Nóng trong tuần: Chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV

GD&TĐ - Chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV, bàn xây dựng Nghị quyết về phổ cập GDMN cho trẻ 3-5 tuổi... là tin GD nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV. Ảnh: HCMUTE
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV. Ảnh: HCMUTE

Chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV

Trong 3 ngày (18,19 và 20/4), tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII (SV.STARTUP) và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.

Sự kiện được tổ chức với các hoạt động chính: Hội nghị tổng kết đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; Chương trình khai mạc, bế mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên;

Hội thảo “Giải pháp đột phá thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH"; hội thảo “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số”; hội thảo “Giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh từ các hoạt động tư vấn, nghề nghiệp, việc làm”;

Diễn đàn “Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân”; chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII; hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự Ngày hội; tham quan không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Sự kiện trọng tâm là khai mạc “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII” có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ sở giáo dục, các tổ chức, doanh nghiệp.

m9.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên. Ảnh: HCMUTE.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GD&ĐT cùng bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã cùng nhau, đồng hành suốt thời gian qua trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Nhận định, việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là cả một chiến lược lâu dài, cần các giải pháp căn cơ, chiến lược toàn diện, không cầu toàn, không nóng vội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát triển các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, không gian sáng tạo, các vườn ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp trong nhà trường, đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa. Đồng thời tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn mới bảo đảm thiết thực, chất lượng.

Kỳ vọng vào thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên, Thủ tướng gửi gắm: Mỗi bạn trẻ hãy xác định khởi nghiệp là nền tảng, là công cụ và là cơ hội nghề nghiệp, đồng thời đây còn là trách nhiệm đối với xã hội, với tương lai của đất nước, xây dựng quốc gia phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.

Tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc và có những đóng góp cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong 7 năm triển khai Đề án.

v2.jpg
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các dự án khối các trường đại học.

Trong 3 ngày diễn ra Ngày hội, các hội thảo, diễn đàn đã thu hút số lượng lớn đại biểu và các em học sinh, sinh viên tham gia, tìm hiểu.

Các gian hàng triển lãm, trưng bày sản phẩm dự thi và các ý tưởng khởi nghiệp đã thu hút hơn 10.000 lượt người tham quan trong 2 ngày mở cửa.

Tại lễ Bế mạc diễn ra chiều 20/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các cá nhân, tập thể, có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025; đồng thời trao giải Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VII.

Cấp thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi

Sáng 17/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (Nghị quyết).

Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo tóm tắt tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết số 42-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã xác định rõ: Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Đây là một bước tiến mạnh mẽ nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ gốc.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ mẫu giáo được đến trường đạt khoảng 93,6%; nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn trẻ 3-4 tuổi tại các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, con công nhân, lao động tự do… vẫn đang đứng ngoài phạm vi được hỗ trợ để có thể đến trường. Điều này chưa bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục.

Điều đặc biệt đáng lưu tâm là: Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho nhóm 3-4 tuổi, trong khi yêu cầu định hướng về mặt chính trị đã được đặt ra. Việc sửa Luật cần thời gian và cần có đánh giá toàn diện.

bt-nguyen-kim-son.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo tóm tắt về việc xây dựng Nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Về cơ sở thực tiễn xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Mạng lưới trường lớp mầm non hiện được phủ khắp toàn quốc, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ. Hằng năm có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được huy động đến trường; trong đó tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ là 34,6% và tỷ lệ huy động với trẻ mẫu giáo là 93,6%.

Tuy nhiên, trẻ em 3-4 tuổi ở vùng khó khăn, đối tượng yếu thế chưa được đến trường với tỷ lệ cao, gây mất công bằng trong giáo dục. Bên cạnh đó, cả nước còn khoảng 16 nghìn nhóm trẻ độc lập tư thục; các điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, điều kiện về đội ngũ giáo viên rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Vì vậy việc ban hành Nghị quyết Quốc hội lúc này là phương án rất cần thiết, cấp bách; vừa thực hiện Nghị quyết của Trung ương, vừa là đòi hỏi của thực tế.

3 chính sách trọng tâm đề xuất trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, được Bộ trưởng thông tin, đó là: Đầu tư mạng lưới trường lớp; Chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên; Hỗ trợ thiết thực cho trẻ em.

gdmn.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

“Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta” - khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 8 xác định rất rõ mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Đây là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ; là nền tảng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện sau này và được gọi là “giai đoạn vàng” phát triển trí tuệ, ngôn ngữ, tư duy logic và sáng tạo.

Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm, chiến lược này của Đảng; tạo cơ sở vững chắc về pháp lý để đảm bảo mọi trẻ em từ 3-5 tuổi được tiếp cận giáo dục mầm non chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mĩ và kỹ năng; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, Chính phủ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi, trình Quốc hội.

Để tập trung thảo luận cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, trao đổi, cho ý kiến về một số nội dung, như: Đối tượng áp dụng; các nhóm chính sách lớn dự thảo Nghị quyết đề xuất; sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính thống nhất nhóm chính sách được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; nguồn lực, điều kiện đảm bảo để thi hành Nghị quyết...

Tại phiên họp, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định tầm quan trọng giai đoạn 3-5 tuổi trong quá trình phát triển của trẻ và sự cần thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là kỹ thuật lập pháp; giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

tt-nguyen-van-phuc.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì phiên thảo luận chủ đề “Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”.

Triển khai nhiều chính sách giáo dục cho nền kinh tế xanh và số

Sáng 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, tại các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư vào con người - Kiến tạo đội ngũ cho nền kinh tế tương lai”.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh vai trò trung tâm của giáo dục trong quá trình chuyển đổi xanh và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050.

Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách lớn về giáo dục, đào tạo nhằm chuẩn bị cho một nền kinh tế xanh và số. Một trong những nội dung nổi bật là “Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó lấy tự chủ ĐH và chuyển đổi số làm hai đột phá chiến lược.

Ở bậc phổ thông, Việt Nam đang xây dựng một hệ thống giáo dục mở, công bằng, bao trùm, thúc đẩy học tập suốt đời. Theo đó, tỷ lệ hoàn thành tiểu học hiện đạt 99,7%, trung học cơ sở 99% và trung học phổ thông 95% - các chỉ số gần tiệm cận các quốc gia phát triển trong khu vực.

Ở giáo dục nghề nghiệp và ĐH, các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, xây dựng xanh, nông nghiệp hữu cơ, quản lý chất thải… đang được hiện đại hóa mạnh mẽ.

Mạng lưới các trường sư phạm và ĐH đang được quy hoạch lại theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế, đào tạo các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, đường sắt cao tốc.

Việt Nam cũng đang triển khai các chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp quốc gia và cấp ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong đồng phát triển tài liệu, chương trình đào tạo và các mô hình giáo dục xanh.

thu-truong-phuc-1.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc trao đổi tại phiên thảo luận.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời cho biết: Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam luôn lấy con người làm trung tâm bằng cách tạo cơ hội việc làm bền vững, đảm bảo người lao động có thể tiếp cận việc làm trong nền kinh tế xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và thành phố xanh.

Trong đó, Việt Nam tập trung vào việc tái đào tạo và nâng cao kỹ năng xanh tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch công nghiệp; khuyến khích quan hệ đối tác giáo dục-kinh doanh để gắn kết đào tạo với các hoạt động xanh.

Đồng thời, Việt Nam cũng coi nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực STEM là động lực quan trọng của tăng trưởng bền vững; tìm kiếm quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển các mô hình toàn diện nhằm phát triển lực lượng lao động xanh.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế tập trung vào 3 nội dung chính: nhận diện khoảng cách giữa các ngành nghề, kỹ năng hiện có và các ngành nghề, kỹ năng mới cho quá trình chuyển đổi xanh; những chính sách cụ thể nhằm chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho tương lai xanh; các mô hình hợp tác thành công giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức trong nước, quốc tế để xây dựng đội ngũ nhân lực xanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.