Nóng trong tuần: Kết quả thi quốc tế ấn tượng; 2 công điện của Thủ tướng về giáo dục

GD&TĐ - Kết quả HS Việt Nam tại Olympic Vật lý Châu Á 2024, SEA-PLM 2024; 2 Công điện của Thủ tướng về giáo dục là vấn đề giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Đoàn học sinh Việt Nam đạt kết quả vượt trội tại Olympic Vật lý Châu Á năm 2025.
Đoàn học sinh Việt Nam đạt kết quả vượt trội tại Olympic Vật lý Châu Á năm 2025.

Thành tích ấn tượng của học sinh Việt Nam

Tuần qua, học sinh Việt Nam mang về 2 tin vui, đó là kết quả xuất sắc khi tham gia Olympic Vật lý Châu Á 2025 và SEA-PLM chu kỳ 2024.

Tại Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) năm 2025, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 8 học sinh dự thi; kết quả, 8/8 học sinh đoạt huy chương; gồm: 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng.

Cụ thể, giành huy chương Vàng là các em: Nguyễn Thế Quân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An; Nguyễn Công Vinh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Trương Đức Dũng, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Giành huy chương Bạc là các em: Lý Bá Khôi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Lê Thiện Nhân, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP.Huế; Phan Quang Triết, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Giành huy Đồng là các em: Trần Trung Hiếu, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, TP.Huế; Nguyễn Ngọc Phương Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Thành phố Hà Nội:.

Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 25 được tổ chức từ ngày 4/5 đến ngày 12/5 tại thành phố Dhahran, Ả rập Xê út với 30 đoàn từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với 208 thí sinh dự thi.

Đoàn Việt Nam xếp trong nhóm 5 nước có thành tích cao nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài bắc Trung quốc, Liên Bang Nga và Việt Nam.

Với 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng, thành tích năm nay của đội tuyển Việt Nam đã đạt kết quả vượt trội so với năm trước (năm 2024: 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 6 huy chương Đồng).

image001.jpg
Kết quả Việt Nam tham gia SEA-PLM chu kỳ 2019.

Tháng 4/2025, Bộ GD&ĐTnhận kết quả bước đầu tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á (SEA-PLM) chu kỳ 2024. Theo đó, học sinh tiểu học Việt Nam tiếp tục nằm trong top đầu ở cả 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu và Viết. Kết quả chính thức sẽ được Ban tổ chức SEA-PLM công bố vào cuối năm 2025.

Trước đó, Việt Nam đã triển khai thành công kỳ khảo sát thử nghiệm năm 2023 tại 30 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 9 tỉnh, thành phố và kỳ khảo sát chính thức năm 2024 tại 152 cơ sở giáo dục tiểu học thuộc 53 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việt Nam lần đầu tham gia SEA-PLM vào chu kỳ 2019. Kết quả khu vực và dữ liệu so sánh của chu kỳ 2019 được công bố tháng 12/2020, bao gồm 6 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Tại chu kỳ này, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu cả 3 lĩnh vực khảo sát với Toán: 341,55 điểm (trung bình khu vực là 304,79); Đọc hiểu: 336,46 điểm (trung bình khu vực là 300); Viết: 328,01 điểm (trung bình khu vực là 304,92).

Kết quả SEA-PLM chu kỳ 2019 và 2024 của học sinh Việt Nam cho thấy sự tương đồng rõ rệt với kết quả Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA), dành cho học sinh ở lứa tuổi 15. Trong kỳ PISA 2022, điểm trung bình 3 môn của học sinh Việt Nam xếp thứ 2 khu vực ASEAN, sau Singapore.

tn-thpt.jpg
2 Công điện của Thủ tướng đều có chỉ đạo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thủ tướng ban hành 2 Công điện về giáo dục

Ngày 8/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025.

Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đề cao trách nhiệm, sâu sát trong chỉ đạo, cụ thể kỹ lưỡng trong tổ chức, thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, các gia đình và các cơ sở giáo dục.

Đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn; ban hành kế hoạch thực hiện tại địa phương phân công nhiệm vụ cụ thể theo tinh thần 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả” gắn với lộ trình cả nước thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp.

Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức có liên quan trên địa bàn tham gia phối hợp hiệu quả với ngành Giáo dục chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường, không để xảy ra bất kỳ khâu nào của Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm.

Chỉ đạo Thanh tra tỉnh khẩn trương xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu, các bước, nhất là khâu phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia; lưu ý bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị liên quan trong tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp…

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương: Tiếp tục rà soát các văn bản chỉ đạo, hoạt động tổ chức Kỳ thi để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với các địa phương, các cơ sở giáo dục bảo đảm bám sát tình hình thực tiễn trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả đối với tất cả các khâu, các công việc trong suốt quá trình tổ chức.

Theo dõi sát, chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho các địa phương các vấn đề phát sinh trong Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp.

Tiếp tục rà soát, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có phương án kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức; trong đó tập trung vào những khâu tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, gian lận, mất an toàn trong Kỳ thi và tuyển sinh đầu cấp.

Rà soát kỹ các khâu, các bước, các công việc, nội dung trong công tác đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 bảo đảm tuyệt đối chính xác, an toàn, có độ phân hóa phù hợp…

Triển khai nhiệm vụ này, Công điện cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Y tế; đồng thời đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ đoàn tham gia hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh và công tác bảo đảm trật tự, an toàn trong Kỳ thi…

pnk06059-1.jpg

Tiếp đó, ngày 10/5, Thủ tướng ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.

Công điện tiếp tục có những chỉ đạo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi trên địa bàn, bảo đảm không vì sắp xếp bộ máy mà ảnh hưởng đến công tác tổ chức Kỳ thi.

Bộ GD&ĐT tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi liên quan đến bảo đảm nhân lực, các điều kiện tổ chức Kỳ thi được đầy đủ, kỹ lưỡng, đúng quy định. Kịp thời xử lý, tháo gỡ và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi.

Các Bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong việc phối hợp tổ chức Kỳ thi bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương trong mọi trường hợp; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 58/CĐ-TTg ngày 8/5/2025…

Về bảo đảm biên chế, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương để đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông còn thiếu so với định mức quy định của ngành Giáo dục.

Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày; không vì việc sắp xếp, tổ chức bộ máy mà để thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chủ động rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tăng cường cử giáo viên biệt phái, dạy liên trường, liên cấp.

Có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng; ký hợp đồng giảng dạy để kịp thời bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu theo quy định…

Về nghỉ hè năm 2025 của trẻ em, học sinh, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp quản lý, giáo dục và tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình nhằm tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được vui chơi, tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất, rèn luyện kỹ năng sống trong dịp hè; quản lý trẻ em, học sinh không để xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức liên quan, phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể tạo môi trường, để các em được vui chơi lành mạnh; rèn luyện kỹ năng sống, tham gia các hoạt động ngoại ngữ, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, phát triển thể chất…

thanh-tra.jpg
Bộ GD&ĐT bàn giao Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ.

Bàn giao Thanh tra Bộ GD&ĐT về Thanh tra Chính phủ

Sáng 7/5, Thanh tra Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT, bàn giao, tiếp nhận Thanh tra Bộ GD&ĐT về Thanh tra Chính phủ.

Tại buổi làm việc, hai bên thống nhất danh sách công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT bàn giao Thanh tra Chính phủ tiếp nhận với 18 người; trong đó bao gồm 1 Chánh Thanh tra, 1 Phó chánh Thanh tra, 3 Trưởng phòng , 2 Phó trưởng phòng và 11 công chức.

Nội dung liên quan đến bàn giao về kiện toàn tài chính, tài sản, trang thiết bị có liên quan đến hoạt động Thanh tra Bộ, chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Thanh tra Chính phủ cũng được trao đổi tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ đề nghị, sau buổi làm việc này, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện một số nội dung về công tác cán bộ trước ngày 15/5. Trong đó ban hành các quyết định điều chuyển công chức của Thanh tra Bộ GD&ĐT về Thanh tra Chính phủ; chuyển hồ sơ cá nhân công chức về Thanh tra Chính phủ và các vấn đề về chi trả lương liên quan đến mốc thời gian chuyển, việc chốt sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức.

Đánh giá cao sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bên, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cán bộ, công chức thuộc Bộ cũng như Thanh tra Bộ đều nhận thức rất sâu sắc về chủ trương tinh gọn bộ máy và nghiêm túc thực hiện.

Gửi lời chúc đến các công chức Thanh tra Bộ GD&ĐT chuyển sang Thanh tra Chính phủ, Thứ trưởng đồng thời bày tỏ mong muốn các công chức này sẽ nhận được sự quan tâm, sắp xếp của Lãnh đạo đơn vị mới để phát huy được tối đa năng lực, phẩm chất của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bạn nên biết rằng chế độ ăn uống kiêng đường sẽ mang lại một vài thay đổi trong cơ thể. (Ảnh: ITN)

7 điều cần biết trước khi kiêng đường

GD&TĐ - Ăn quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và các vấn đề về răng. Tuy nhiên, có một số điều bạn nên biết trước khi loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn uống.

Cơ quan chức năng và người dân tại hiện trường mẹ ôm con nhỏ 8 tháng tuổi nhảy cầu tự vẫn.

Mẹ ôm con 8 tháng tuổi nhảy cầu

GD&TĐ - Thi thể người mẹ và con nhỏ 8 tháng tuổi vừa được cơ quan chức năng tìm thấy sau vụ nhảy cầu xảy ra tối 11/5 ở TP Huế.