Nỗ lực rất lớn...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Về cơ bản, việc cải cách tiền lương có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, quá trình thực hiện còn một số khó khăn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ thì Chính phủ đã bố trí đủ nguồn ngân sách để cải cách tiền lương...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, thuận lợi trong thực hiện cải cách tiền lương hiện nay là đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ 6 nội dung theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa 12.

Bảo đảm mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. Đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước được cải thiện; hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư.

Cải cách tiền lương sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 18 và 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa 12; Nghị quyết số 39/2015 của Bộ Chính trị đến nay, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đã tinh gọn hơn.

Cụ thể, ở Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục và 145 vụ, ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở các địa phương, đã giảm 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh. Giảm 2.572 tổ chức cấp phòng, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm 11,67%.

Về cơ bản, việc cải cách tiền lương có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn. Đó là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị - giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương làm cơ sở xây dựng bảng lương mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Ngoài ra, việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo cũng phức tạp do ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới... dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn...

Có thể thấy, việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức đan xen cả yếu tố thuận lợi và khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng như ý kiến của một đại biểu Quốc hội thì đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Bởi thực tế, dù đã 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003 nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chính sách tiền lương còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm cuộc sống, chưa tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Công thức tính lương cũng không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương, trong khi có nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương làm phát sinh những bất hợp lý...

Ý kiến khác thì nhấn mạnh thêm rằng, xét một cách tổng thể, việc tăng lương thời gian qua chưa mang lại sự thay đổi lớn về tiền lương của 1,7 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Và dù được điều chỉnh nhiều lần nhưng tiền lương vẫn chưa thể hiện đúng bản chất, giá trị sức lao động và chưa tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức...

Như vậy, với những “nguồn lực” hiện nay, việc cải cách tiền lương dự kiến từ ngày 1/7/2024 là phù hợp, chín muồi. Đây cũng là mong mỏi của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ