Giải pháp được địa phương này đưa ra là chuẩn hóa trình độ giáo viên, phấn đấu đến năm 2018, 100% các trường THPT có đủ giáo viên chuẩn trình độ giảng dạy môn học này.
Hiện nay, toàn TP Hồ Chí Minh có 184 trường THPT, trong đó có 100 trường công lập và 84 trường ngoài công lập.
Về cơ bản đội ngũ giáo viên giảng dạy GDQP-AN trong các trường THPT của TP Hồ Chí Minh đã tạm ổn định về số lượng.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Xuân Mẫn – Sĩ quan biệt phái công tác GDQP-AN của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh thì số lượng giáo viên giảng dạy môn GDQP-AN của thành phố chưa chuẩn trình độ còn nhiều.
Đa số giáo viên chưa chuẩn đều thuộc diện bằng ghép môn hoặc giáo viên qua huấn luyện, bồi dưỡng 6 tháng để giảng dạy. Chính vì vậy, Sở đã sớm có kế hoạch quy hoạch đội ngũ giảng viên GDQP-AN đưa đi đào tạo chuẩn trình độ.
Theo Quyết định số 472 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên GDQPAN cho các trường THPT, TCCN - TCN giai đoạn 2010 - 2016”, Sở đã tổ chức đưa đi đào tạo được 392 giáo viên văn bằng 2.
Theo Quyết định số 607 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo giáo viên GDQP-AN cho các trường THPT, TCCN, TCN, CĐN và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”, Sở đã đưa đi 118 giáo viên theo học các lớp cử nhân GDQP-AN; Trong đó có 70 giáo viên đã tốt nghiệp ra trường, trở về các nhà trường giảng dạy, góp phần vào nâng cao chất lượng môn học GDQP-AN.
Năm học 2015 - 2016, Sở tiếp tục đưa 50 giáo viên đi học chuẩn trình độ cử nhân GDQP-AN. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã đặt ra lộ trình phấn đấu hàng năm liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học có mã ngành đào tạo giáo viên GDQP-AN mở lớp đào tạo
riêng cho thành phố cho khoảng 50 giáo viên.
Với mục tiêu đề ra của TP là tới năm 2018 là 100% các trường THPT có giáo viên đạt chuẩn trình độ giảng dạy GDQP-AN.
Thượng tá Lê Xuân Mẫn cho biết: Ban đầu khi mới có kế hoạch chuẩn trình độ giáo viên, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng gặp phải khó khăn trong việc động viên giáo viên đi học.
Sau khi khận thấy GDQP-AN đã trở thành môn học chính khóa và Sở có kế hoạch sử dụng giáo viên GDQP-AN sau tốt nghiệp thì đã có đông đảo giáo viên tự nguyện đăng kí tham gia các khóa học.
Để giải quyết khó khăn về kinh phí cho người đi học khi Quyết định số 607 mới được triển khai, kinh phí chưa kịp cấp về các trường đảm bảo các chế độ cho học viên, các trường THPT đã kịp thời động viên, khuyến khích giáo viên tạm thời tự túc kinh phí nhằm ổn định học tập.
Đồng thời có kế hoạch ứng kinh phí học tập cho giáo viên, có chế độ đãi ngộ giáo viên GDQP-AN đang trong quá trình học tập. Giáo viên sau khi tốt nghiệp khóa học được bố trí về giảng dạy ở các trường THPT, hầu như số lượng ra trường, đã chuẩn trình độ giảng dạy GDQP-AN theo quy định đều có việc làm;
Theo Thượng tá Lê Xuân Mẫn, nếu trước đây công tác động viên giáo viên đi học tập để chuẩn trình độ gặp khó khăn thì nay công tác này ở TP Hồ Chí Minh đang có chiều hướng tiến triển rất thuận lợi.
Ngay cả mã ngành đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP-AN của các cơ sở giáo dục ĐH được giao chỉ tiêu tại thành phố cũng rất hút học sinh tốt nghiệp THPT đăng kí xét tuyển, theo học.
Ảnh hưởng lớn nhất đến công tác này là do thành phố đã sớm có quy hoạch sử dụng đội ngũ giáo viên GDQP-AN như đã nói ở trên.
Tiếp đó là nhận thức về GDQP-AN của đội ngũ cán bộ quản lý được nâng lên; Hàng năm 100% cán bộ quản lý, Hiệu trưởng các nhà trường được Sở tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nên đã ý thức sâu sắc về việc cử giáo viên đi học tập chuẩn trình độ để giảng dạy môn học này.
Đồng thời với đó là có chính sách đãi ngộ riêng của trường mình động viên giáo viên tham gia học tập theo Quyết định 607.
Thượng tá Mẫn nhận định: Môn học GDQP-AN ở TP Hồ Chí Minh được tiến hành theo cách vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành nên giáo viên được thay đổi không khí, điều hòa cường độ làm việc tạo ra hứng thú trong quá trình dạy học.
Thêm vào đó là công tác tổ chức hội thao cấp trường, cấp cụm và toàn thành phố được tổ chức thường xuyên hàng năm, có thi đua khen thưởng, giải thưởng đ phát động phong trào thi đua gảng dạy - học tập môn học GDQP-AN trong các nhà trường, giữa các trường, các cụm.
Chính vì vậy, không khí thi đua trong dạy – học môn học này tại TP Hồ Chí Minh rất sôi nổi, chất lượng giáo dục từng bước được cải thiện, nâng cao qua từng năm.