Nóng trong tuần: Điều chỉnh 3 luật, trình dự thảo Nghị quyết miễn học phí

GD&TĐ - Các hoạt động điều chỉnh 3 luật về giáo dục; trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí… là tin tức giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp rà soát, góp ý, tham vấn chính sách 3 luật về giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp rà soát, góp ý, tham vấn chính sách 3 luật về giáo dục.

Trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 Điều, bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí là trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.

Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, quy định này thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Tổng ngân sách nhà nước đã và sẽ thực hiện miễn, không thu, hỗ trợ học phí kể từ ngày 1/9/2025 theo các quy định hiện hành là 22,4 nghìn tỷ đồng. Số ngân sách nhà nước dự kiến phải bổ sung thêm khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành là 8,2 nghìn tỷ đồng.

Riêng kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỷ đồng cho 431.551 học viên.

kh3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí.

Tích cực điều chỉnh 3 luật về giáo dục

Sáng 25/5, Bộ GD&ĐT, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp rà soát, góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; tham vấn chính sách đối với dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, Bộ GD&ĐT đã báo cáo tóm tắt quá trình chuẩn bị và một số nội dung quá trình sửa đổi, bổ sung 3 luật.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung tổng số 47/115 điều, chiếm tỷ lệ 40,86%. Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) gồm 9 Chương, 48 Điều, giảm 31 Điều so với luật hiện hành. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) soạn thảo dự kiến giảm hơn 1/3 số điều, giảm 2 chương…

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm, định hướng một số chính sách lớn cần tập trung trao đổi, làm rõ, liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, văn bằng, chứng chỉ, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương, hội đồng trường (với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục); quản lý nhà nước với giáo dục đại học, cơ chế học phí và hỗ trợ tài chính cho người học, bảo đảm chất lượng (với Luật Giáo dục đại học sửa đổi); cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp (với Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi)…

Các ý kiến phát biểu từ Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực khi triển khai điều chỉnh đồng thời 3 luật, cũng như cách làm hết sức khoa học, kịp thời của Bộ GD&ĐT. Đi vào góp ý từng nội dung cụ thể, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tính tổng thể, sự kết nối giữa các luật. Đại diện Ban soạn thảo các luật đã báo cáo làm rõ thêm một số nội dung Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội quan tâm.

phien-hop-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp.

Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ cảm ơn Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội với nhiều ý kiến trao đổi, góp ý tâm huyết.

Theo Bộ trưởng, khi bắt tay điều chỉnh 3 luật, Bộ GD&ĐT đã xác định tư tưởng chỉ đạo, xuất phát từ cái nhìn tổng thể toàn hệ thống giáo dục. Những điều chỉnh cần giúp đổi mới toàn bộ hệ thống theo hướng nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt, mạch lạc, hiện đại, dễ triển khai, vận hành trơn tru, hiệu quả; hệ thống quản lý Nhà nước đơn giản hơn, nhưng phải hiệu lực, hiệu quả hơn.

“Điều chỉnh 3 luật phải đem lại yếu tố chất lượng cho giáo dục; từ khóa quan trọng là phải làm thế nào để gia tăng chất lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng trong tuần, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Các chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Với các trọng tâm đổi mới hệ thống, chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp cũng như phân cấp mạnh mẽ, tăng cường tự chủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức Đại hội Đảng bộ/Chi bộ

Trong tuần, một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT đã tổ chức Đại hội Đảng bộ/Chi bộ, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GD&ĐT, nhiệm kỳ 2025-2030.

screenshot-2025-05-23-174822.png
Ban Chấp hành Đảng bộ Báo Giáo dục và Thời đại nhiệm kỳ 2025 - 2030 ra mắt Đại hội.

Sáng 23/5, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT dự và chỉ đạo Đại hội.

Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ - Trí tuệ - Kỷ cương – Phát triển”, cùng tinh thần “đổi mới, sáng tạo”, Đại hội đã hoàn thành tốt các nội dung đề ra, đáp ứng yêu cầu và sự tin tưởng của Ban Thường vụ Đảng ủy cấp trên, cũng như của cán bộ, đảng viên về một kỳ đại hội thành công mọi mặt, góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GD&ĐT, nhiệm kỳ 2025-2030.

Gửi lời chúc mừng đến Đại hội Đảng bộ Báo Giáo dục và Thời đại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và tập thể lãnh đạo Báo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có tính toàn diện, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2025 - 2030, Thứ trưởng đề nghị, Đảng bộ Báo Giáo dục và Thời đại cần nỗ lực, quyết tâm và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược, vĩ mô mà ngành giao cho Báo.

vu-gdpt2.jpg
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thay mặt Đảng ủy Bộ GD&ĐT tặng hoa chúc mừng Đại hội.

Chiều 23/5, Đại hội Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2027 được tổ chức. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và chỉ đạo Đại hội.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chuẩn bị kịp thời, khẩn trương, chất lượng cho Đại hội của Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông; đồng thời bày tỏ cơ bản nhất trí với báo cáo chính trị Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông và báo cáo kiểm điểm của Chi ủy Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông.

Trong phát biểu, Thứ trưởng đồng thời định hướng, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông nhiệm kỳ tới; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng thể chế, chăm lo xây dựng đội ngũ, phát huy tinh thần gương mẫu của Đảng viên…

Thứ trưởng đề nghị, sau Đại hội, Chi bộ Vụ Giáo dục phổ thông nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kết quả Đại hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ; khẩn trương xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội và khẩn trương xây dựng quy chế làm việc của Chi bộ.

6.jpg
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng khóa IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng khóa IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Sáng 20/5 diễn ra Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng, lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Hoàng Minh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, dự và chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Đảng bộ Cục Quản lý chất lượng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.

Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ và tập thể lãnh đạo Cục đã nỗ lực, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ vững mạnh.

Thứ trưởng đề nghị trong giai đoạn tới, Đảng ủy Cục cần tạo sự đoàn kết, phát huy tối đa năng lực cá nhân, đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ, quán triệt tinh thần đổi mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu trong xây dựng chính sách, giám sát hệ thống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Tham mưu cho Đảng ủy Bộ về công tác quản lý chất lượng thực chất, hiệu quả, hội nhập quốc tế; tập trung chỉ đạo tham mưu chính sách, phát huy vai trò cơ sở giáo dục, kiểm định ngoài, đưa chất lượng trở thành văn hóa thường xuyên, đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp và đại học, nhằm nâng cao chất lượng và khả năng công nhận quốc tế…

thi-vao-10.jpg

Hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng

Ngày 19/5, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 2457 /BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng.

Theo đó, tất cả thí sinh (bao gồm cả thí sinh được xét tuyển thẳng) phải thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, đưa tất cả nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) trực tiếp tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn hoặc gián tiếp thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh, quy chế tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo không đủ điều kiện. Trường hợp cơ sở đào tạo có tổ chức các hình thức đăng ký xét tuyển riêng, nộp hồ sơ và các minh chứng trực tiếp hoặc trực tuyến tại cơ sở đào tạo, thí sinh thực hiện theo quy định của cơ sở đào tạo nhưng vẫn phải đăng ký trên Hệ thống để được xét tuyển chung với tất cả thí sinh khác.

Thí sinh khai báo chính xác và chịu trách nhiệm thông tin (các mốc thời gian theo hướng dẫn), bao gồm cả các thông tin để hưởng ưu tiên khu vực, đối tượng ưu tiên (nếu có) tại thời điểm đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (gửi kèm minh chứng đối tượng ưu tiên nếu có). Thông tin kê khai phải trung thực và chính xác.

Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, trước 17 giờ 00 ngày 30/6/2025, nộp Hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu về các cơ sở đào tạo. Thí sinh trúng tuyển thẳng sẽ nhận thông tin trúng tuyển từ trước ngày 15/7/2025 và phải tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống theo lịch chung.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) có nhu cầu đăng ký xét tuyển nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên Hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 10/7 đến ngày 20/7/2025.

Về đăng ký nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến trên Hệ thống, từ ngày 16/7 đến 17 giờ 00 ngày 28/7/2025, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.

Từ ngày 29/7 đến 17 giờ 00 ngày 5/8/2025, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rồi mai này, góc sân ấy sẽ trở thành những nhớ, những thương… Ảnh: Phạm Ngọc.

Mùa Hè cuối cùng…

GD&TĐ - Mùa Hè cuối cùng của thời học sinh, nắng vẫn giòn tan vàng ươm trên sắc đỏ nôn nao của loài hoa học trò.

Học sinh Trường nội trú Hy vọng giặt sạch áo quần để phân loại trước khi gửi tặng các bạn vùng lũ. Ảnh: NTCC

Ngày yêu thương

GD&TĐ - Gần 10 năm qua, Sở GD&ĐT Đà Nẵng duy trì Ngày yêu thương, khuyến khích các trường học và học sinh tự xây dựng những chương trình đồng hành để chia sẻ khó khăn về vật chất, tinh thần với bạn bè gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn.