Nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, SGK
Tuần qua, hoạt động giám sát việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông tiếp tục được triển khai nghiêm túc tại các địa phương.
Liên quan đến hoạt động này, ngày 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp. Tại đây, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Đoàn giám sát về tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” được dư luận xã hội, nhân dân rất quan tâm.
Mục tiêu của Đoàn giám sát là chỉ ra được những mặt tốt đã làm được nhằm tiếp tục phát huy, đồng thời nhìn nhận rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, tháo gỡ, qua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Tại phiên họp, một số thành viên Đoàn giám sát đã đặt câu hỏi với Bộ GD&ĐT. Trong đó tập trung vào giải pháp đào tạo, bố trí giáo viên dạy các môn học tích hợp, môn học mới trong chương trình; giải pháp nhằm giúp học sinh bổ trợ kiến thức khi tiếp cận chương trình mới; việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực; giải pháp đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ của xã hội khi thực hiện chương trình… Đại diện Bộ GD&ĐT đã trao đổi, giải đáp về những vấn đề Đoàn giám sát nêu.
Trước đó, ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc với Trường Tiểu học, THCS & THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một đơn vị giáo dục ngoài công lập.
|
4.589 thí sinh thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT
Trong 2 ngày 24-25/2, 4.589 thí sinh trên cả nước đến từ 69 đơn vị đăng ký dự thi đã tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023.
Với thành tích cao của các Kỳ thi Olympic từ trước đến nay, rất nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc tế đã trưởng thành và trở thành những nhà khoa học lớn cho thấy đây cũng là cơ hội để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế.
Về phía Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có những chính sách phù hợp để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, đổi mới giáo dục; có giải pháp để ngày càng nhiều học sinh thể hiện, phát huy được năng lực và phát triển toàn diện.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết: Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy chế. Việc tập huấn cho cán bộ coi thi được triển khai kỹ lưỡng, với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần để kỳ thi diễn ra an toàn, thành công
Theo kế hoạch, dự kiến giữa tuần tháng 3 tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi. Những học sinh có kết quả tốt nhất sẽ được chọn tham gia kỳ thi chọn các đội tuyển Olympic Việt Nam dự thi khu vực và quốc tế diễn ra trong 3 ngày 6, 7, 8/4/2023 và Kỳ thi Vật lý và Tin học Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong tháng 5/2023; các Kỳ thi Olympic Quốc tế trong tháng 7 và 8/2023.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT được tổ chức với mục tiêu động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi. Cùng với đó, góp phần cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học hướng đến năng lực, phẩm chất và chất lượng công tác quản lý. Kỳ thi đồng thời phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chọn được nhân tài thật.
Kỳ thi nhằm phát hiện người học có năng khiếu về môn học cụ thể, song cũng là sân chơi với những kiến thức bổ ích, gắn với thực tế. Học sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề trong chính đời sống xã hội, giúp các em phát triển toàn diện trong tương lai.
|
Hà Nội công bố 3 môn thi vào lớp 10
Trong số các địa phương công tác phương án thi vào lớp 10 trong tuần qua, việc Hà Nội chính thức "chốt" 3 môn thi nhận được nhiều nhất sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, kỳ thi được tổ chức theo hình thức thi tuyển vào 2 ngày 10 và 11/6/2023. Thí sinh tham dự kỳ thi phải làm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Nhìn chung các ý kiến nhận định: Việc thành phố quyết định thi 3 môn sẽ tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh. Mặc dù còn nhiều ý kiến ủng hộ việc thi môn thứ 4 nhưng xét tổng thể bối cảnh chung, cộng lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như đòi hỏi của Chương trình GDPT mới, việc thi 3 môn là phù hợp.
|
Mong đợi phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025
Tuần qua, thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được dư luận hết sức quan tâm. Mong chờ phương án từ Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, nhà giáo cũng bày tỏ những mong muốn đối với kỳ thi này.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, sự thay đổi của kỳ thi nên hướng tới: Đánh giá HS tốt nghiệp THPT bảo đảm tính xác thực, toàn diện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, gắn kết quá trình học tập và thi cuối cấp học theo Chương trình GDPT 2018. Kỳ thi phải góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tăng độ tin cậy vào quá trình học tập. Tổ chức kỳ thi cần khoa học, linh hoạt để ứng dụng được những tiến bộ của thời đại như công nghệ thông tin, chuẩn hóa câu hỏi, đề thi… phù hợp với điều kiện học tập, sinh sống của HS.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế nhận định: Chương trình GDPT 2018 quy định 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và 9 môn học lựa chọn. Trong các môn học bắt buộc có 4 môn đánh giá bằng điểm số là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và Lịch sử. Với môn lựa chọn, học sinh chọn 4 trong số 9 môn: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Để phù hợp với quy định này, việc thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử) và thêm môn thí sinh tự chọn phù hợp với lựa chọn môn học và định hướng nghề nghiệp.
Đặc biệt, nhiều ý kiến mong muốn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được tổ chức bảo đảm chất lượng, đánh giá được quá trình 12 năm học phổ thông của học sinh và các trường đại học vẫn tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển đầu vào. Điều này sẽ giảm áp lực cho cả học sinh, nhà trường khi phải tham gia nhiều kỳ thi riêng để được xét vào đại học.