Nóng trong tuần: Ngày hội khởi nghiệp, thi KHKT cấp quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều sự kiện giáo dục lớn diễn ra trong tuần qua như: Ngày hội khởi nghiệp và thi KHKT cấp quốc gia, Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng Tây Nguyên…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc 'Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV thứ V’. (Ảnh: Đại Dương).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai mạc 'Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HS, SV thứ V’. (Ảnh: Đại Dương).

Cùng với đó, các hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại một số địa phương cũng là hoạt động giáo dục đáng chú ý.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V

Ngày 25-26/3, tại thành phố Huế, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023).

Khai mạc Ngày hội vào sáng 25/3 có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết; lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các trường đại học, trường phổ thông, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến khởi nghiệp sáng tạo và hàng nghìn học sinh, sinh viên.

Thủ tướng cùng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham quan gian hàng dự thi của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế. (Ảnh: Đại Dương).

Thủ tướng cùng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham quan gian hàng dự thi của Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế. (Ảnh: Đại Dương).

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích mọi ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là những lĩnh vực đang là xu thế của thời đại như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ nano, công nghệ vũ trụ…

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh: Đại Dương).

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu. (Ảnh: Đại Dương).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định tiếp thu đầy đủ cả nội dung và tinh thần, định hướng mà Thủ tướng đã chỉ đạo và cho biết: Phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên tính đến nay dẫu kết quả các hoạt động vẫn còn có phần khiêm tốn nhưng có thể nói nó đã thành một tinh thần, thành một khí thế, thành một xu hướng lớn cho học sinh, sinh viên. Hai tiếng “khởi nghiệp” đã trở nên quen thuộc và thôi thúc đối với thế hệ trẻ.

Theo báo cáo kết quả triển khai Đề án 1665 hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tỷ lệ các cơ sở giáo dục đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% vào cuối năm 2020 lên 48% vào cuối năm 2022. 100% các cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các diễn đàn, Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Hình thành mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước…

Ban Tổ chức trao giải nhất cho các dự án tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia. (Ảnh: Hoàng Hải).

Ban Tổ chức trao giải nhất cho các dự án tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia. (Ảnh: Hoàng Hải).

Lễ bế mạc Ngày hội được tổ chức chiều 26/3. Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao giải “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V”. Cụ thể, có 5 dự án giành giải Nhất khối học sinh, 5 dự án giành giải Nhất khối sinh viên; 10 giải Nhì khối học sinh, 10 giải Nhì khối sinh viên; 15 giải Ba khối học sinh, 15 giải Ba khối sinh viên. Ngoài ra, 20 giải khuyến khích và các giải thưởng phụ, gồm: 2 giải Bình chọn và 2 giải gian hàng cũng đã được trao.

Sau 4 lần tổ chức, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Ngoài ra, còn có hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng đã được tổ chức.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương.

Thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023

Cùng với Ngày hội khởi nghiệp quốc gia, Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023 cũng là sự kiện giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Lễ khai mạc Cuộc thi được tổ chức ngày 22/3 và bế mạc vào 24/3, tại Quảng Ninh. Dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cùng các thầy cô giáo và học sinh có dự án tham dự cuộc thi năm nay.

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Cuộc thi kết thúc với 11 giải Nhất, 16 giải Nhì, 19 giải Ba, 24 giải Tư và 32 giải Triển vọng được trao cho các dự án. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, 143 dự án tham dự Cuộc thi năm nay đều được đầu tư, có chất lượng cao, xứng đáng là những dự án tiêu biểu của các đơn vị tham gia.

11 dự án được trao giải Nhất. Ảnh: Minh Cương.

11 dự án được trao giải Nhất. Ảnh: Minh Cương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Với 143 dự án tham dự cuộc thi năm nay, có 117 dự án thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ đã tập trung nêu ý tưởng giải quyết những vấn đề thiết thực đặt ra từ cuộc sống như lĩnh vực y sinh, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cơ khí, kĩ thuật cho đến khoa học về thiên văn, vũ trụ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo.

26 dự án còn lại thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - hành vi đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết bài toán về nâng cao kĩ năng sống cho học sinh trung học trong thế kỉ XXI, giải quyết những vấn nạn về bạo lực học đường, xây dựng văn hóa mạng và quảng bá những giá trị văn hóa của dân tộc đến bạn bè thế giới. Điều này cho thấy, học sinh Việt Nam không chỉ chú ý phát triển trí tuệ mà còn ý thức sâu sắc được trách nhiệm của mình với đất nước và cộng đồng quốc tế.

Để tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả cuộc thi và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong các nhà trường, Thứ trưởng đề nghị các cấp quản lý giáo dục thống nhất nhận thức, coi hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường là một trong những con đường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo tiếp tục khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để học sinh được phát huy năng khiếu, sở trường từ hoạt động nghiên cứu khoa học. Gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, tiếp tục quan tâm, phát hiện năng khiếu của học sinh và giúp học sinh phát hiện ra năng khiếu của chính mình.

Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm 2023-2024 dự kiến được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Trước đó, Ngày 23/3, tại Quảng Ninh, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Tham dự có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT, đại diện các trường đại học và gần 1.000 giáo viên trực tiếp giảng dạy đến từ 63 tỉnh/thành phố. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023.

Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên

Ngày 24/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Uỷ viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa của chuỗi Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng do Bộ GD&ĐT tổ chức. Theo đó, phát triển giáo dục cả nước có những chính sách chung, vấn đề chung nhưng nhóm theo từng vùng miền lại mang những đặc trưng, đặc thù riêng và việc thấy được tính đặc thù của vùng miền sẽ rất quan trọng trong thiết kế và thực thi chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, Bộ trưởng nhìn nhận, giáo dục Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác. Vừa phải giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng khác nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng, cùng với đó là làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc.

Bảo lưu giá trị văn hóa, nâng cao dân trí, cấp bách nâng cao tỷ lệ người đi học đại học để nguồn nhân lực chất lượng cao… là 3 vấn đề tiếp theo được Bộ trưởng đề cập trong nhóm các đặc điểm, đặc trưng của giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên.

Trao đổi về một số nhiệm vụ lớn đặt ra trước mắt, Bộ trưởng nhấn mạnh tới hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hoạt động giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, với đề nghị, các địa phương sẽ có những tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan những việc làm được, chưa làm được và kiến nghị tối đa những vấn đề còn vướng mắc và mong muốn.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai trên cả nước, Bộ trưởng lưu ý tới tính quá trình của việc thực hiện để không cứng nhắc, không nóng vội trong đánh giá cũng như có lộ trình để thực hiện. Tính chủ động trong triển khai chương trình mới của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo cũng được Bộ trưởng lưu ý. Bộ trưởng mong muốn, các địa phương sẽ dành sự ưu tiên cao độ đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, nhân lực cho hai năm 2023-2024 để “nhịp đầu tư rơi đúng thời điểm triển khai quan trọng nhất”.

Một số vấn đề khác như thực hiện đúng 20% nguồn chi ngân sách cho giáo dục; tập trung cho kiên cố hoá trường học; phát huy hơn nữa xã hội hoá giáo dục, trong đó vừa quan tâm, tạo điều kiện, vừa thực hiện đầy đủ quản lý nhà nước đối với công tác xã hội hoá… cũng được Bộ trưởng lưu ý với các tỉnh Tây Nguyên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường Đại học Đông Á (Phân hiệu tại Đắk Lắk).

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường Đại học Đông Á (Phân hiệu tại Đắk Lắk).

Trước đó, chiều 23/3, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT gồm Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc Bộ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương. Dự cuộc làm việc có Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk từ ngày 23-24/3/2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã thăm, làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (Trường Hoàng Việt); Trường ĐH Tây Nguyên; Trường ĐH Đông Á (phân hiệu tại Đắk Lắk)...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại tỉnh Sóc Trăng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát tại tỉnh Sóc Trăng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tiếp tục giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT

Tuần qua, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giám sát trực tiếp tại một số địa phương về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chiều 21/3, Đoàn giám sát đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đoàn giám sát. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; đại biểu Quốc hội và lãnh đạo UBND, các sở, ngành tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, Sóc Trăng là một phần giáo dục của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều khó khăn, thử thách trong phát triển giáo dục, khi tỷ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%.

Bộ trưởng kiến nghị đoàn giám sát khi đánh giá triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cần nhìn nhận ở trạng thái “động”, trạng thái bắt đầu, đang vận hành để có đánh giá phù hợp, nhất là các vấn đề chính sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Bộ trưởng, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cần tích cực đánh giá, kiểm tra việc thực hiện. Tỉnh cũng cần lưu ý những thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình mới, phát huy tính nền nếp trong đầu tư, chăm lo cho giáo dục.

Lãnh đạo tỉnh quan tâm chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt thời điểm 2023-2024 rất quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất, do đó cần có giải pháp kịp thời.

Về đội ngũ nhà giáo, cần có kế hoạch tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt là kế hoạch triển khai cho các môn mới. Công tác tập huấn cần liên tục, thường xuyên cho đội ngũ. Quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp cần tiếp tục hoàn thiện. Tỉnh cũng cần quan tâm chính sách hỗ trợ nhà giáo, dành quỹ đất phát triển cơ sở giáo dục công lập và tư thục.

Với báo cáo giám sát của tỉnh gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng lưu ý cần bám sát thực tiễn, nêu bật tình hình, khách quan, phản ánh đầy đủ các vướng mắc, tồn tại, khó khăn.

Chia sẻ quan điểm “đổi mới là một quá trình”, Bộ trưởng cho rằng, không quá nóng vội, cũng không quá cứng nhắc, cần tuyên truyền, giải thích, tập huấn cho phụ huynh với hình thức phù hợp để họ hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng quá trình triển khai.

Trong tuần, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Bình Định, Bình Phước.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc,trong sáng 21/3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát đã làm việc tại Trường THPT dân tộc nội trú Huỳnh Cương (tỉnh Sóc Trăng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.