Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành quy định về khung học phí.
Trước đây, là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021”. Tuy nhiên, Nghị định này đã hết hiệu lực.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Nghị định này thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Theo đó, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này áp dụng từ năm học 2021 – 2022.
Theo Thứ trưởng, vào thời điểm chuẩn bị ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, dịch bệnh Covid-19 tương đối phức tạp. Bộ GD&ĐT đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2021 - 2022 như năm 2020 - 2021.
Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, Thứ trưởng trao đổi: Đối với giáo dục phổ thông, từ năm 2022 khung học phí đã nêu cụ thể trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Từ các năm sau trở đi, Hội đồng nhân dân các địa phương sẽ căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương và khả năng đóng góp thực tế của người dân để quyết định khung học phí, hoặc áp dụng mức học tại địa phương cho mầm non và giáo dục phổ thông. Mức này quy định không quá 7,5%/năm. Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học. Đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí.
Thứ trưởng trao đổi, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định khung học phí, mức trần, sàn. Trên cơ sở đó, các địa phương quy định mức học phí theo khung học phí.
Thứ trưởng nhìn nhận, mặc dù mọi hoạt động trở lại bình thường, nhưng việc phục hồi kinh tế xã hội cần nhiều thời gian. Tại các địa phương, còn nhiều gia đình khó khăn.
Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của phụ huynh. Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để không xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học.
“Trong buổi họp sáng nay, Bộ GD&ĐT được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau; đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, các gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết” – Thứ trưởng cho hay, đồng thời cho rằng, việc này cần đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau, để có đề xuất phù hợp.
Bộ sẽ tiếp tục có những hướng dẫn để các địa phương, cơ sở đại học căn cứ theo tình hình cụ thể sẽ có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn khách quan và khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới.