Nóng trong tuần: Công bố tốp 100 trường ĐH trong nước; ChatGPT và giáo dục

GD&TĐ - Công bố tốp 100 trường đại học trong nước; ChatGPT; giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới… là những thông tin nổi bật trong tuần. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Hoạt động GD-ĐT cần gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội

Ngành Giáo dục - Đào tạo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm một cách nhất quán, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, với kỳ vọng lớn, phó thác nhiều. Nhân dân cũng mong đợi những kết quả của ngành Giáo dục - Đào tạo. Tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Vì thế, sự phát triển của ngành càng trở nên quan trọng.

Chiều 15/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ GD&ĐT. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành Giáo dục - Đào tạo hiện đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. Chiến lược cải cách đã được Trung ương thể hiện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện với Nghị quyết 29/NQ-TW. Tới nay, việc triển khai kịch bản đổi mới này đã được gần 10 năm và nhiều việc còn đang tiếp tục triển khai.

Khẳng định sứ mệnh, trọng trách, phạm vi ảnh hưởng hết sức rộng lớn của ngành Giáo dục - Đào tạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà – nhìn nhận, lĩnh vực quản lý của ngành Giáo dục hết sức quan trọng, với tư tưởng xuyên suốt gắn với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ mầm non đến đại học, nghiên cứu chuyên sâu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Để các sản phẩm giáo dục luôn có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, hoạt động giáo dục, đào tạo cần gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với lực lượng sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp; kết hợp nguồn lực nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm với huy động nguồn lực xã hội...

Một số vấn đề được Phó Thủ tướng lưu ý, trao đổi như: Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tự chủ đại học; học phí bậc học mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; định hướng nghề nghiệp ở phổ thông; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học trong trường đại học…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên

Bộ trưởng lưu ý, phải có một kế hoạch về kiên cố hóa trường lớp học đến năm 2023 và triển khai ráo riết với lộ trình cụ thể từng năm, vì Bắc Kạn hiện vẫn là địa phương thuộc nhóm có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định.

Chiều 16/2, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm việc với UBND tỉnh, giám sát thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn. Tham dự buổi giám sát có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thấy nhiều việc, nhiều khía cạnh của bức tranh giáo dục tỉnh Bắc Kạn. Từ thực tế triển khai thời gian qua, Bộ trưởng “đặt hàng” Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có một báo cáo giám sát không chỉ dừng lại ở mục đích gửi về Văn phòng Quốc hội, mà còn là góc nhìn về giáo dục của một tỉnh khó khăn hàng đầu cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề.

Một quan điểm được Bộ trưởng mong muốn sẽ có trong báo cáo giám sát, đó là nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn, nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, nhưng cũng có việc cần hoàn thiện từng bước.

Cùng với mối quan tâm về báo cáo giám sát, tại buổi làm việc, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm biên chế trong ngành Giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương.

Chiều 18/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo, thầy cô giáo Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có mục tiêu cốt lõi cần đạt tới ngay nhưng cũng có việc chúng ta từng bước chuẩn bị để đạt tới.

Đây là lần thay đổi sâu sắc, đi vào chiều sâu và càng thay đổi chiều sâu thì thách thức đặt ra càng lớn. Quá trình đổi mới là lâu dài. Chương trình thay đổi lớn, nhưng trong thực hiện không nên cực đoan, chuyển từ cực này sang cực khác, mà cần hài hòa, kế thừa những tích cực từ cái cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo, thầy cô giáo Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu về thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với lãnh đạo, thầy cô giáo Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu về thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Với những lợi thế hiện có, Bộ trưởng mong muốn Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu phát huy hết sức có thể; trong triển khai có đánh giá từng chặng, từng nội dung, vấn đề. Một số nội dung làm tốt như: dạy học tích hợp, nên phát huy, lan tỏa kinh nghiệm cho các đơn vị khác…

Bộ trưởng cũng lưu ý cần làm tốt hơn công tác “phụ huynh vận”, huy động được sự chia sẻ của phụ huynh nhiều hơn nữa. “Phụ huynh đồng hành được thì giá trị gia tăng của đổi mới sẽ mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Vai trò người thầy sẽ thay đổi

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (bên trái) trao đổi tại chương trình Tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (bên trái) trao đổi tại chương trình Tọa đàm.

Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, vai trò người thầy sẽ thay đổi. Vấn đề đặt ra là, thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu và còn để phát huy những lợi thế của công nghệ.

Người học sẽ phải thay đổi như thế nào và chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để chúng ta tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại.

Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới. Buổi tọa đàm đã và đang nhận được sự quan tâm lớn. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn tiếp tục và từng bước giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về công nghệ. Từ đó, có những giải pháp định hướng phù hợp trong thời gian tới.

Không có chính sách nào bắt kịp tương lai lâu dài. Song trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại, hay hoảng sợ.

Theo Thứ trưởng, cách tốt nhất để hiểu nó chính là dùng nó. Khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói, cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi ChatGPT làm.

Thứ trưởng mong rằng, ở các nhà trường, các tổ chức, sau khi dùng, trải nghiệm sẽ tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại. Đồng thời, cần nhìn nhận tương lai phát triển của ChatGPT, cũng như những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc Hội nghị.

“STEM cũng phải làm theo lộ trình, làm ít, thí điểm trước, làm chắc với quan điểm, chọn đúng người, giao đúng việc, có kiểm tra, giám sát, giao việc gắn với giao trách nhiệm”, Thứ trưởng trao đổi.

Sáng 17/2, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giao 3 nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và tuyên truyền cho học sinh, gia đình về vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM.

Thứ hai, hoàn thành trang web chứa kho dữ liệu bài giảng chuẩn hoá để giáo viên tham khảo.

Thứ ba, tập huấn đầy đủ các nội dung về giáo dục STEM cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên.

Thứ trưởng cũng gợi ý, Vụ Giáo dục tiểu học cần nghiên cứu triển khai cho cả 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh chọn khoảng 5 phòng GD&ĐT để làm thí điểm. Đối với các tỉnh đã thí điểm thì có thể triển khai diện rộng nhưng phải bảo đảm thực hiện là phải thành công.

Tuần qua, các trường đại học tiếp tục công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, một số trường đã thông báo tiếp nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ và kỳ thi riêng. Đáng chú ý, tính đến ngày 19/2, có 111 cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bằng học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023.

Viet Nam’s University Rankings (VNUR) - bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam - chính thức công bố tốp 100 trường ĐH trong nước năm 2023. Trong lần đầu công bố, vị trí số 1 thuộc về ĐH Quốc gia Hà Nội với 100 điểm. Tiếp đến là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với 95 điểm. Những cái tên tiếp theo trong top 10 là: Trường ĐH Tôn Đức Thắng (89,8 điểm), ĐH Bách khoa Hà Nội (86,9 điểm), Trường ĐH Duy Tân (79,7 điểm); Trường ĐH Kinh tế TPHCM (70,1 điểm), Trường ĐH Cần Thơ (69,2 điểm), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (68,2 điểm), ĐH Đà Nẵng (67,9 điểm), ĐH Huế (67,5 điểm). Bảng xếp hạng này ra đời sau hơn 2 năm nhóm nghiên cứu làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.