Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nhằm tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng DTTS, ngành giáo dục huyện Văn Quan đã đẩy mạnh công tác giảng dạy, tập huấn.

Một tiết học Tiếng Việt của trẻ mầm non ở huyện Văn Quan.
Một tiết học Tiếng Việt của trẻ mầm non ở huyện Văn Quan.

Chú trọng dạy Tiếng Việt cho trẻ

Theo cô giáo Hoàng Tố Uyên, giáo viên mầm non Trường Mầm non Hữu Lễ xã Hữu Lễ (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn): “Trong mỗi tiết học, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng các bài học, tổ chức nhiều hoạt động tập thể để khuyến khích học sinh tương tác với nhau bằng Tiếng Việt. Qua đó, tạo môi trường các bạn được thực hành cũng như tự tin giao tiếp.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng biết được các cháu có những khó khăn nào trong quá trình phát âm từ đó hỗ trợ cũng như giúp điều chỉnh. Ngoài ra trong lớp học, trong khuôn viên trường khi trang trí cũng thực hiện trang trí gắn với các chữ cái để các con được học chữ, tiếp xúc với chữ cái mọi lúc, mọi nơi, tổ chức các hoạt động vui chơi làm quen với tiếng Việt”.

Cô Tố Uyên cho biết thêm "Để dạy cho trẻ biết đọc, nhận biết được chữ cái và phát âm chuẩn từ thì giáo viên phải dạy cho trẻ đọc đi đọc lại. Vừa dạy đọc chữ vừa gắn với một hình hoặc tranh ảnh, con vật liên quan đến chữ cái đó để các con dễ nhớ".

Còn bà La Thu Trang, công chức Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: “Việc triển khai, tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số tại các đơn vị được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tăng hiệu quả.

Đồng thời, chúng tôi còn tổ chức hội thảo, tập huấn để đưa ra những giải pháp phù hợp để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đáp ứng các nhiệm vụ của Đề án tăng cường tiếng Việt giai đoạn 2, phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tăng cường khả năng sẵn sàng cho trẻ mầm non vào lớp 1.

Song song với đó, giáo viên cũng được tham gia các hội thảo, buổi tập huấn, được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình dạy Tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Ngành Giáo dục huyện Văn Quan luôn chú trọng vào công tác dạy Tiếng Việt cho trẻ mầm non.

Ngành Giáo dục huyện Văn Quan luôn chú trọng vào công tác dạy Tiếng Việt cho trẻ mầm non.

Tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ mầm non học Tiếng Việt

Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ : “Đặc thù là huyện miền núi, học sinh của chúng tôi chủ yếu là người dân tộc thiểu số Nùng, Tày…, từ nhỏ các em đã tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt chỉ được tiếp xúc nhiều khi bắt đầu đi học.

Bên cạnh đó, nhiều cháu khi đi học không biết nói Tiếng Việt, khó khăn trong việc truyền đạt những nhu cầu, mong muốn của mình trong thời gian học ở trường. Vì vậy, một trong những vấn đề trong giáo dục mầm non mà ngành Giáo dục huyện Văn Quan chú trọng chính là học dạy tiếng Việt cho trẻ.

Năm 2023, chúng tôi tập trung thực hiện Kế hoạch số 343/KH-PGDĐT ngày 23/3/ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan về việc thực hiện giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025".

Theo đó, nhiều hội thảo, chương trình tập huấn cho lãnh đạo, công chức phụ trách cấp học mầm non của Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non của 20 trường trên địa bàn huyện Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan được tổ chức.

“Tại các Hội thảo giáo viên sẽ được tham gia dự giờ 2 tiết chuyên biệt về dạy học tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non. Đồng thời, qua tiết dạy đó các giáo viên sẽ nhận xét, thảo luận, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về công tác triển khai, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng dân tộc thiểu số”, ông Ngô Văn Hiền chia sẻ.

“Chúng tôi luôn lưu ý các nhà trường thường xuyên tăng cường dự giờ, tư vấn, giúp đỡ cho các giáo viên trẻ, khuyến khích giáo viên chủ động nghiên cứu các phương pháp cũng như trao đổi với phụ huynh học sinh tăng cường sử dụng Tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày, giúp các em hiểu và biết cách sử dụng tiếng Việt”, ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.