Nóng trong tuần: Đào tạo nhân lực cho ĐBSCL; dự kiến các mốc thời gian xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hội nghị Giáo dục Đồng bằng Sông Cửu Long; công bố lịch thi tốt nghiệp THPT và dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2023 là thông tin nổi bật trong tuần.

Bộ GD&ĐT thông báo về lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Ảnh: Internet.
Bộ GD&ĐT thông báo về lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Ảnh: Internet.

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần quan tâm, ráo riết hơn

Sáng 27/2, tại TP Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát biểu tại hội nghị Giáo dục ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quan tâm, ráo riết hơn. Mỗi một tỉnh và cả vùng tuy có vấn đề chung nhưng tình hình khá khác nhau. Một số tỉnh, thành khá thuận lợi nhưng cũng còn tỉnh khó khăn.

Do đó cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành có giải pháp khắc phục, cùng tiến với tốc độ tốt hơn trong giai đoạn tới. Về ngân sách, địa phương cần quan tâm hơn, nhất là thời điểm 2023 - 2024 khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào trọng tâm của đổi mới; đầu tư cần tập trung để đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa GD&ĐT phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ tin tưởng toàn vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn để đưa GD&ĐT phát triển.

Bộ trưởng cho biết, hiện ngành Giáo dục đang được giao tổng kết 10 năm Nghị quyết 29 của Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang triển khai giám sát đổi mới giáo dục phổ thông, các tỉnh/thành phố đã triển khai báo cáo giám sát.

Mong rằng, các tỉnh thành đặc biệt lưu ý, để qua việc giám sát thấy được hết công sức, sự sáng tạo, nỗ lực của nhà giáo, những việc làm được; thấy hết khó khăn để có giải pháp, xem đây là cơ hội để đề xuất chính sách.

Bộ trưởng cho biết, ngay sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng kế hoạch hành động của ngành, nhấn mạnh thể chế - một trong những đột phá; rà soát chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tài chính, đất đai trong giáo dục.

Cùng với đó, tăng cường kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển giáo dục đại học, đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL; quan tâm phát triển giáo dục dân tộc…

Các đồng chí chủ trì hội nghị.
Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Dự kiến thí sinh không phải chọn phương thức xét tuyển

Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật. Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Sáng 3/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2023. Hội nghị nhằm tổng kết công tác tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023; đồng thời thảo luận một số nội dung cần thống nhất để triển khai công tác tuyển sinh trong năm nay.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, hiện Bộ đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học.

Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Việc kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu này đã được thực hiện từ năm 2022, nay sẽ tiếp tục làm.

Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS. Trong tháng 3 này, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đối với các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng lưu ý, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12; trong đó có hoàn thiện về mã định danh, căn cước công dân.

Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác như: bảo hiểm, y tế…

Riêng về xét tuyển sớm, Thứ trưởng nhấn mạnh, các trường không được công bố thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển và không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.

Cũng tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, tuyển sinh năm 2023, dự kiến thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Việc này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hạn chế các nhầm lẫn.

Toàn cảnh Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Toàn cảnh Hội nghị tuyển sinh năm 2023.

Bộ GD&ĐT đã có dự thảo kế hoạch tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2023. Theo đó, mốc thời gian gần nhất là ngày 31/3 - các sở GD&ĐT hoàn thiện việc rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.

Từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian quy định.

Trước 17 giờ 00 ngày 14/8, các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trước 17 giờ 00 ngày 30/8, thí sinh Hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Thế Đại.

Cảnh báo mạo danh Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023

Sáng 1/3, Bộ GD&ĐT thông báo về lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, Kỳ thi được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Cụ thể: Ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi. Tổ chức coi thi vào 2 ngày 28, 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Cùng ngày, đề thi tham khảo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng được Bộ GD&ĐT công bố.

Bộ GD&ĐT cũng lên tiếng cảnh báo về trường hợp mạo danh Bộ công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 chi tiết. Cụ thể, trên Fanpage của Bộ GD&ĐT ghi rõ: Hiện nay, vẫn còn có tình trạng cá nhân/tổ chức mạo danh Bộ GD&ĐT công bố thông tin không chính thống gây nhiễu loạn thông tin. Bộ GD&ĐT đã báo cáo các cơ quan chức năng xử lý.

Bộ GD&ĐT khẳng định có 2 kênh thông tin chính thức để công bố thông tin tới nhân dân, đó là:

Cổng Thông tin Bộ GD&ĐT: https://moet.gov.vn/Pages/home.aspx

Fanpage Bộ GD&ĐT (tích xanh): https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao

Cùng với cảnh báo này, Bộ GD&ĐT cũng ví dụ cụ thể tình trạng mạo danh Bộ công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023 từ địa chỉ https://www.facebook.com/tuyensinhso. Hiện Bộ GD&DT mới công bố ngày thi, chưa công bố lịch thi chi tiết từng ngày.

Lý giải việc các địa phương lựa chọn môn thi vào lớp 10

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 – chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi với báo chí về việc các địa phương lựa chọn môn thi vào lớp 10.

Theo Thứ trưởng, Bộ đã ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT (Ban hành kèm theo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông). Việc tổ chức thi/xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển, xét tuyển thuộc quyền chủ động của các địa phương.

Các Sở GD&ĐT tham mưu để trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, cũng như quyết định môn thi, tính chất thi, hệ số bài thi, điểm cộng...

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023.

Tùy từng địa phương và căn cứ vào số lượng học sinh dự thi, số lượng các trường THPT trên địa bàn có thể tiếp nhận để có các hình thức tuyển sinh khác nhau, xét tuyển/thi tuyển.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, đã là kỳ thi hay xét tuyển thì phải đảm bảo tính công bằng, tin cậy. Vấn đề áp lực, dù thi hay xét tuyển cũng khó thay đổi, nhất là giữa cung - cầu, số lượng muốn vào và số chỉ tiêu khác nhau.

Tuần qua, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với một số địa phương như: Hưng Yên, Bình Phước về giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Dành nhiều thời gian chia sẻ về công tác đổi mới quản lý, quản trị trường học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, cần đổi mới tư duy từ quản trị nhân sự sang quản trị nhân lực. Nếu như trong quản trị nhân sự, cán bộ quản lý chú trọng đến tuyển dụng và sử dụng giáo viên; thì chuyển sang quản trị nhân lực. Cán bộ quản lý hãy coi giáo viên là tài sản quý giá tạo ra chất lượng giáo dục.

Cần có chính sách, hành động chăm lo từ tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Cán bộ quản lý đồng thời phải tạo điều kiện, môi trường để giáo viên phát huy khả năng sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.