Nỗi lo 'cơm áo gạo tiền'...

GD&TĐ - Trung bình số người thôi việc mỗi năm là 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Việc 4 bác sĩ của Bệnh viện TP Thủ Đức, TPHCM “lén” đi làm thêm tại phòng khám tư nhân tại Tiền Giang nhưng không báo cáo, xin phép cơ quan quản lý trực tiếp - thêm một lần nữa cảnh báo về tình trạng bỏ việc, thôi việc tại các cơ quan Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế.

Thông tin cụ thể về việc này, đại diện Bệnh viện Thủ Đức cho biết, có bác sĩ làm 3 ngày/tuần, có người 1 - 2 ngày/tuần. Về việc bác sĩ làm bên ngoài đến 3 ngày/tuần, vị đại diện này cho rằng, có thể bác sĩ đã sử dụng 2 ngày cuối tuần và 1 ngày ra trực để đi làm thêm...

Các bác sĩ lấy lý do lương thấp, khó khăn về kinh tế, lo lắng cho gia đình dẫn đến sự việc trên nhưng việc lấy giờ công làm thêm ở phòng khám tư, không báo cáo là sai...

Bệnh viện sẽ chấn chỉnh, nhắc nhở để không tái diễn tình trạng trên. Phòng Tổ chức cán bộ, các trưởng phó khoa sẽ chịu trách nhiệm việc tuân thủ giờ giấc của nhân viên.

Ở góc nhìn rộng hơn, tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau khi có thông tin nhiều cán bộ, công chức thôi việc, đơn vị đã đề nghị các bộ ngành, địa phương báo cáo.

Kết quả, có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức thôi việc. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương là 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm là 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó, thị trường lao động có sự liên thông giữa khu vực công và tư. Khi các đơn vị sự nghiệp tự chủ, viên chức được ký hợp đồng làm việc đã tạo ra sự dịch chuyển ra vào thường xuyên ở các đơn vị sự nghiệp công, nhất là y tế, giáo dục.

Thế nhưng nguyên nhân chính theo ông Thăng là bởi dù đã có nhiều chính sách cải cách tiền lương nhưng vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Việc thu hút đội ngũ chuyên gia cũng chưa được làm tốt, nên nhiều người có kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi đã lựa chọn ra khu vực tư với chính sách tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế khiến khối lượng công việc tăng thêm, tạo thêm áp lực cho những người làm khu vực công. Môi trường, điều kiện làm việc ở một số nơi chưa thực sự giúp cán bộ, công chức phát huy được năng lực...

Những lý do này là hoàn toàn xác đáng. Và theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng thì Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội xem xét tăng lương cho cán bộ, công chức khu vực công.

Tuy nhiên, từ nay đến khi việc tăng lương được thực hiện, những “trải lòng” của vị đại diện Bệnh viện Thủ Đức rất đáng để suy ngẫm: Thu nhập của nhân viên y tế các bệnh viện công lập hiện nay rất thấp.

Bệnh viện gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong khi đó, bác sĩ vẫn phải lo lắng cho gia đình, con cái, “cơm áo gạo tiền” bủa vây. Họ từ TPHCM đến tận Tiền Giang đi làm cũng cực lắm chứ không sung sướng gì.

Giả sử bệnh viện có thêm khu khám chất lượng cao, khu dịch vụ… để tăng thu nhập chính đáng cho anh em là tốt nhất. Nhưng hiện nay, rất bí, rất khó, chưa làm được...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ