Những thầy cô - chiến sĩ trọn đời vì con chữ

GD&TĐ - Khoảng 3 nghìn thầy cô giáo đến từ các trường phổ thông, đại học ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác hồ hởi lên đường đi B. Hành trang của họ là ba lô con cóc chứa đầy giáo án, là khát khao được cống hiến cho công cuộc diệt giặc đói, giặc dốt của dân tộc.

Ông Đỗ Trọng Văn (ngoài cùng bên phải) trong ngày hội ngộ các đồng đội. Ảnh: Sỹ Điền
Ông Đỗ Trọng Văn (ngoài cùng bên phải) trong ngày hội ngộ các đồng đội. Ảnh: Sỹ Điền

Thầy giáo tuổi đôi mươi

Theo ông Đỗ Trọng Văn – Trưởng Ban liên lạc Nhà giáo đi B, nhiều nhà giáo theo chân các chiến sĩ vượt Trường Sơn vào vùng đất giải phóng ở miền Nam để mở trường, lớp dạy học cho trẻ em và các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu với quân đội Mỹ - Ngụy.

Đoàn Nhà giáo đi B đầu tiên từ tháng 5/1961. Có cán bộ GD được chi viện từ miền Bắc, năm 1962, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập Tiểu ban GD miền Nam, cơ quan chỉ đạo GD cách mạng ở miền Nam. Từ đó hàng năm đều có các nhà giáo, cán bộ GD ở miền Bắc được điều động vào miền Nam công tác. Số lượng nhà giáo đi B tăng lên hàng năm theo sự phát triển của cách mạng miền Nam. Nhiều nhất là vào các năm từ 1968 đến 1973.

Sau ngày 30/4/1975, tất cả các nhà giáo do miền Bắc chi viện và các GV tại chỗ đã làm nhiệm vụ tiếp quản các cơ sở GD ở miền Nam, xây dựng lại cả hệ thống GD cũ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, hơn một nửa số cán bộ, GV đi B tiếp tục ở lại các tỉnh/thành phía Nam công tác, gần một nửa theo nguyện vọng cá nhân và gia đình, trở về miền Bắc tiếp tục dạy học hoặc một số ít chuyển công tác sang các ngành khác. - Ông Văn cho biết.

Tổng số cán bộ, giáo viên đã được Bộ GD điều đi B đến tháng 4/1975 là trên 3.000 người. Tất cả đều phải hành quân vượt Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường Trường Sơn thực sự là một thử thách đối với mỗi nhà giáo khi bước chân đi B…

Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, họ vừa làm nhiệm vụ GD, vừa phải trực tiếp tham gia chiến đấu như những người chiến sĩ. Họ phải chịu nhiều gian khổ, thiếu thốn, ốm đau bệnh tật, thương vong do bom đạn. Nhiều nhà giáo bị địch bắt, tù đày, tra tấn… nhưng đều dũng cảm vượt qua. Những mái trường lợp lá dừa nước. Học sinh đủ lứa tuổi, từ trẻ em tới thanh niên lẫn người già, tất cả say sưa học dưới ánh đèn cầy là ký ức đẹp của một thời hoa lửa, trở thành hành trang để các nhà giáo cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

Tiếp tục cống hiến

“Tôi may mắn có một mái ấm gia đình để chia sẻ yêu thương và những ký ức thời hoa lửa” 
- Bà Phạm Hải Ấm. Ảnh: Sỹ Điền

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhà giáo đi B Đỗ Trọng Văn trở về miền Bắc, tiếp tục với sự nghiệp GD-ĐT. Ông được phân công về làm chuyên môn ở Vụ GD Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

Tại đây, ông tiếp tục tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách, nhằm góp phần phát triển GD tiểu học của nước nhà. Cho đến nay, điều mà ông tâm đắc nhất là đã cùng với các đồng nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng chủ trương, chính sách về hệ thống trường chuẩn bậc tiểu học trên toàn quốc. Ông Văn chia sẻ: Thời điểm năm 1996 - 1997, bậc tiểu học được coi là đi đầu, làm điểm về xây dựng trường chuẩn. Đến nay, cả nước đã có cả một hệ thống trường tiểu học đạt chuẩn đồ sộ, góp phần quan trọng vào đổi mới, nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS.

“Khi đất nước còn chiến tranh, việc dạy và học diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng chúng ta đã làm được những việc dường như không tưởng: Dạy học trong nhà tù, soạn sách trong bom đạn… Ngày nay, đất nước đang trên đà phát triển, mong rằng sự nghiệp GD của chúng ta tiếp tục có những bước đột phá, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam trên thế giới” – ông Văn bộc bạch.

Với nhà giáo Phạm Thanh Liêm, những năm tháng đi B là quãng đời đẹp nhất, đầy ắp những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Hòa Bình lập lại, ông được phân công về làm Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý GD&ĐT II, thuộc Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Mặc dù làm quản lý, nhưng nhà giáo Phạm Thanh Liêm vẫn đứng trên bục giảng - một công việc mà ông tự nguyện gắn bó cả đời. Ông đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ quản lý GD miền Nam, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới giáo dục của nước nhà. Ông tâm niệm: Thời nào cũng vậy, rất cần những nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm vượt lên mọi hoàn cảnh, vượt lên chính mình. Bởi người trực tiếp tham gia vào quá trình đổi mới, không ai khác chính là đội ngũ thầy, cô giáo. Có như vậy, sự nghiệp đổi mới GD của chúng ta mới thành công.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, trở về miền Bắc nhà giáo Phạm Hải Ấm (Nguyễn Khang, Hà Nội) tiếp tục công tác trong ngành GD cho đến lúc nghỉ hưu.

“So với nhiều đồng đội, tôi may mắn hơn họ gấp trăm nghìn lần, bởi chí ít tôi cũng có một gia đình êm ấm, với những đứa con ngoan và đã khôn lớn trưởng thành. Nhiều đồng đội đã về với đất mẹ. Có những người hy sinh cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường, bom đạn ác liệt, để rồi khi trở về mang trong mình nhiều vết thương, với nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần” – bà Ấm trùng giọng kể.

Nguyện vọng chung của nhà giáo đi B là được các cấp quản lý GD, chính quyền quan tâm, động viên tinh thần cho những người đã hy sinh, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời có hình thức biểu dương và đặc cách công nhận các danh hiệu: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen... hoặc các hình thức khen tặng khác cho những nhà giáo đã hy sinh một phần xương máu vì sự nghiệp trồng người và vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
 Ông Đỗ Trọng Văn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ