Giáo dục Đức: Chưa thể hiện đại hóa trường phổ thông

GD&TĐ - Bà Verena Pausder là nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ cao ở Đức. Năm 2018, bà lọt vào danh sách “Những người phụ nữ quyền lực nhất trong lĩnh vực công nghệ ở châu Âu” của tạp chí Forbes.

Bà Verena Pausder.
Bà Verena Pausder.

Trong đại dịch Covid-19, bà trở thành người khởi xướng nhiều sáng kiến ​​trong lĩnh vực giáo dục. Sau đây là bài trả lời phỏng vấn của bà về giáo dục phổ thông Đức và công nghệ hiện đại được đăng tải trên trang DW.com.

-  Xin bà cho biết, các trường phổ thông Đức được trang bị công nghệ hiện đại như thế nào?

- Không tốt lắm, mặc dù 16 tháng nay chúng tôi có gói kỹ thuật số “Nhà trường” (Digitalpakt Schule). Gói này dự định chi 5 tỷ euro cho quá trình số hóa trường học. Nhưng cho đến nay, nó được sử dụng rất ít. Ước tính, hiện trong số 5 tỷ euro, chỉ 400 triệu được giải ngân. Trước dịch Covid-19, con số này thậm chí còn thấp hơn, 140 triệu euro (chưa đến 3%). Nghĩa là, quá trình này diễn ra rất chậm. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nhưng nếu bạn bắt đầu công việc bây giờ, thì tất nhiên, các khoản đầu tư sẽ xuất hiện sau 6 tháng nữa. Vì vậy hiện nay chúng tôi phải chấp nhận những gì vốn có.

- Tại sao các trường phổ thông hành động chậm chạp như vậy?

- Một trong những lý do là quá nhiều thủ tục quan liêu. GV phải chuẩn bị bản thuyết minh, mà ở trường phổ thông đôi khi đơn giản là không có người am hiểu vấn đề này. Bởi vì không những phải viết ra, bạn cần phần mềm nào mà còn sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho các mục đích giáo dục và phương pháp ra sao. Nhà trường gửi bản thuyết minh của mình tới đơn vị chịu trách nhiệm về vấn đề này, từ đó nó được chuyển lên cấp bang. Nhưng điều này chỉ xảy ra khi đơn vị này thu thập đủ bản thuyết mình của tất cả các trường trực thuộc.

Lý do thứ hai là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa nhận thức được vấn đề này cần được giải quyết khẩn trương. Ở Đức, có nhiều ý kiến cho rằng trẻ em dành quá nhiều thời gian cho máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh nên không cần phải trang bị các thiết bị công nghệ cho nhà trường nữa. Nhưng ở đây chúng ta đang đánh tráo khái niệm. Sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở nhà là một chuyện, còn việc dạy học kỹ thuật số ở trường là chuyện khác.

- Nếu so sánh trên phạm vi quốc tế, hiện nay các trường phổ thông Đức chiếm vị trí nào về công nghệ hiện đại?

- Đức chắc chắn không nằm trong tốp 10 lẫn những vị trí cao của một bảng xếp hạng như vậy. Nếu nhìn vào Phần Lan, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Anh, bạn sẽ thấy họ được trang bị kỹ thuật tốt như thế nào, GV của họ được đào tạo rất bài bản... Estonia là một nước nhỏ, nhưng họ đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng ở khắp mọi nơi. Họ dành 7% GDP cho giáo dục, còn chúng ta chỉ có 4%. Kết luận rõ ràng: Đức không phải là một quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực này.

- Năm tỷ euro nhiều hay ít?

- Nếu ta lấy 5 tỷ euro chia cho 43.000 trường phổ thông ở Đức, mỗi trường sẽ nhận được 125.000 euro (khoảng 3,4 tỷ đồng). Với số tiền này không đủ để mua thiết bị, nên chưa thể hiện đại hóa nhà trường phổ thông. Bất kỳ phần mềm nào cũng phải được bảo trì, đây cũng là một khoản chi phí. Vì vậy các bang chắc chắn phải tham gia tài trợ. Một số bậc phụ huynh đã sẵn sàng tham gia tài trợ để tất cả trẻ em được tiếp cận công nghệ.

- Nhiều cuộc khảo sát và thăm dò dư luận cho thấy GV đôi khi không sẵn sàng áp dụng công nghệ hiện đại. Phải chăng đây là vấn đề yếu tố con người?

- Đây là phản ứng bình thường của con người: Trước tiên cần phải giải thích cho mọi người, khích lệ họ bằng ý tưởng mới, làm rõ tính ưu việt của việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong quá trình dạy học. Ở đây, tôi cảm thấy, chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Nhưng đó mới chỉ là những trường hợp đơn lẻ, một số trường riêng biệt, chứ chưa phải là một hiện tượng mang tính chất quy mô lớn. Vì vậy nhiều GV không hiểu tại sao phải thay đổi phương pháp dạy học mà họ đã áp dụng hàng chục năm nay.

Học sinh tiểu học Đức.
Học sinh tiểu học Đức.

- Nhìn chung, bà đánh giá quan điểm của GV Đức như thế nào? 

- GV không có gì đáng bị chê trách. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy trong thời kỳ đại dịch, đội ngũ GV tỏ ra cởi mở hơn nhiều đối với công nghệ mới so với trước đây. Mỗi GV đều cố gắng tìm ra những giải pháp tối ưu cho trường của mình.

- Theo bà, công nghệ kỹ thuật số nói chung nên được áp dụng sâu đến mức nào? Bởi vì điều này liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Ở Đức nói chung, hầu hết không ai muốn phô trương con mình trước mắt thiên hạ, so sánh thành tích của chúng với người khác. Chúng tôi rất chú ý đến cuộc sống riêng tư, dữ liệu cá nhân. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không làm gì, vì không tìm ra giải pháp. Ví dụ: Nếu chúng ta không muốn sử dụng Microsoft Teams, vì nó là sản phẩm của tập đoàn lớn của Mỹ, thì chúng ta phải tìm một giải pháp của châu Âu hoặc Đức. Cùng với Viện Hasso Plattner, chúng tôi đã xây dựng được một giải pháp, nhưng cần sự tài trợ của các bang. Lúc bấy giờ, các bang nói rằng họ không muốn sử dụng nó và tốt nhất là họ tự xây dựng giải pháp của mình. Điều này gây trở ngại lớn cho công việc chung.

- Là người ủng hộ việc số hóa trường học, theo bà, liều lượng công nghệ số nào có thể được coi là hữu ích đối với một đứa trẻ?

- Trước hết, phải phân biệt thiết bị ở nhà và công nghệ trong dạy học. Trò chơi điện tử, điện thoại thông minh, máy ghi âm - tất cả những hình thức giải trí ở nhà này cần được hạn chế. Là người lớn chúng ta biết rất rõ, nếu thường xuyên đắm chìm vào thế giới ảo thì sẽ còn lại rất ít thời gian để giao tiếp thực tế. Chúng ta không nên lẫn lộn việc sử dụng công nghệ ở nhà trường với việc sử dụng trong điều kiện gia đình. 

- Theo bà, số hóa sẽ là tiêu chí “thành tích” chính của các trường phổ thông trong tương lai?

- Một điều rất quan trọng là không được đặt số hóa lên hàng đầu. Không nên nói một tiết học không áp dụng công nghệ số là một tiết học tồi. Bởi nhà trường còn cung cấp các năng lực xã hội: Giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa, tranh luận, sinh hoạt tập thể, diễn kịch... Kỹ thuật không được xóa sổ các giờ học cổ điển, nhưng trong thế kỷ XXI, như bất kỳ tổ chức nào, nhà trường phải được trang bị kỹ thuật tốt, và HS phải có kỹ năng sử dụng công nghệ vi tính.

Theo DW.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ