Thủ tướng Phạm Minh Chính: Có thể quy định môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý, có thể quy định theo hướng môn Lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Tại phiên họp, vấn đề giáo dục được Thủ tướng lưu ý liên quan đến môn học Lịch sử THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; vấn đề sách giáo khoa; học phí…

Về môn Lịch sử, ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo; và vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có các cuộc họp với các cơ quan liên quan.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia; cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.

Thủ tướng gợi ý, có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa-lịch sử là đầu tư cho sự phát triển; đồng thời lưu ý, với các chính sách tác động tới toàn dân, tới lợi ích chính đáng của người dân thì phải rất thận trọng, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Thủ tướng đồng thời lưu ý tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.

Tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.

Cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thay đổi tư duy lập pháp

GD&TĐ - Có thể thấy, chưa bao giờ, yêu cầu xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm trong xây dựng pháp luật lại quyết liệt như hiện nay.