Xoay xở mưu sinh sau dịch Covid-19
Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động du lịch bị “tê liệt”. Bởi thế, việc mưu sinh của những thợ chụp ảnh trên chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trời đã bắt đầu tối, thế nhưng ông Huỳnh Ngọc Lĩnh (51 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cùng các thợ chụp ảnh tại chùa Linh Ứng – bán đảo Sơn Trà vẫn cố gắng ở lại sân chùa lâu hơn. Họ hy vọng được chụp thêm vài tấm ảnh cho du khách để kiếm chút kinh phí.
“Ở nhà suốt mấy tháng dịch, biết rằng trên chùa Linh Ứng thời điểm này chỉ có người dân địa phương, chưa có du khách nhưng chúng tôi vẫn lên đây vào sáng sớm và ra về vào tối muộn mong kiếm được đồng ra đồng vào. Mỗi ngày chỉ chụp được 1 - 2 tấm ảnh, kiếm đủ tiền đổ xăng…”, ông Lĩnh tâm sự.
Đẩy chiếc xe bán hàng rong qua những con phố để mưu sinh, bà Nguyễn Thị Lào (trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch, bà vừa trở lại buôn bán được vài ba hôm. Nhưng lượng người mua vẫn ít so với thời gian trước dịch.
“Nhà tôi có 4 người nhưng do dịch nên tất cả đều nghỉ làm. Hai đứa con tôi làm dịch vụ chưa biết ngày nào mới có thể đi làm trở lại. Buôn bán giờ rất ít khách nhưng tôi cũng phải cố gắng để kiếm ra tiền”, bà Lào than thở.
Do ảnh hưởng của dịch, nhiều người phải là lao động tự do, xoay nghề, xoay đủ nghề để “thích ứng”. Chị Lê Thị Ly (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) trước đây làm nhân viên lễ tân tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp. Nhưng nay phải ở nhà để phụ gia đình bán tạp hóa.
“Đà Nẵng chịu ảnh hưởng 2 lần của dịch, đợt dịch đầu công việc còn chưa phục hồi thì thêm đợt dịch này nữa. Ngành dịch vụ như chúng tôi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi quyết định nghỉ để làm việc khác phù hợp hơn. Hy vọng mọi thứ sẽ sớm trở lại như bình thường để người lao động còn mưu sinh”, chị Ly nói.
Cũng trong thời điểm này, nhiều loại hình kinh doanh, buôn bán cũng bị ảnh hưởng. Dù đã được phép mở cửa hoạt động trở lại tuy nhiên các tiểu thương trên địa bàn lại “rầu rĩ” khi buôn bán ế ẩm.
190.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2020 của Cục Thống kê TP Đà Nẵng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động. Tính đến giữa tháng 9/2020, đã có hơn 190 nghìn lao động, trong đó hơn 20.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. 70.120 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. 99.280 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Tính đến giữa tháng 9, toàn thành phố có khoảng 22.234 người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 20.937 người, với số tiền hơn 332.007 triệu đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Toàn thành phố có trên 33.300 đối tượng thụ hưởng, với kinh phí 140 tỷ đồng/năm...
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, thành phố đã rà soát, lập danh sách thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng được hỗ trợ theo quy định. Rà soát báo cáo tình hình hộ gia đình đang gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chủ động nguồn lực, trong đó có ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các gia đình. Đảm bảo không có hộ dân nào thiếu đói.
Về thực hiện gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, tính đến ngày 16/9, phải thực hiện hỗ trợ cho 96.389 người, với kinh phí 70.514,5 triệu đồng.
Riêng người lao động, hiện đang trong quá trình thực hiện kê khai hỗ trợ đợt 2 với số đối tượng phải chi trả là 93.617 người, tổng kinh phí 67.214,5 triệu đồng. Hiện nay, đã chi trả được 30.261 người với số tiền là 26.100 triệu đồng. Số lượng còn lại các quận, huyện phối hợp với Bưu điện đang tiến hành chi trả...
“Tổng cộng 2 đợt hỗ trợ chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã hỗ trợ hơn 205,3 tỉ đồng. Thành phố hiện đang tiếp tục làm thủ tục chi hỗ trợ cho người lao động (sau khi mở rộng thêm đối tượng và điều kiện được hưởng thì dự kiến số lượng người lao động được hỗ trợ đợt 2 sẽ tăng nhiều so với đợt 1”, báo cáo ghi rõ.