Dưới đây là những đặc điểm trong hệ thống giáo dục Đức.
1. 5 mô hình trường trung học
Khác với nhiều quốc gia chỉ có một hệ thống trường trung học, Đức có 5 mô hình trường trung học với tính chất, chất lượng học sinh và cả số năm học khác nhau.
Gymnasium (trường chuyên) dành cho học sinh có trình độ cao. Học sinh sẽ học từ lớp 5 đến lớp 12 hoặc lớp 13 tuỳ bang. Trường Gymnasium chú trọng các môn như Ngoại ngữ, Toán, Lý, Hóa, phù hợp với học sinh có dự định nghiên cứu chuyên sâu.
Tốt nghiệp Gymnasium, học sinh sẽ nhận bằng tú tài (Abitur), là tấm vé để bước vào đại học.
Realschule
Realschule phù hợp với những học sinh học lực khá. Trường đào tạo từ lớp 5 đến lớp 10. Mô hình Realschule phổ biến hơn Gymnasium và hơn 40% học sinh Đức theo học. Ở đây, học sinh được trang bị kiến thức Toán, Văn, Anh cũng như các môn kỹ năng mềm như tin học, thuyết trình...
Bằng tốt nghiệp Realschule được gọi là Realschulabschluss. Với tấm bằng này, học sinh có thể đăng ký học nghề (Ausbidung). Trong quá trình học, nếu học sinh có thành tích vượt trội có thể chuyển sang học trường Gymnasium để vào đại học.
Hauptschule
Hauptschule dành cho học sinh có học lực trung bình hoặc yếu. Thời gian học tại Hauptschule là 4 năm, từ lớp 5 đến lớp 9. Ở đây, học sinh được học các môn như Gymnasium và Realschule nhưng tốc độ chậm hơn, lượng kiến thức ít hơn.
Học sinh tại Hauptschule sau khi tốt nghiệp thường lựa chọn học nghề (Lehren). Học sinh sẽ học nghề bán thời gian, sáng đi học, chiều thực tập tại nhà máy, công xưởng đến năm 18 tuổi.
Trong quá trình học, nếu cảm thấy chương trình dưới khả năng, học sinh có thể chuyển sang trường Realschule hoặc Gymnasium.
Mittelschule
Đây là mô hình kết hợp của Hauptschule và Realschule và không quá phổ biến ở Đức.
Gesamtschule
Gesamtschule kết hợp các đặc điểm của Gymnasium, Hauptschule và Realschule. Thực tế, Gesamtschule tương tự mô hình trường trung học tại Mỹ. Học sinh sẽ theo học từ 8-9 năm.
2. Hệ thống giáo dục phân tầng
Khái niệm phân tầng trong giáo dục là điểm đặc trưng của hệ thống giáo dục Đức. Về cơ bản, trường trung học tại Đức chia ra làm ba mô hình: Gymnasium, Realschule và Hauptschule.
Từ năm 10 tuổi, học sinh đã phải lựa chọn vào một trong ba nhóm trường này và kết quả đó sẽ ảnh hưởng đến quyết định học đại học, tương lai nghề nghiệp của các em. Vì trẻ em 10 tuổi chưa thể đưa ra quyết định hợp lý nên phụ huynh và giáo viên sẽ giúp đưa ra quyết định.
Theo đó, Gymnasium là cánh cửa duy nhất để vào đại học. Realschule định hướng học sinh đến những nghề nghiệp cơ bản như nhân viên bán hàng, y tá, thư ký. Trong khi đó, Hauptschule giúp học sinh tiến tới lĩnh vực thương mại và công nghiệp.
3. Giáo dục tại nhà là bất hợp pháp
Người Đức coi giáo dục là thành phần quan trọng của cấu trúc xã hội. Vì vậy, theo luật của quốc gia này, học sinh từ 6 đến 15 tuổi phải đến trường.
Một ngày học tại Đức diễn ra từ 4 đến 5 giờ (bắt đầu từ 7h30 sáng và kết thúc vào 1h30 chiều) nên thời gian còn lại, phụ huynh có thể dạy trẻ tại nhà nếu muốn.
4. Trường học riêng dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Trong khi các trường học trên thế giới đang hướng đến mô hình giáo dục hòa nhập thì Đức vẫn giữ vững quan điểm về mô hình trường học riêng dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
Tại Đức, có hai mô hình trường dành cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt là Förderschulen và Sonderschulen. Chính sách này đang gây khó khăn cho những trẻ em có nhu cầu đặc biệt tại Đức trong việc hòa nhập với xã hội khi trưởng thành.
5. Áp dụng lịch học đại học vào trung học
Lịch học của học sinh phổ thông tại Đức giống với lịch học của sinh viên với sáng học văn hóa, chiều tham gia hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Đức bắt đầu học từ 7h30 và kết thúc vào 1h30 chiều. Thời khóa biểu buổi sáng tại trường học Đức bao gồm các môn học phổ thông như Toán, Lịch sử, Giải tích... Mỗi môn học kéo dài 45 hoặc 90 phút với những môn học 2 tiết. Giữa các tiết, học sinh có 5 phút nghỉ giải lao và 2 lần nghỉ kéo dài 20 phút mỗi ngày.
Theo quy định, các lớp học sẽ kết thúc trước giờ ăn trưa và ở trường không có nhà ăn. Buổi chiều, học sinh Đức được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa như hội thảo, điền kinh, câu lạc bộ...
Khuôn viên trường Goethe Gymnasium tại thành phố Schwerin, Đức. Ảnh: Goethe Gymnasium. |
6. Không xe đưa đón, không giáo viên thay thế
Trong khi xe đưa đón học sinh đã trở thành phương tiện phổ biến ở nhiều nước, chúng rất hiếm gặp ở Đức. Phụ huynh muốn học sinh độc lập từ nhỏ nên các em thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi bộ đến trường.
Xe đưa đón chỉ giúp học sinh di chuyển từ khu vực nông thôn đến trường tại thành phố.
Ngoài ra, nếu giáo viên vắng mặt, nhà trường sẽ không điều giáo viên thay thế mà cho phép lớp học được nghỉ.
7. Sử dụng thang điểm 6
Thang điểm ở Đức tương tự Mỹ nhưng thay vì dùng các chữ cái, họ dùng chữ số. Điều quan trọng với học sinh là đạt điểm đủ yêu cầu, nếu nhận điểm không đạt yêu cầu ở hai môn học trở lên trong một năm, các em sẽ bị lưu ban. Thang điểm ở Đức được tính như sau:
1-1.5: Rất tốt (Sehr Gut)
1.51-2.5: Tốt (Gut)
2.51-3.5: Hài lòng (Befriedigend)
3.51-4.0: Đạt yêu cầu (Ausreichend)
4.01-6.0: Không đạt yêu cầu (Nicht Ausreichend)
Riêng hệ thống trường Gymnasium sử dụng thang điểm từ 0-15, trong đó 15 là điểm cao nhất.
8. Miễn học phí đại học
Ở Đức, giáo dục được coi là một trong những yếu tố quan trọng cho việc phát triển đất nước. Vì vậy, sinh viên học đại học sẽ không phải trả tiền học phí, chỉ trả tiền sách giáo khoa, nhà ở hoặc sinh hoạt nếu đi học xa nhà.
Sinh viên quốc tế cũng có cơ hội học đại học miễn phí hoặc với chi phí rất thấp tại Đức.
Theo Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, không mất tiền học phí, sinh viên quốc tế học tập tại quốc gia này thường chi khoảng 800 USD (khoảng 18 triệu đồng) mỗi tháng, bao gồm: 334 USD tiền thuê nhà, 205 USD tiền thực phẩm, 52 USD tiền quần áo, 115 USD tiền giao thông, 38 USD tiền điện thoại, Internet, 25 USD tiền tài liệu học tập và 75 USD tiền giải trí.
9. Chương trình giáo dục bổ sung cho học sinh quốc tế
Đức hiện là một trong những quốc gia có nhiều sinh viên quốc tế nhất thế giới. Học sinh từ các quốc gia phải vượt qua kỳ thi tiếng Đức để vào trường học phù hợp.
Ngoài ra, trẻ em không phải người Đức sẽ được trường học cung cấp chương trình dạy ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc văn hóa quê hương.
10. Lựa chọn hấp dẫn nhất trong mắt sinh viên quốc tế
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Study.EU năm 2018, Đức là quốc gia hấp dẫn nhất đối với sinh viên nước ngoài. Bảng xếp hạng dựa trên ba tiêu chí: chất lượng giáo dục, học phí và điều kiện sống, bao gồm định hướng nghề nghiệp.
Gerrit Blöss, Giám đốc điều hành Study.EU cho biết hiện nay Đức cung cấp ngày càng nhiều chương trình học bằng tiếng Anh và có thể cạnh tranh về chất lượng giáo dục với Hà Lan và Vương quốc Anh. Trong đó, việc miễn học phí đại học là lợi thế đặc biệt của quốc gia này.
Lý do bởi Đức là thành viên của Liên minh châu Âu, nhiều sinh viên trong nước lựa chọn đi học ở các quốc gia khác trong EU thay vì học tại quê nhà. Vì thế, Đức phải làm hết sức mình để thu hút nhiều ứng viên quốc tế.