Bùi Hữu Khánh là chủ xưởng may trên đường Phạm Đăng Giảng (Bình Hưng Hòa, TPHCM).
Tối 22/6, công nhân trong xưởng may của Khánh hát karaoke quá to gây ồn ào, ảnh hưởng đến các gia đình chung quanh. Thấy vậy, anh T.V.A. (39 tuổi), hàng xóm, có gọi điện nói ông Khánh nên nhắc công nhân của mình hát nhỏ lại.
Thay vì nhắc nhở công nhân của mình, ông Khánh đã sang nhà T.V.A. lăng mạ, chửi bới rồi giật sập cổng nhà anh này, làm náo loạn cả khu phố. Một số người là bạn nhậu với ông Khánh đã lao vào can ngăn, đưa ông ta về nhà, nếu không thì không biết hậu quả tiếp theo sẽ là gì. Lúc này, giàn karaoke “khủng” mới chịu tắt tiếng!
Chuyện làm phiền hàng xóm vì hát karaoke quá to gần như khá phổ biến hiện nay. Được hàng xóm nhắc nhở, thay vì nói một lời xin lỗi vì đã làm phiền nhau rồi vặn nhỏ âm thanh, nhiều người đã tỏ thái độ côn đồ, thậm chí lao vào tấn công người nhắc nhở. Không ít vụ án mạng đã xảy ra từ việc hát karaoke gây ồn này. Hát karaoke mà hung hăng hơn cả hổ báo!
Từ phố phường cho đến làng trên xóm dưới ở nông thôn, đâu đâu cũng nghe, cũng thấy tình trạng hát karaoke với âm lượng “khủng”, bất chấp việc gây phiền hà cho mọi người. Chuyện hành hung người nhắc nhở như trường hợp trên đây không phải là hiếm, thế nhưng không một cấp chính quyền nào xử lý tình trạng này cả.
Nếu ông Khánh không giật sập cổng nhà anh T.V.A. thì mọi chuyện sẽ “trôi theo tiếng hát” sau khi chửi bới, lăng mạ nhau. Vì làm “sập cổng nhà” là bị quy vào tội phá hoại tài sản công dân nên đương sự mới bị bắt chứ nếu chỉ chửi bới nhau, gây ồn ào trong xóm đến khi nào mỏi miệng thì nghỉ chứ chả có mấy ông tổ trưởng, xóm trưởng có mặt để can ngăn cả. Vài ba hôm sau, cơn nghiện karaoke nổi lên, lại hát, lại ồn ào làm phiền hàng xóm như cũ.
Nhiều người thắc mắc là phạt chuyện hát karaoke gây ô nhiễm tiếng ồn thì đâu có khó gì mà bao năm nay tệ nạn này vẫn không dẹp được? Những người hay hát karaoke vẫn thường lý sự rằng, ở nhà của tôi thì thích hát thế nào là tùy tôi, đâu có xâm phạm “chủ quyền” của ai mà bảo tôi phải… hát nhỏ? Rằng, tôi hát đến 10 giờ đêm là nghỉ chứ có phải hát suốt đêm đâu mà… cấm? Không mấy vụ hát karaoke gây tiếng ồn bị xử lý. Vụ việc chỉ bị xử lý khi án mạng xảy ra hoặc ít nhất là làm… sập cổng nhà!
Karaoke là “món” giải trí khá phổ biến hiện nay. Chẳng có lý do gì “cấm hát” nếu như anh đóng kín cửa, tự hát tự nghe với nhau trong nhà. Nhưng không, hễ hát karaoke là phải để cho “mọi người cùng nghe” dù là hát sai nhịp, thậm chí hát không đúng lời bài hát.
Chừng nào mới dẹp được nạn hát karaoke làm phiền hàng xóm? Câu hỏi không quá khó nhưng các cấp chính quyền luôn quay lưng với câu hỏi này. Chả nhẽ đợi đến khi án mạng xảy ra rồi mới… kiên quyết xử lý sao?