Hoàn thiện quy trình phối hợp đổi mới quản trị nhà trường

GD&TĐ - Nghị định 142/2025/NĐ-CP về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đã giao sở GD&ĐT quản lý nhân sự của Hội đồng trường phổ thông.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Đây được xem là bước đi đáng chú ý trong tiến trình đổi mới quản trị nhà trường, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý nhân sự toàn ngành. Trước đó, sở GD&ĐT là cơ quan được giao chịu trách nhiệm về bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ trong ngành, nên việc tổ chức nhân sự trong Hội đồng nhà trường thuộc quyền của sở được đánh giá hợp lý, đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, thành viên Hội đồng trường phổ thông không chỉ có những người trong ngành Giáo dục, mà còn có cả người ngoài nhà trường. Trong số đó, đại diện chính quyền địa phương là thành phần quan trọng.

Thời gian qua, ở các trường phổ thông, đại diện của địa phương tham gia Hội đồng trường khá đa dạng, như trưởng, phó các ban có liên quan đến giáo dục của UBND quận/huyện (phòng Nội vụ, GD&ĐT, Thanh tra, Tài chính, Xây dựng), Phó Chủ tịch phường/xã…

Đặc biệt, nếu thành viên Hội đồng trường là Phó Chủ tịch phường/xã thường hoạt động hiệu quả, vì vị này nắm khá rõ tình hình địa bàn, sát sao trong công tác chỉ đạo và phối hợp, kết nối giữa nhà trường với địa phương.

“Mặc dù, họ chỉ là thành viên nhưng về phía chính quyền họ là Phó Chủ tịch UBND phường/xã. Kể cả việc triển khai, đôn đốc và khi hiệu trưởng thực hiện nghị quyết có khó khăn gì cũng nhận được sự giúp đỡ, vì thế hoạt động giáo dục của nhà trường thuận lợi hơn”, một hiệu trưởng chia sẻ.

Dù Nghị định 142/2025/NĐ-CP có quy định sở GD&ĐT có trách nhiệm ủy quyền cho UBND cấp xã thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục, thế nhưng, nhiều người băn khoăn liệu sở có quyền ra quyết định chỉ đạo đối với cán bộ không thuộc ngành Giáo dục như cán bộ xã để bổ sung thành viên Hội đồng trường phổ thông hay không?

Đặc biệt hiện nay trong bối cảnh vừa sáp nhập tỉnh, khối lượng công việc tăng lên, liệu các sở GD&ĐT với số lượng nhân sự hạn chế, ở xa cơ sở có thể sâu sát được nhân sự thành viên Hội đồng trường là người ngoài nhà trường ở mỗi đơn vị hay không? Công tác nhân sự Hội đồng trường thay đổi khá thường xuyên, cần giải quyết kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động quản trị, vậy sở có kịp thời chỉ đạo và phê duyệt khi số lượng trường quản lý là rất lớn?

Những băn khoăn trên từ cơ sở là điều dễ hiểu. Bởi với việc tạo ra môi trường quản lý đa nguyên và tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc xây dựng, phát triển nhà trường, Hội đồng trường có chức năng quan trọng trong việc định hướng sự phát triển của tổ chức.

Việc lựa chọn và phê chuẩn thành viên Hội đồng trường bên ngoài nhà trường, nhất là đại diện địa phương, đúng người, kịp thời là yêu cầu bắt buộc. Nếu thành viên đại diện địa phương tham gia vào Hội đồng trường mà chỉ ngồi cho đủ thành phần, thì hoạt động của Hội đồng trường sẽ khó hiệu quả, khó kết nối tốt được với địa phương.

Để Hội đồng trường phổ thông thực sự là cơ quan cao nhất, giúp nhà trường phát triển, các thành viên tham gia phải bảo đảm chất lượng, trong đó, thành viên ngoài nhà trường, nhất là đại diện địa phương phải là những người mang được sức sống từ bên ngoài vào trong trường.

Vì thế, song song với phát triển thêm các công cụ hành chính công để việc thực hiện các thủ tục phê duyệt được thuận tiện, hiệu quả hơn, cần tính đến việc hoàn thiện các quy trình phối hợp, đặc biệt giữa sở GD&ĐT với chính quyền cấp xã, trường học, để đảm bảo lựa chọn được nhân sự tốt nhất và kịp thời nhất cho công tác quản trị nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ