Thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh
Chiều 25/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (dự thảo Nghị quyết).
Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nội dung của dự thảo Nghị quyết quy định về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập, đồng thời hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Dự kiến nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp. Nguồn nhân lực thực thi sử dụng nhân lực sẵn có tại các đơn vị.
Căn cứ theo mức học phí tối thiểu bình quân của 3 khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng. Mức cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí do Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành phố quy định.
Tổng ngân sách nhà nước đảm bảo cho các đối tượng học sinh được miễn, không thu học phí theo quy định từ ngày 1/9/2025 là 22,4 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số ngân sách nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8,2 nghìn tỷ đồng (khối công lập là 6,9 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục 1,3 nghìn tỷ đồng).

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội (Ủy ban) về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 và Kết luận phiên họp ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị.
Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng mở rộng hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị và quy định tại khoản 3, điều 99 của Luật Giáo dục. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách; bổ sung sự cần thiết của các đối tượng thụ hưởng trong Tờ trình và thể hiện trong các điều, khoản của dự thảo Nghị quyết.
Thường trực Ủy ban cũng cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước đối với người học và chăm lo cho thế hệ trẻ; bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra sơ bộ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Góp ý xây dựng Đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Trong tuần qua, 4 hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045” đã được tổ chức.
Ngày 23/4, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Lấy ý kiến xây dựng Đề án “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo của 17 trường đại học sư phạm, đại học ngoại ngữ có đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh; giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh; đại diện các trường mầm non và phổ thông và một số cơ quan quốc tế như Hội đồng Anh, Văn phòng tiếng Anh khu vực (Đại sứ quán Mỹ- RELO).
Ý kiến đại diện các trường có đào tạo giáo viên tại hội thảo đều khẳng định vai trò trọng tâm, chiến lược của việc phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên tiếng Anh và giảng dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.

Thay mặt Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh góp ý cho dự thảo, Phó Hiệu trưởng Bùi Trần Quỳnh Ngọc góp ý 6 nhóm nội dung cần hoàn thiện, liên quan đến khái niệm “ngôn ngữ thứ hai”; tiêu chí; cơ chế giám sát học thuật độc lập; đào tạo cán bộ quản lý; thí điểm triển khai trước khi nhân rộng và xây dựng nền tảng học liệu số quốc gia dùng chung.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng Võ Văn Minh cho rằng, phân kỳ 5 năm đầu tiên cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào trường đào tạo giáo viên và cơ sở giáo dục cân đối theo vùng miền; sau đó nhân rộng. Hai việc được ông Võ Văn Minh nhấn mạnh cần tập trung là đào tạo, bồi dưỡng giảng viên sư phạm, giáo viên mầm non và phổ thông; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng số, học liệu, trong đó gợi ý có thể xây dựng bộ sách giáo khoa song ngữ.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) Lê Thị Mai Oanh gợi ý nên dự báo số giáo viên cần đào tạo trong lộ trình để điều chỉnh đặt hàng đào tạo giáo viên, cũng như giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho trường sư phạm.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trong kết luận hội thảo nhấn mạnh xây dựng nguyên tắc, tiêu chí đảm bảo tính khả thi, nhưng cũng phải hướng tới chuẩn quốc gia, quốc tế. Tiêu chí nguồn lực theo hướng phấn đấu, không phải theo hướng đạt được nhanh hay chậm… Phải đồng bộ các giải pháp; từ cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, đến ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, giải quyết vấn đề về học liệu, khoảng cách vùng miền, thiếu giáo viên… Trong đó, yếu tố con người được Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.

Tiếp đó, ngày 24/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Trung tâm ngoại ngữ về dự thảo Đề án. Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu dự hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu quan điểm của Bộ GD&ĐT là “không phân biệt công - tư, đề án được xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể, toàn dân, toàn diện và chung nhất. Chúng ta phải có chính sách tốt thì mới huy động nguồn lực tốt.
Ngày 25/4, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Đề án. Tại đây, đại diện nhiều tổ chức quốc tế đã đóng góp ý kiến cho dự thảo. Bà Victoria Clark, Giám đốc toàn cầu Bộ phận Các giải pháp đánh giá trong lĩnh vực tiếng Anh của Hội đồng Anh, đề xuất thực hiện hỗ trợ và đánh giá học sinh thông qua các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Việc đánh giá, kiểm tra cũng cần phải thực hiện một cách phù hợp, thú vị. Phải đưa tiếng Anh ra ngoài phòng học, đảm bảo cơ hội giao tiếp cho học sinh và tiếng Anh phải là một ngôn ngữ “sống”.
Tổng hiệu trưởng Hệ thống Victoria Lê Nguyễn Trung Nguyên khẳng định quan điểm, tiếng Anh chỉ thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai khi học sinh được sống trong môi trường tiếng Anh, chứ không chỉ học tiếng Anh như một môn học.
Cũng ngày 25/4, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Tiểu Ban Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT)tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các trường trung cấp, cao đẳng về xây dựng Đề án này.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Tuần qua là thời gian cao điểm các thí sinh thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trong thời gian này, Bộ GD&ĐT cũng liên tục cập nhật thống kê sơ bộ số thí sinh đăng ký dự thi trên cả nước.
Đơn cử, tính đến 17 giờ ngày 24/4, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đã có 1.031.163 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong số này có 1.002.237 thí sinh lớp 12 (Chương trình giáo dục phổ thông 2018), chiếm tỷ lệ 97,19%.
Thí sinh tự do là 28.962, chiếm tỷ lệ 2,81%. Trong đó, thí sinh tự do đăng ký thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 12.405 (chiếm tỷ lệ 1,2%); thí sinh thí sinh tự do đăng ký thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 16.522 (chiếm tỷ lệ 1,6%).
Theo quy định, từ 21/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025; thời gian đăng ký đến 17 giờ ngày 28/4.
Thí sinh đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông/giáo dục thường xuyên trong năm tổ chức kỳ thi đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.
Thí sinh thuộc các đối tượng còn lại đăng ký dự thi trực tuyến hoặc trực tiếp tại địa điểm (gọi là nơi đăng ký dự thi) do Sở GD&ĐT quy định.
Trong thời hạn đăng ký dự thi, thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng phải khai báo trên phần mềm đầy đủ, đúng các thông tin kèm minh chứng để hưởng ưu tiên trong xét tuyển sinh theo quy định.

6/6 học sinh Việt Nam đạt Huy chương Vàng Kỳ thi Olympic Toán quốc tế Turkmenistan lần thứ 2
Từ ngày 21–26/4/2025, tại thủ đô Ashgabat (Turkmenistan), đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Giao lưu Toán học Turkmenistan lần thứ 2 theo lời mời của Bộ Giáo dục Turkmenistan. Kết quả, cả 6/6 thí sinh đều đoạt Huy chương Vàng.
Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Bộ GD&ĐT giao chủ trì công tác tập huấn và tổ chức đoàn tham dự kỳ thi.
Đội tuyển được lựa chọn dựa trên kết quả của Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic khu vực và quốc tế năm 2025, nhằm tạo điều kiện để có nhiều hơn nữa học sinh Việt Nam được tham gia các hoạt động giao lưu học thuật quốc tế, mở rộng cơ hội học hỏi và nâng cao năng lực.
Ngày 25/4/2025, Bộ GD&ĐT nhận kết quả chính thức. Sáu học sinh đạt Huy chương Vàng gồm:
Em Nguyễn Trí Hậu và Nguyễn Trí Hiền (Lớp 11, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam); em Nguyễn Phúc Nguyên (Lớp 11, Trường THCS-THPT Newton, Hà Nội); em Trần Quang Nhật (Lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng); em Lại Gia Khải (Lớp 11, Trường THPT chuyên Sư Phạm, Hà Nội); em Vũ Việt Hà (Lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương).
Kỳ thi Olympic Toán quốc tế Turkmenistan lần thứ 2, là một kỳ thi mời (các nước được nước chủ nhà Turkmenistan gửi giấy mời tham dự), do Bộ Giáo dục Turkmenistan tổ chức nhằm tôn vinh “Năm quốc tế về Hòa bình và Tin cậy”.
Kỳ thi hướng tới việc nuôi dưỡng các tài năng và năng lực của của học sinh, tăng cường tình hữu nghị, phát triển tư tưởng tiến bộ, tư duy mở của thanh thiếu niên.
Theo quy định, Ban tổ chức trao giải chính thức cho 50% thí sinh tham dự, trong đó, tỉ lệ các huy chương Vàng, Bạc, Đồng là 1:2:3. Ngoài ra Ban tổ chức trao bằng khen cho các em học sinh đạt điểm tối đa cho 1 bài toán.