Nỗi niềm của các nhà khoa học trẻ ở Đức

GD&TĐ -  Chế độ làm việc theo hợp đồng tạm thời được áp dụng trong lĩnh vực khoa học ở Cộng hòa Liên bang Đức làm xói mòn niềm tin của các nhà khoa học trẻ vào tương lai và khiến họ luôn ở trong tình trạng căng thẳng.

87% cán bộ khoa học Đức làm việc theo hợp đồng tạm thời.
87% cán bộ khoa học Đức làm việc theo hợp đồng tạm thời.

Họ bày tỏ sự phản đối của mình trên các trang mạng xã hội.

12 năm - Điều gì ẩn sau con số

Trong những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, các nhà khoa học Đức nói về công việc và kinh nghiệm sống của mình tích lũy được trong quá trình làm việc tại các trường đại học và viện nghiên cứu.

Hợp đồng tạm thời, thường xuyên thay đổi chỗ ở, và kết quả sau 12 năm làm việc theo các điều khoản của hợp đồng lao động tạm thời là bị sa thải. Pháp luật Đức cấm giữ cán bộ làm việc theo hợp đồng tạm thời trong các trường đại học và viện nghiên cứu lâu hơn 12 năm.

Đây là một thực tế. Các hợp đồng lao động dài hạn trong lĩnh vực khoa học là rất hiếm. Theo thông tin của Cục Thống kê Liên bang, năm 2019 (đây là số liệu mới nhất về vấn đề này), ở Đức, có 87% số cán bộ khoa học làm việc theo hợp đồng tạm thời. Vậy tình hình này diễn ra như thế nào?

So với các quốc gia khác, Đức đầu tư rất lớn cho các trường đại học. Năm 2019, số tiền này lên tới 19 tỷ euro. Ngân sách dành cho các công trình nghiên cứu và triển khai của Liên bang Đức thuộc loại lớn thứ tư trên thế giới.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực khoa học? Hóa ra, nguyên nhân này nằm trong luật, thời gian có hiệu lực của hợp đồng lao động dành cho đội ngũ cán bộ khoa học (Wissenschaftszeitvertragsgesetz), được thông qua vào năm 2007 và điều chỉnh các quan hệ lao động trong lĩnh vực này.

Chính đạo luật này đã quy định thời hạn làm việc tối đa theo hợp đồng tạm thời của đội ngũ cán bộ khoa học trong các trường đại học Đức.

Theo luật này, trong tổng số 12 năm, cụ thể là 6 năm trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ và 6 năm sau khi bảo vệ, cán bộ khoa học được phép làm việc theo hợp đồng tạm thời tại một trường đại học hoặc một cơ quan khoa học nào đó ở Đức.

Sau thời hạn này, nếu nhà tuyển dụng lao động không mời tiếp tục làm việc, bạn sẽ bị sa thải. Hơn nữa, đây là một nét đặc thù của nước Đức. Ở các quốc gia khác, nhà nghiên cứu có thể làm việc suốt đời theo hợp đồng khoa học tạm thời tại một địa điểm.

Ban đầu, Luật ký kết hợp đồng và thời gian có hiệu lực của hợp đồng lao động dành cho đội ngũ cán bộ khoa học nhằm mục đích chấm dứt các hợp đồng tạm thời trong khoa học và khuyến khích người sử dụng lao động ký dài hạn với những cán bộ khoa học đã làm việc lâu năm.

Nhưng trên thực tế, điều này gây trở ngại cho các nhà khoa học. Nhà nghiên cứu văn học Kristin Eichhorn ở Đại học Paderborn nói, việc thông qua đạo luật này đã dẫn đến một thực tế là nhà tuyển dụng lao động không ký hợp đồng lao động dài hạn với những cán bộ đã làm việc 12 năm theo hợp đồng lao động tạm thời ở một trường đại học hoặc tổ chức khoa học của Đức, mà đơn giản là sa thải họ.

Cơ hội duy nhất

Sau 12 năm làm việc theo hợp đồng tạm thời, nếu không được ký hợp đồng lâu dài, nhà khoa học phải rời trường đại học.

Sau 12 năm làm việc theo hợp đồng tạm thời, nếu không được ký hợp đồng lâu dài, nhà khoa học phải rời trường đại học.

Christine Eichhorn, một cán bộ khoa học khác nói, phương án duy nhất hứa hẹn triển vọng ký kết hợp đồng lao động dài hạn trong khoa học là phấn đấu trở thành giáo sư. Tuy nhiên, cơ hội ở đây là rất nhỏ.

Số lượng ứng cử viên/một vị trí tuyển dụng như vậy trong một số trường hợp lên tới 200/1. Trong số những người may mắn có Klaus Reinhardt, Giáo sư Khoa Động vật học ứng dụng tại Đại học Kỹ thuật Dresden.

Trước khi đảm nhận vị trí này, suốt cả năm Reinhardt sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp, và triển vọng của ông trong khoa học hết sức mờ mịt. Reinhardt đã giành chiến thắng trong một cuộc thi tuyển.

Mặc dù, như chính ông thừa nhận, trường hợp một người thất nghiệp trở thành giáo sư là rất hiếm: Thông thường ở Đức, các nhà khoa học không làm việc theo chuyên môn trên một năm thì con đường vào khoa học coi như đã bị khóa.

Tuy nhiên, quá trình phấn đấu từ một phó giáo sư lên giáo sư bình thường khá khó khăn. Ở Đức có rất nhiều dự án mà nguồn tài trợ được gắn với thời hạn cụ thể. Và phần lớn kinh phí được dành để tạo việc làm cho các nhà khoa học trẻ.

Họ nhận được hợp đồng, nhưng không phải vô thời hạn. Cả nước có khoảng 26.000 suất giáo sư, trong khi hiện nay có khoảng 200.000 ứng cử viên cho chức danh này.

Thực tế cho thấy rằng, các trường đại học Đức đang đào tạo quá nhiều nhà khoa học trẻ không có cơ hội trở thành giáo sư. Đây không phải là lỗi của trường đại học, mà là vấn đề về cơ cấu. Nhiều người bỏ nước ra đi, nhiều người chuyển sang các chức vụ hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức, trong năm 2019, có hơn 400 nghìn cán bộ khoa học làm việc tại các trường đại học của Đức. Khoảng 180 nghìn người trong số họ đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ.

Là một người tích cực phản đối hệ thống hợp đồng tạm thời hiện hành trong khoa học, Klaus Reinhardt cho rằng, hợp đồng tạm thời ở đây không phải là vấn đề quan trọng. Bởi vì không phải ai cũng muốn tiếp tục làm khoa học sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ.

Điều này được xác nhận bởi một báo cáo mới nhất của Liên bang về các nhà khoa học trẻ, được công bố vào năm 2021 (Bundesbericht Wissenschaftlicher Nachwuchs 2021).

Theo đó, khoảng 50% số chuyên gia có học vị khoa học đã rời khỏi các trường đại học trong năm đầu tiên sau khi bảo vệ luận án. Hơn nữa, cơ hội của họ trên thị trường lao động rất cao. Trong vòng 10 năm sau khi nhận học vị khoa học, tỷ lệ thất nghiệp của các nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đức chỉ chiếm từ 1 đến 2%.

Cơ cấu tài chính

Bà Christine Eichhorn cũng nhìn nhận vấn đề cơ bản nằm trong cơ cấu tài chính của các trường đại học Đức. Ở Đức, trường nào không thu học phí, thì tiền của nhà nước hay nói đúng hơn của các bang, trực tiếp chảy vào đấy.

Eichhorn cho biết, khoản tài trợ cơ bản này chỉ trang trải 50% ngân sách. Phần còn lại được huy động thông qua các nguồn bên ngoài, tập trung vào một dự án khoa học nào đó.

Một trong những nguồn tiềm năng là Hội Nghiên cứu Khoa học Đức tồn tại bằng tiền đóng thuế (Deutsche Forschungsgemeinschaft, DFG), vốn là nhà tài trợ bên ngoài lớn nhất ở Đức. Thông thường, các nhà khoa học trực tiếp tham gia dự án phải làm đơn xin tài trợ lương cho mình ở bên ngoài.

Trong trường hợp đó, bạn không được nói mình đang làm việc theo hợp đồng dài hạn. Hơn nữa, nếu tài trợ đã hết, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành, thì các nhà khoa học thường không được tiếp tục làm việc, mà hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo DW.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ