Nóng trong tuần: ĐKDT tốt nghiệp THPT; thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục

GD&TĐ - Hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục... là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long kết luận cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long kết luận cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh hoàn thành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT

17h ngày 28/4, Bộ GD&ĐT đóng cổng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến thời điểm nói trên đã có tổng số 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi.

Trong số này, 1.122.507 thí sinh (chiếm 96,33%) là học sinh lớp 12 và 42.782 (chiếm 3,67%) là thí sinh tự do.

Có 16.072 (chiếm 1,38%) thí sinh tự do dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 26.711 (chiếm 2,29%) thí sinh tự do dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Bộ GD&ĐT cũng đã công bố số lượng thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo môn.

Theo công bố này, môn học được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là Lịch sử với 499.357 thí sinh; trong đó có 484.084 thi theo Chương trình GDPT 2018 và 15.273 thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2006.

Tiếp theo là môn Địa lí với 494.081 thí sinh lựa chọn (479.585 thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 và 14.496 thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2006).

Đứng thứ 3 trong số các môn được nhiều thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT năm nay là Tiếng Anh với 358.870 thí sinh (352.652 thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2018 và 6.218 thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2006).

Tiếp đến là Vật lí (354.298 thí sinh lựa chọn) và Giáo dục kinh tế và pháp luật (247.248 thí sinh lựa chọn), Hóa học (246.700 thí sinh).

b2.jpg
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, sáng 29/4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị Kỳ thi.

Hoan nghênh Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan trong việc chủ động chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm khác, cần nhận thức, xác định rõ trong các văn bản chỉ đạo để có giải pháp sát hơn.

Kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hàng năm. Bên cạnh đó, năm nay số lượng thí sinh nhiều hơn, công nghệ gian lận ngày càng tinh vi.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức Kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố. Cần phải tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức Kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, không nêu chung chung. Không được chủ quan về vấn đề tâm lý cán bộ khi bộ máy được tinh gọn, cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, phân định công việc rõ ràng...

pnk06102.jpg
Học sinh Trường THPT Phenikaa.

Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục

Một trong những thông tin đáng chú ý trong tuần qua là Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).

Nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch là quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chiến lược; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ 5 năm, hằng năm.

Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án về phát triển giáo dục theo phân cấp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai và mức độ, khả năng đạt được các mục tiêu của Chiến lược, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược theo từng giai đoạn. Đề xuất điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp với bối cảnh khi cần thiết để đảm bảo tính khả thi cao.

Tổ chức thực hiện đúng tiến độ nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và của Bộ GD&ĐT trong từng thời kỳ.

Cụ thể, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược gồm: Tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hoàn thiện thể chế trong giáo dục và đào tạo; Đổi mới quản lý giáo dục và quản trị nhà trường; Thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân;

Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học; Tăng cường hội nhập quốc tế;

Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Chiến lược; tổ chức sơ kết, tổng kết Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc phân công đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện, thời gian thực hiện, thời gian, hình thức/kết quả thực hiện được Bộ GD&ĐT nêu cụ thể trong Kế hoạch.

phenikaa1.jpg

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương giải quyết tình trạng thiếu giáo viên

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.

Công văn này nêu rõ: Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung đủ 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Tuy nhiên, tính đến hết kỳ I năm học 2024-2025, cả nước còn khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng trong khi còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm biên chế được giao chưa sử dụng và biên chế được bổ sung năm học 2024-2025). Không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên

Thứ hai, thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như: Thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu của địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học tiếng dân tộc thiểu số...

Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026-2027 đến năm học 2030 - 2031, báo cáo Bộ GD&ĐT (theo mẫu gửi kèm theo Công văn này).

Thứ tư, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

z6550242661147ec674de7ddbf7a897316e5d8eca99ce3.jpg
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã ký kết Thoả thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục

Từ ngày 27-29/4, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản đã có có chuyến thăm Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã ký kết Thoả thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam và trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo Bản Thoả thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, để tiếp tục thực hiện việc triển khai dạy và học tiếng Nhật, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng thống nhất nỗ lực hợp tác thúc đẩy dạy tiếng Nhật ở bậc tiểu học và bậc trung học tại Việt Nam. Cụ thể, triển khai giảng dạy tiếng Nhật ở các cấp học phổ thông (từ lớp 3 đến lớp 12) trên toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2034.

Căn cứ nhu cầu của người học và điều kiện thực tế, các địa phương có thể xem xét hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 1 tại một số trường tiểu học và trung học và đảm bảo có tính liên thông phù hợp với quá trình hoàn thành chương trình học tập của học sinh.

Ngoài ra, tại các địa phương đang giảng dạy tiếng Nhật như ngoại ngữ 2 ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, cơ quan chức năng xem xét duy trì sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo tiếng Nhật tiếp tục được giảng dạy một cách ổn định giúp học sinh có thể hoàn thành chương trình học tập.

Để triển khai thoả thuận khung về việc dạy tiếng Nhật ở trường phổ thông Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ trong phạm vi ngân sách cho phép đối với các trường đang giảng dạy tiếng Nhật; hợp tác hỗ trợ trong khả năng có thể trong việc cử chuyên gia tiếng Nhật hỗ trợ hoàn thiện chương trình và biên soạn sách giáo khoa tiếng Nhật; cung cấp các tài liệu học tập và tài liệu tham khảo cần thiết cho việc dạy và học tiếng Nhật.

Nhật Bản cũng sẽ cử chuyên gia tiếng Nhật đến các trường phổ thông. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Nhật người Việt Nam theo quy định và đảm nhận một số giờ dạy với tư cách là trợ giảng trong trường hợp cần thiết. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Nhật và phương pháp dạy học tiếng Nhật cho giáo viên. Tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý của các trường tham quan, học tập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa tại Nhật Bản hằng năm trong phạm vi có thể…

Theo Bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, hai bên nhất trí sẽ tiếp nhận khoảng 250 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời tăng gấp đôi số lượng sinh viên tham gia Chương trình nghiên cứu Khoa học Sakura về giao lưu nhân lực thế hệ mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ tiên tiến của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bán dẫn.

anh-6.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Juan Edgardo Angara và thành viên đoàn hai bên.

Cũng liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế, sáng ngày 29/4, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Giáo dục Philippines do Bộ trưởng Juan Edgardo Angara làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non, giáo dục đại học, ngân sách dành cho giáo dục, chất lượng đào tạo, chương trình giáo dục, thu hút du học sinh, hệ thống giáo dục dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo giáo viên, chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, đánh giá hiệu quả của hai trung tâm của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) tại Việt Nam…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ