Nóng trong tuần: Thủ tướng gợi ý về môn Lịch sử ở THPT; phản hồi về tăng giá sách giáo khoa, học phí

GD&TĐ - Môn Lịch sử trong Chương trình THPT; giá SGK; tăng học phí; nhiều địa phương, trường chuyên thi tuyển vào lớp 10; học sinh Việt Nam tỏa sáng đấu trường Olympic… là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ, sáng 4/6. Ảnh: Nhật Bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ, sáng 4/6. Ảnh: Nhật Bắc.

Có thể quy định môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn

Môn lịch sử THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục là nội dung thu hút sự chú ý của dư luận tuần vừa qua.

Sáng 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phát biểu liên quan đến nội dung này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia; cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Thủ tướng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa-lịch sử là đầu tư cho sự phát triển; đồng thời lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo; và vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có các cuộc họp với các cơ quan liên quan về nội dung này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Liên quan đến môn Lịch sử, sáng 3/6, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại đây, Chủ tịch nước đề nghị Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần tiếp tục có những đề xuất cụ thể, thuyết phục với các cơ quan chức năng Nhà nước. Cần đổi mới phương pháp học tập môn lịch sử hơn nữa trong nhà trường và trong cộng đồng xã hội, để mỗi người dân đều hiểu rõ về gốc tích của mình, về truyền thống dân tộc, giá trị lịch sử, những nền tảng và tư tưởng dựng nước và giữ nước của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách giáo khoa ở mức hợp lý nhất

Thảo luận tại hội trường chiều 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi, liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không.

Có đại biểu đề cập, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn  không ít tiền của phụ huynh để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, nhất là với gia đình khó khăn. 

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội nên lựa chọn vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình giáo dục để thực hiện giám sát tối cao.

Trước ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội về một số bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về nội dung này.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá sách thì chúng ta so sánh giá sách tương đồng. Tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Ví dụ sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách.

Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Như giá thành các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục năm nay là giảm được từ 10 - 15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.

Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 thì đấy là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định. Tức là những phần đã được Nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu. Bộ sách cũ, giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Còn giá thành bộ sách mới dao động từ 200.000 - 300.000 đồng tùy từng loại sách.

Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì chúng ta thấy khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì đồng đẳng, nên hợp lý hơn. So với các bộ sách Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng.

Bộ trưởng cho hay, đối với Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ đã chỉ đạo mỗi bản sách có dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, cần có các biện pháp khác.

Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành đã yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện. Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách ở mức hợp lý nhất, thuận tiện cho người học.

Về thông tin trên mạng nói sách giáo khoa không dùng lại được, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định: Các sách theo bộ mới biên soạn hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.

Theo Bộ trưởng, chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong. Cụ thể giai đoạn này thay lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới.

Nhưng những sách biên soạn mới là những sách hoàn toàn có thể dùng lại được và Bộ cũng đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào các thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo.

Xác định mức học phí phù hợp, chia sẻ khó khăn với người dân

Thông tin hàng loạt trường đại học và nhiều địa phương đồng loạt tăng, dự kiến tăng học phí được toàn xã hội quan tâm.

Đơn cử, HĐND TP Hà Nội dự thảo Nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội. Theo đó, trong năm học 2022-2023, dự kiến mức học phí THCS từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đồng đang áp dụng, hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự. 

Hay TP Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đang được Sở Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến cũng đưa ra mức học phí tất cả bậc học phổ thông ở TP HCM, trừ tiểu học, sẽ tăng 70.000-240.000 đồng từ năm học 2022-2023.

Học phí bậc đại học sẽ tăng mạnh trong năm học 2022 - 2023. Các trường chưa tự chủ học phí có ngành tăng trên 70%, trong khi các loại hình trường khác mức thu này có ngành lên tới 100 triệu đồng/năm

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có những trao đổi về vấn đề này

Thứ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Theo đó, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này áp dụng từ năm học 2021 - 2022.

Vào thời điểm chuẩn bị ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, dịch bệnh Covid-19 tương đối phức tạp. Bộ GD&ĐT đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021 - 2022 như năm 2020 - 2021.

Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, Thứ trưởng trao đổi: Đối với giáo dục phổ thông, từ năm 2022 khung học phí đã nêu cụ thể trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Từ các năm sau trở đi, Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương và khả năng đóng góp thực tế của người dân để quyết định khung học phí, hoặc áp dụng mức học tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông. Mức này quy định không quá 7,5%/năm. Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của phụ huynh. Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để không xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.

“Trong buổi họp sáng nay, Bộ GD&ĐT được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau; đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, các gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết” – Thứ trưởng cho hay, đồng thời cho rằng, việc này cần đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau, để có đề xuất phù hợp.

Bộ sẽ tiếp tục có những hướng dẫn để các địa phương, cơ sở đại học căn cứ theo tình hình cụ thể sẽ có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn khách quan và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới.

Các thí sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 1/6.
Các thí sinh dự thi vào Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 1/6.

Hàng loạt địa phương, trường THPT chuyên tổ chức thi vào lớp 10

Tuần qua, hàng loạt địa phương và các trường THPT chuyên trên cả nước tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.

Các địa phương tổ chức thi tuyển gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Cao Bằng, Vĩnh Long, Khánh Hòa…

Các trường THPT chuyên đã thi tuyển có thể kể đến: Chuyên Đại học Sư phạm, Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chuyên ngoại ngữ, Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhiều địa phương, thí sinh phải thi trong thời tiết oi nóng, hoặc mưa lớn. Tuy nhiên, các địa phương, nhà trường đều đã chuẩn bị, tổ chức hết sức chu đáo để Kỳ thi diễn ra an toàn, khách quan.

Nhiều tin vui giáo dục

5 đại học Việt Nam được xếp hạng Châu Á năm 2022; tất cả các thành viên đội tuyển Quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương năm 2022 và Olympic Vật lý quốc tế (APHO) năm 2022 đều đoạt giải.

Cụ thể, theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE châu Á) vừa được công bố, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục xuất hiện trong bảng xếp hạng này.

5 đại diện Việt Nam trong bảng xếp hạng các trường đại học Châu Á, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có vị trí xếp hạng trong nhóm 301-350 Châu Á. 

Trong 5 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội được đánh giá cao nhất ở nhóm tiêu chí giảng dạy. Trong khi đó, trích dẫn là thế mạnh của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân. Đại học Quốc gia TPHCM vẫn duy trì thế mạnh ở thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ.

Đội tuyển Việt Nam dự Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022.
Đội tuyển Việt Nam dự Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022.

Về kết quả dự thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương năm 2022, học sinh Việt Nam giành được 3 huy chương Vàng, 4 huy chương Bạc.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúc mừng thành tích đội tuyển Olympic Vật lý châu Á.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúc mừng thành tích đội tuyển Olympic Vật lý châu Á.

Về Olympic Vật lý quốc tế (APHO) năm 2022, 100% thành viên đội tuyển Quốc gia Việt Nam đều đoạt giải. 

Tại kỳ thi năm nay có 3 nước có Huy chương Vàng là: Trung Quốc (7), Nga (3), Úc (1). Theo cách xếp hạng huy chương, Việt Nam đứng thứ 8 sau Trung Quốc; Nga; Úc; Đài Loan (2 Huy chương Bạc);  Kazakhstan (1 Bạc, 4 Đồng); Ấn Độ, Thái Lan (1 Bạc, 3 Đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ