Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao đổi về giá sách giáo khoa

GD&TĐ - Trước ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội về một số bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng nay 25/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về nội dung này.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng thông tin, vấn đề giá sách giáo khoa, dư luận xã hội mấy ngày qua nói nhiều đến việc tăng 2 - 3 lần.

Theo Bộ trưởng, khi so sánh giá sách thì chúng ta so sánh giá sách tương đồng. Tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Ví dụ sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách.

Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành là các doanh nghiệp hoàn toàn đảm nhiệm việc đó và kê khai giá với Bộ Tài chính.

Như giá thành các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục năm nay là giảm được từ 10 - 15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên.

Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016 thì đấy là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều các khâu từ biên soạn, thẩm định. Tức là những phần đã được Nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu. Bộ sách cũ, giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Còn giá thành bộ sách mới dao động từ 200.000 - 300.000 đồng tùy từng loại sách.

Nếu như so với sách của hệ thống cũ thì chúng ta thấy khác nhau. Nhưng nếu so với sách của chương trình mới thì đồng đẳng, nên hợp lý hơn. So với các bộ sách Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng.

Bộ trưởng cho hay, đối với Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ đã chỉ đạo mỗi bản sách có dành 25.000 bản để phát cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, con số này vẫn là ít. Do vậy, cần có các biện pháp khác.

Bên cạnh đó, ngay khi sách chưa phát hành đã yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện. Bộ trưởng GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách ở mức hợp lý nhất, thuận tiện cho người học.

Về thông tin trên mạng nói sách giáo khoa không dùng lại được, Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định: Các sách theo bộ mới biên soạn hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.

Theo Bộ trưởng, chương trình thay sách làm theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một vài cấp học nên mất nhiều năm mới thay xong. Cụ thể giai đoạn này thay lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới.

Nhưng những sách biên soạn mới là những sách hoàn toàn có thể dùng lại được và Bộ cũng đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào các thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.

Trước đó, thảo luận tại hội trường chiều 23/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi, liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không.

Có đại biểu đề cập, sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn  không ít tiền của phụ huynh để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, nhất là với gia đình khó khăn. 

Xuất phát từ thực tiễn khách quan, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội nên lựa chọn vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đổi mới chương trình giáo dục để thực hiện giám sát tối cao.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.