Vận động từ trước nghỉ hè
Sóc Trăng là địa phương có tỉ lệ học sinh dân tộc Khmer chiếm khá cao. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn và thường cư trú ở những nơi cách xa trung tâm. Điều kiện gia đình trở thành gánh nặng kinh tế, các em học sinh ở lứa tuổi THCS hoặc THPT phải tham gia mưu sinh cùng cha mẹ. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em; vì chịu sức ép sinh kế quá lớn nên nhu cầu học tập cũng giảm dần khiến nhiều em có nguy cơ bỏ học giữa chừng, bỏ học trước khi tựu trường.
Ông Lý Văn Luận - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - cho biết: “Thực trạng học sinh nghỉ học được chúng tôi chú ý nhất là thời điểm sau khi thi học kì I và đầu năm học mới. Những em có nguy cơ bỏ học hầu hết là những em có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục đến trường.
Để giữ vững chất lượng giáo dục ở địa phương và duy trì sĩ số qua các năm học, ngành tiến hành chỉ đạo cho các đơn vị cơ sở bàn giao chất lượng khi kết thúc năm học. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trong công tác rà soát, cập nhật tình hình kịp thời, báo cáo về cấp trên; đồng thời phải nắm được tình hình học sinh trong thời gian hè”.
Giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương
Tại tỉnh Cà Mau, lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc điều kiện giao thông trở ngại cũng khiến học sinh dễ bỏ học giữa chừng. Đặc thù địa hình sông nước, kênh rạch chằng chịt, một số xã khó khăn hiện nay học sinh vẫn phải đến trường bằng đò. Bên cạnh đó, những thách thức trong việc quy hoạch, sáp nhập mạng lưới trường lớp cũng trở thành vấn đề cần được tháo gỡ sớm, tạo điều kiện kéo giảm tỷ lệ bỏ học.
Trước đây, tại tỉnh Cà Mau, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn tỉnh, chủ trương xây dựng trường điểm lẻ rất hợp lý. Mặc dù vậy, những điểm trường lẻ còn chịu nhiều thiệt thòi so với điểm trung tâm. Nhằm thực hiện tốt nội dung sắp xếp trường lớp theo nhiệm vụ năm học của Bộ GD&ĐT, tỉnh Cà Mau tiến hành xóa điểm lẻ, đưa học sinh về trung tâm, giúp các em được hưởng lợi nhiều nhất từ giáo dục. Dù đã gặt hái thành công nhất định, song học sinh ở những xã khó khăn vấp phải nhiều vấn đề về khoảng cách di chuyển, cha mẹ phải bỏ việc để đưa con đến trường.
Theo ông Trần Thanh Văn - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi (Cà Mau): Việc xóa điểm lẻ, ghép trường, chuyển học sinh về điểm trung tâm giúp các em học tập trong môi trường chất lượng cao. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng khiến khoảng cách từ nhà đến điểm mới sẽ xa hơn điểm cũ; học sinh học 2 buổi/ngày phải có phụ huynh đưa đón nên khá vất vả.
“Theo lộ trình thực hiện, ngành cũng xác định không để học sinh nghỉ học vì ngại nhà xa; bên cạnh đó lắng nghe những ý kiến của giáo viên và phụ huynh để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và quy hoạch trường lớp thuận tiện cho học sinh” - ông Trần Thanh Văn cho biết.