Nỗi niềm nhà giáo

GD&TĐ - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Trong báo cáo được trình bày có đề xuất từ 1/7/2020 tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã khẳng định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Ảnh minh họa/INT
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã khẳng định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Ảnh minh họa/INT

Nếu mức tăng lương như trên được Quốc hội chấp thuận, mức lương cơ sở năm 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng). Đây là điều đáng mừng đối với số đông người lao động. Nhưng có một bộ phận viên chức hưởng lương vẫn còn trăn trở khi nhận được thông tin này.

Đó là các thầy cô giáo đã lâu năm gắn bó với nghề, những giáo viên giỏi được trưng dụng lên làm công tác chuyên môn ở các sở, phòng GD&ĐT. Họ trăn trở vì một điều rất đơn giản: Theo tinh thần Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ viên chức, công chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, bắt đầu từ 1/1/2021, áp dụng chế độ tiền lương mới với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị.

Theo đó, sẽ không còn phụ cấp thâm niên, các khoản phụ cấp chức vụ, trách nhiệm… Tất cả đều được đưa vào lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp, đặc thù nghề nghiệp. Thực hiện chủ trương đó, từ ngày 1/7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chính thức bị bãi bỏ.

Có thể hiểu là từ thời điểm đó, thu nhập của nhà giáo sẽ không còn được cộng thêm các khoản phụ cấp đứng lớp, vùng miền theo tính chất phức tạp của nghề, vị trí việc làm. Theo cách hiểu của nhiều người, không còn các chế độ phụ cấp, chỉ còn lương cơ bản thì mức tăng lương chỉ cao hơn đối với những giáo viên mới ra trường nhận công tác.

Còn đối với giáo viên đã làm việc lâu năm, khi bị cắt bỏ các chế độ phụ cấp chắc chắn thu nhập sẽ giảm ít nhiều so với mức lương cũ. Đây là điều nhiều nhà giáo trăn trở khi nhiều năm nay các chế độ trợ cấp với nghề “trồng người” được ban hành không ngoài mục đích động viên các thầy cô bám trường, bám lớp dạy chữ rèn người cho học sinh.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã khẳng định: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị về nâng thang bậc lương của giáo giới dù nhiều lần đưa ra nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Không còn phụ cấp đặc thù, không được hưởng phụ cấp thâm niên, có thể dễ dàng nhẩm tính thu nhập của nhà giáo chắc chắn thay đổi theo hướng giảm so với trước. Đó là điều mà giáo giới đang lo lắng.

Tin vui là Quốc hội có thể chuẩn y đề xuất tăng lương cơ sở cho người lao động lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 đến với nhiều người nhưng lại là nỗi niềm trăn trở của không ít thầy cô giáo. Cuộc sống nhà giáo chân chính hiện nay còn quá nhiều khó khăn, mong ước hết sức đơn giản của mọi người là sống được bằng lương để nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết với nghề, với trường lớp và học sinh. Còn trước mắt, mong rằng các cấp làm chính sách có những kiến nghị, sửa đổi, bổ sung kịp thời để các thầy cô giáo không quá thiệt thòi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ