên bắt đầu dạy cho học sinh từ những nét chữ Thái đầu tiên.

Đến nay, cô Hà Khuyên đã dạy môn học Tiếng dân tộc Thái được 11 năm. Số học sinh của nhà trường đăng ký môn học ngày càng đông và cô đang dạy 2 lớp.

“Người Thái có tiếng nói, chữ viết riêng. Đó là điều mà không phải dân tộc nào cũng có được. Tôi rất tự hào về điều đó”, cô Hà Khuyên bộc bạch và chia sẻ thêm: Về tiếng nói của người Thái, ngoài khả năng biểu vật, biểu niệm, biểu thái như những ngôn ngữ khác, tiếng Thái còn giàu hình ảnh, nhạc tính.

“Vì theo chuyên ngành Ngữ văn, tôi có điều kiện khám phá kho tàng văn học dân gian của đồng bào Thái. Là tộc người có chiều dài lịch sử, đời sống xã hội phong phú, ngôn ngữ phát triển, người Thái Việt Nam đã sáng tạo ra một khối lượng thơ ca dân gian không nhỏ.

Vốn ngôn ngữ của cha ông quả là một kho báu diệu kỳ. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ học chữ Thái để thỏa đam mê với những áng văn chương cổ. Nhưng càng khám phá ra sức hấp dẫn của ngôn ngữ dân tộc bao nhiêu, tôi càng trân quý, nâng niu bấy nhiêu. Vì thế, ngôn ngữ, chữ viết của người Thái giờ đây đối với tôi, như thể đã ăn vào máu của mình vậy”, cô Khuyên chia sẻ.

Tuy nhiên, theo cô Khuyên, hiện nay tiếng Thái đang dần bị mai một. Hiếm người biết chữ Thái và vốn từ tiếng Thái cũng đang vơi dần trong thực tiễn đời sống. Có chăng, người ta chỉ còn giữ lại những từ thông dụng trong giao tiếp, còn những từ trừu tượng, thâm sâu, uyên bác thì hầu hết đã bị trôi chìm, quên lãng.

Trao truyền cho thế hệ sau

Cô Hà Khuyên đang chỉ cho học trò về cuốn sách chữ Thái cổ.

Cô Hà Khuyên đang chỉ cho học trò về cuốn sách chữ Thái cổ.

Cô Hà Khuyên và học trò của mình. Ảnh: TG

Cô Hà Khuyên và học trò của mình. Ảnh: TG

Trước đây, cô Hà Khuyên dạy tất cả lớp đông học sinh dân tộc Thái. Năm học 2022 - 2023, nhà trường chỉ áp dụng cho 2 lớp lựa chọn môn học Tiếng dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, cô Hà Khuyên là giáo viên dạy Ngữ văn, lại làm công tác chủ nhiệm, bồi dưỡng đội dự tuyển học sinh giỏi, nên không đủ thời gian.

Em Lò Thị Lê, học sinh lớp 10A5, Trường THPT Quan Sơn, nhà ở bản Lầu, xã Sơn Hà (Quan Sơn), tâm sự: “Khi vào lớp 10, chúng em mới được học chữ của dân tộc mình do cô Hà Khuyên giảng dạy.

Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình ở bản người Thái, từ nhỏ đến bây giờ, em đều nói tiếng mẹ đẻ, thế nhưng chưa bao giờ viết được chữ của dân tộc mình. Giờ đây, khi được cô Hà Khuyên dạy cho từng nét chữ, em mới cảm nhận được tình yêu về ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc”.

Không chỉ dạy tiếng Thái cho học sinh trong trường, cô Hà Khuyên còn dạy tiếng dân tộc của mình cho đủ các lứa tuổi - từ học sinh cho đến các cụ già, gồm: Học sinh nhà trường; cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng có đồng bào Thái sinh sống; cán bộ hưu trí, sinh viên, lao động tự do là những người yêu mến văn hóa Thái.

Trong chuyên môn, nghiệp vụ cô Hà Khuyên đã áp dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học khác nhau tùy thuộc vào khả năng người tham gia học. Từ dạy trực tiếp đến trực tuyến, cô Khuyên đều áp dụng.

Ngoài ra, nữ giáo viên còn ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chẳng hạn làm các video bài giảng đăng tải trên Youtube để học sinh và học viên dễ dàng nắm bắt kiến thức, phần nào chưa hiểu thì có thể vào mạng xem lại.

“Học sinh thích dùng Facebook, tôi đã tận dụng mạng xã hội này để giữ gìn tiếng mẹ đẻ - bằng cách lập trang “Học chữ Thái Thanh Hóa”, rồi thường xuyên giao bài tập ngắn để học sinh làm bài, ôn bài. Đây là hình thức “học mà chơi, chơi mà học” được các em yêu thích, mang lại hiệu quả cao. Hiện tôi bồi dưỡng cho một đồng nghiệp trẻ ở Trường THPT Quan Sơn, với mong muốn vài năm nữa có thêm người đồng hành trong việc gìn giữ, trao truyền tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái”, cô Khuyên tâm sự.

Nữ hội viên đầy nhiệt huyết

Bằng chứng nhận giải 3A của nữ nhà giáo. Ảnh: TG

Bằng chứng nhận giải 3A của nữ nhà giáo. Ảnh: TG

“Nếu không trao truyền, không bảo tồn và phát huy vốn ngôn ngữ của cha ông, thì một ngày nào đó tất cả sẽ tan hòa cùng giấc ngủ của các bậc cao niên ở chốn rừng thiêng - mà có những thứ đã mất đi khó có thể tìm lại được”, cô Hà Khuyên bày tỏ.

Năm 2015, Hội Dân tộc học và Nhân học huyện Quan Sơn thành lập, cô Hà Khuyên là một trong những người tham gia vào quá trình tổ chức, thành lập Hội. Thời điểm ấy, cô Hà Khuyên là hội viên trẻ tuổi nhất. Hội đã trải qua 2 kỳ đại hội và cô Hà Khuyên được tín nhiệm bầu vào BCH cả 2 khóa.

Khi thành lập, Hội Dân tộc học và Nhân học Quan Sơn có 70 hội viên. Trong đó có nhiều hội viên ở các huyện Quan Hóa, Thường Xuân, giảng viên Trường ĐH Hồng Đức.

Riêng Quan Sơn có 46 người, hội viên gồm nghệ nhân dân gian, cán bộ công chức, viên chức. Hoạt động của Hội là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, sáng tác, trao truyền... Trong quá trình hoạt động, Hội cũng lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đối với công tác Hội Dân tộc học và Nhân học, ở cương vị là ủy viên BCH, cô Hà Khuyên luôn quan tâm đến công tác phát triển hội viên. Làm sao để kết nạp thêm được những hội viên chất lượng, người thực sự tâm huyết với Hội.

Bởi, đa phần thành viên trong BCH là cán bộ hưu trí, các nghệ nhân dân gian đã có tuổi. Vì vậy, cô Khuyên thường đảm trách việc soạn thảo văn bản, hỗ trợ đánh máy, soát lỗi bản thảo các tác phẩm sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm của hội viên. Ở lĩnh vực sưu tầm và dịch thuật, cô Hà Khuyên có tác phẩm “Lai xư Tày Đeng” đạt giải 3A toàn quốc, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng.

Theo quan điểm của nữ nhà giáo, dạy chữ Thái, bảo tồn và phát huy tiếng nói - chữ viết dân tộc Thái cũng là một hoạt động nằm trong công tác Hội. Vừa công tác ở trường THPT, vừa tham gia hoạt động Hội Dân tộc học và Nhân học nên cô có nhiều thuận lợi. Nhờ hoạt động Hội mà cô Hà Khuyên có thêm kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử tộc người để lồng ghép giảng dạy cho học trò.

“Tôi thường xuyên làm cầu nối để Hội tổ chức những hoạt động truyền dạy, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tới trường học qua một số hoạt động ngoại khóa. Tại Trường THPT Quan Sơn, việc giữ gìn các giá trị truyền thống luôn được chú trọng.

Bởi thế từ năm 2016, Câu lạc bộ Văn hóa địa phương của nhà trường được thành lập do tôi và cô Phạm Thị Thiên (cũng là cô giáo người Thái) cùng nhau đảm trách. Câu lạc bộ chủ yếu sinh hoạt ở 2 mảng: Truyền dạy chữ Thái và giới thiệu về văn hóa Thái, luật tục Thái. Điều này rất ý nghĩa, bởi qua đó học sinh phân biệt được đâu là phong tục, đâu là hủ tục để có ứng xử phù hợp”, cô Hà Khuyên bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.