Giáo viên không thể vừa dạy học, vừa lo “cơm, áo, gạo, tiền”

GD&TĐ - Thu nhập không tương xứng, áp lực công việc nhiều đó là những gì đang hiện hữu đối với các giáo viên. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo rất cần được quan tâm, tạo điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Và quan tâm bằng những chế độ, chính sách chính là sự quan tâm bền vững nhất.

Giờ học theo mô hình VNEN
Giờ học theo mô hình VNEN

Giáo viên cần có thu nhập tương xứng

Hơn 23 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Trịnh Hoài Thu – Trường Tiểu học số 2 Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) đã dạy biết bao thế hệ học trò khôn lớn, nhiều người đã thành đạt trong cuộc sống, trở lại đóng góp cho quê hương. Vì vậy, dịp 20/11 cô luôn nhận được những lời chúc, những món quà ý nghĩa của học trò cũ. Chia sẻ về thu nhập của mình, cô Thu nhẩm tính: Tất cả các khoản từ lương cho đến phụ cấp… tổng thu nhập được khoảng 9 triệu/tháng. “Cũng may mà ở vùng nông thôn, mọi chi tiêu, sinh hoạt cũng đỡ phần nào, nếu ở thành thị thì với thu nhập này sẽ khó trang trải cho cuộc sống” – cô Trịnh Hoài Thu ngập ngừng nói.

 

Cần tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho các thầy, cô giáo bằng những chế độ, chính sách bền vững. Thu nhập ổn định sẽ giúp họ yên tâm công tác. Không thể để giáo viên vừa dạy học, vừa phải lo “cơm - áo - gạo - tiền”.

 
Đại biểu Lê Tuấn Tứ

Theo cô Thu, nếu nhà có 2 đứa con học đại học ở Hà Nội, cộng với các loại phí sinh hoạt hàng ngày thì với mức lương chưa đầy 10 triệu/tháng sẽ rất vất vả để cân đối chi tiêu. Vì thế cô Thu mong muốn chế độ tiền lương của nhà giáo sẽ được cải thiện để nhà giáo yên tâm công tác, tiếp tục bám trường, bám lớp.

Tại Trường Mầm non Minh Trí A (Sóc Sơn, Hà Nội), theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Thắng, hiện tại mức lương của giáo viên tương đối ổn định. Cô Thắng cho biết, ở trường cô người có thâm niên nhất thì có thu nhập hơn 9 triệu/tháng và người có thu nhập thấp nhất khoảng 4 triệu/tháng. Đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non có tính chất đặc thù nên rất cần được quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo bằng chính những chế độ, chính sách có tính chất bền vững.

Liên quan đến chính sách tiền lương của giáo viên, GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã nhiều lần có ý kiến. GS chia sẻ: Hiện nay, so với các ngành nghề khác, đội ngũ giáo viên có thu nhập thấp hơn rất nhiều, trong khi giáo viên chính là lực lượng lao động đặc biệt. Sản phẩm của họ không phải là làm ra vật chất, doanh thu mà họ đào tạo ra các thế hệ tương lai của đất nước. Thế hệ này sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Vì thế, chúng ta không nên để giáo viên chật vật lo toan quá nhiều cho cuộc sống chỉ vì đồng lương ít ỏi. Giáo viên cần có thu nhập tương xứng, chí ít cũng có thể “sống được” bằng nghề, không phải bươn chải làm nhiều nghề khác nhau để lo toan cho cuộc sống. Có như vậy, họ mới có thời gian để toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp giáo dục” – GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

Lấy ví dụ từ thực tế, GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết, một giáo viên mầm non học xong đại học, ra trường xin vào dạy ở một trường công lập nhưng lương cũng chỉ được hưởng theo hệ số 1,86. Tức là tiền lương cô giáo ấy được khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Nếu là giáo viên biên chế còn có thêm khoản phụ cấp đứng lớp nhưng thu nhập cũng không quá 4 triệu/tháng, còn nếu là giáo viên hợp đồng thì thu nhập thậm chí có thể còn dưới 2 triệu/tháng. “Với mức thu nhập như vậy, tôi cho rằng là quá thấp, trong khi đó giáo viên mầm non rất vất vả và phải kiêm nhiệm nhiều vai: Từ bảo mẫu, ca sỹ, diễn viên, cho đến y tá, điều dưỡng… Thế nên mới có chuyện, nhiều giáo viên đi làm rồi vẫn phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ hoặc phải bươn chải bằng nhiều nghề khác nhau” - GS Phạm Minh Hạc nói.

Quan tâm đội ngũ nhà giáo bằng những chính sách đặc thù
Quan tâm đội ngũ nhà giáo bằng những chính sách đặc thù 

Nghề đặc thù cần chính sách đặc thù

GS.VS Phạm Minh Hạc cũng kể lại một câu chuyện mà ông thấy xót xa: Một buổi chiều muộn, gia đình GS nhận được một đơn hàng từ người bán hàng online. Hỏi chuyện mới biết cô này là giáo viên mầm non, chồng cô cũng là giáo viên THCS. Thu nhập của 2 vợ chồng được hơn 7 triệu/tháng, nuôi 2 con ăn học và bố mẹ già hết tuổi lao động. Để có tiền lo cho cuộc sống, vợ chồng cô không chỉ bán hàng online, mà còn làm thêm vài sào ruộng, chăn thêm vài con lợn, con gà... để trang trải cho cuộc sống, giảm gánh nặng cho tiền lương.

“Chăm chỉ lao động là điều đáng quý và rất đáng trân trọng, nhưng đặt lại vấn đề mới thấy, cũng chỉ vì thu nhập thấp nên vợ chồng nhà giáo kia mới phải bươn chải. Và với đủ thứ việc làm thêm như vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của họ. Vì vậy, tăng lương cho giáo viên là điều cần thiết” - GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Còn theo đại biểu Lê Tuấn Tứ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, ai cũng biết, giáo viên là một nghề đặc thù, đã là đặc thù thì cần có những chế độ chính sách mang tính đặc thù. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đã nêu rõ: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đây là cơ sở để chúng ta có thể thực hiện tăng lương cho giáo viên.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ mong muốn, Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ để có những đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ nhà giáo, nhất là hiện nay chúng ta đang sửa Luật Giáo dục hiện hành. Theo đó có thể bổ sung điều khoản nào đó vào trong Luật để có cơ sở thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên sau này.

Đồng quan điểm, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh - trao đổi, câu chuyện về lương của giáo viên không phải bây giờ mới được nhắc tới. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều văn bản khác đều thể hiện quan điểm lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên đến nay, chúng ta vẫn chưa thực hiện được.

“Hy vọng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ giải quyết được bài toán “tăng lương cho giáo viên”. Đây không chỉ là mong mỏi của cá nhân tôi mà là tiếng lòng của đông đảo cử tri và đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước” - đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ