Các nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, San Diego (UCSD), Mỹ, ghi lại nồng độ khí carbon dioxide (CO2) vượt qua ngưỡng 410 phần triệu (ppm) tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, vào hôm 18/4 nhờ sử dụng đường cong Keeling.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nồng độ CO2 chính xác mà họ đo được là 410,28 ppm, mức cao nhất trong trong bầu khí quyển của Trái Đất từ trước đến nay. Nhiều khả năng đây chỉ là điểm khởi đầu cho những kỷ lục đáng sợ khác trong những tháng tới.
Theo Scientific American, nồng độ khí nhà kính CO2 ở mức cao làm cho Trái Đất giữ lại nhiều nhiệt hơn từ ánh sáng Mặt Trời, đồng thời làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Năm 2013, Đài quan sát Mauna Loa lần đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 vượt qua ngưỡng 400 ppm. Kể từ đó, nồng độ CO2 thường xuyên cao hơn con số 400 ppm.
"Nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay cao hơn nhiều so với nồng độ CO2 vài triệu năm trước được đo trong lõi băng đá và trầm tích biển", Pieter Tans, nhà khoa học đứng đầu tại Mạng lưới Tham khảo về Khí nhà kính Toàn cầu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), cho biết.
"Con người từng chứng kiến có sự gia tăng đáng kể nồng độ khí CO2 trong khí quyển, khoảng 80 ppm, vào cuối kỷ băng hà cách đây từ 11.000 - 17.000 năm. Nhưng mức độ gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay cao gấp 200 lần so với thời kỳ đó", Tans nói.
Tans lưu ý rằng, sự gia tăng CO2 này không có gì đáng ngạc nhiên nếu xem xét lượng phát thải từ việc đốt dầu, than, khí tự nhiên và sản xuất xi măng. Các quá trình nói trên tạo ra 10 tỷ tấn carbon, hay 37 tỷ tấn CO2, mỗi năm.
Năm 2015, tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 tổ chức ở Paris, Pháp, chính phủ các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay khoảng 15°C.