Trò chuyện với tôi, thầy Thái Lợi cho biết: Thầy sinh năm 1968 ở TP Sóc Trăng. Năm 1985, thầy thi và đỗ vào ngành sư phạm Ngữ Văn, trường CĐSP Hậu Giang (cũ). Năm 1988, tốt nghiệp CĐSP, thầy nhận quyết định về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Phường 4A, thị xã (nay là thành phố) Sóc Trăng.
Đến năm 1990, thầy chuyển về Trường Phổ thông cơ sở Phường 1 (TP Sóc Trăng) vừa dạy học, vừa giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn trường. Đến năm 1998 thầy lại được điều động về công tác tại trường THCS phường 4 (TP Sóc Trăng) giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Năm 2010 thầy lại được điều về trường THCS Pô Thi (phường 8-TP Sóc Trăng) và tiếp tục giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Năm 2012, ngành GD-ĐT TP Sóc Trăng thành lập trường THCS phường 5 (nay là trường THCS Tôn Đức Thắng), thầy lại được lãnh đạo ngành tin tưởng điều về giữ chức vụ Hiệu trưởng trường này cho đến nay.
Nhận xét về thầy Thái Lợi, nhiều giáo viên kỳ cựu ở Sóc Trăng cho biết: Dù công tác ở trường nào, với cương vị nào, thầy Thái Lợi cũng rất nhiệt tình, luôn có sự tìm tòi, đổi mới và để lại dấu ấn đậm nét trong mọi hoạt động của nhà trường, góp phần xây dựng phong trào của nhà trường ngày càng vững mạnh.
Những trường thầy đã từng công tác luôn đạt thành tích cao về mọi mặt như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp, nhiều học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cũng như các kỳ thi khác. Chính bản thân thầy cũng gương mẫu tham gia và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền.
Phong trào Hũ gạo tình thương của trường THCS Tôn Đức Thắng |
Nhớ lại ngày được điều về trường THCS Tôn Đức Thắng, thầy Thái Lợi cho biết: “Nói thật với anh, nhận quyết định về trường mới này tôi mất ngủ suốt mấy đêm liền. Phường 5 là một phường rất đặc biệt, là địa bàn có diện tích rộng, thuộc vùng ven của thành phố Sóc Trăng. Nơi đây có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, học sinh của trường có hơn 80% là học sinh người dân tộc Khmer.
Cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, chất lượng đầu vào của học sinh không đồng đều, quan niệm của đồng bào địa phương chưa thật chú trọng đến việc học của con em mà chủ yếu quan tâm đến cơm áo gạo tiền trước mắt.
Nhiều gia đình nghèo, đi làm thuê kiếm sống và họ sẵn sàng cho con nghỉ học để đi làm thuê, bán vé số kiếm tiền mưu sinh nên tì lệ học sinh bỏ học luôn cao từ 30% trở lên. Tôi vốn đã từng công tác ở nhiều trường tại trung tâm thành phố, điều kiện học tập đầy đủ hơn, đầu vào học sinh tốt hơn…nên khi được phân công về phường 5 tôi rất lo, bị sút hơn 3 ký lô gam. Nhưng bây giờ tôi đã vui vì ngôi trường này đã có nhiều đổi thay về mọi mắt, phụ huynh, lãnh đạo đã rất tin vào thành tích về mọi mặt của trường”.
Về trường THCS Tôn Đức Thắng, thầy Thái Lợi đã cùng tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường đã vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực xây dựng Trường THCS Tôn Đức Thắng phát triển toàn diện về mọi mặt, trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014 (chỉ sau 2 năm thành lập); Không ngừng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ tốt, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường.
Trường luôn đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền, được nhận nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành GD-ĐT Sóc Trăng được nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh; Chi bộ nhà trường liên tục được công nhận Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu nhiều năm liền; bình quân trên 50% giáo viên của trường đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; nhiều học sinh của trường đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh; nhà trường cũng tham gia và đạt thành tích cao trong các phong trào của địa phương, của ngành,…
Về bản thân mình, dù công việc chính là quản lý nhưng thầy Thái Lợi vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, thầy luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy tính tích cực của học sinh, từ đó nâng cao hiệu quả học tập của các em.
Hàng năm, thầy Thái Lợi cùng nhà trường tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy và học. Cũng như thực hiện nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao như: một vài biện pháp nhằm hạn chế học sinh bỏ học; tác dụng của chuyên đề trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy; một số biện pháp trong công tác quản lý nhằm xây dựng “trường học thân thiện”…
Không chỉ chú trọng phong trào dạy học, thầy Thái Lợi cùng tập thể giáo viên của trường xây dựng nhiều mô hình và vận động cán bộ, giáo viên, học sinh cùng tham gia như: Nụ cười công sở, Quỹ học bổng “Vì học sinh nghèo vượt khó học tốt”, phong trào “Hũ gạo tình thương - tiếp sức đến trường”, phong trào “Xanh hóa trường lớp học”, hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”…mang lại hiệu quả tích cực, hỗ trợ cho công tác giảng dạy, học tập trong trường.
Thầy Thái Lợi cho biết: Các mô hình hoạt động của nhà trường luôn hướng tới xây dựng môi trường giáo dục trong trường ngày càng tốt hơn, thân thiện, tích cực hơn.
Ví dụ, mô hình “Nụ cười công sở” tạo không khí cởi mở, vui vẻ, thân thiện trong nhà trường giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh luôn có tâm trạng thoải mái, vui vẻ, hứng thú hơn trong giảng dạy và học tập, nâng cao năng lực giao tiếp ứng xử; thực hiện tốt nếp sống văn minh, lịch sự nơi công sở;
Quỹ học bổng “Vì học sinh nghèo vượt khó học tốt” được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái, hết lòng vì học sinh thân yêu; trong đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường trích một phần tiền lương hàng tháng để ủng hộ; đồng thời, trường còn vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố đóng góp thêm, đến nay đã đóng góp được hàng chục triệu đồng, hỗ trợ cho hàng trăm lượt học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập;
Mô hình “Hũ gạo tình thương - tiếp sức đến trường” được xây dựng từ năm học 2012-2013 cùng với công tác xã hội hóa giáo dục, được chính quyền địa phương và Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng. Từ năm học 2012 đến nay, thầy và Ban giám hiệu nhà trường đã vận động đóng góp trên 20 tấn gạo, quà và tiền mặt, trị giá khoảng 1,3 tỉ đồng để hỗ trợ cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vào các dịp lễ tết.
Nói về mô hình “Hũ gạo tình thương” của nhà trường, thầy Thái Lợi chia sẻ: “Trường THCS Tôn Đức Thắng đóng trên địa bàn phường 5 là nơi có rất đông học sinh là người dân tộc Khmer. Hoàn cảnh gia đình các em còn nhiều khó khăn, nên việc học tập của các em bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó tình trạng học sinh phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm thuê ở nhiều nơi, thậm chí có không ít em phải “ly hương” vì mưu sinh.
Vì thế, chúng tôi luôn trăn trở là phải vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình, nhưng cũng phải có biện pháp giúp đỡ các em có điều kiện đến trường, yên tâm học tập. Xuất phát từ tâm tư đó, từ năm học 2012-2013, phong trào “Hũ gạo tình thương - Tiếp sức đến trường” của nhà trường đã ra đời, đã tiếp sức cho nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ học tập của mình”.
Thầy Nguyễn Hà Phương - Chủ tịch Công đoàn trường, cho biết: “Năm đầu tiên (2012-2013) do trường mới đi vào hoạt động nên phong trào chỉ thực hiện trong phạm vi nhà trường và một số người thân thiết, vì thế chỉ vận động được gần một tấn gạo. Nhưng những năm tiếp theo, phong trào được nhiều người biết đến nên đã có nhiều người tìm đến trường ủng hộ.
Cứ như vậy, bình quân mỗi năm nhà trường nhận được từ 3 tấn gạo trở lên, cùng hàng trăm gói mì, các loại gia vị thực phẩm cũng như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để trao cho các em học sinh của trường. Mỗi năm, ngoài những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trường hỗ trợ thường xuyên với mức mỗi em nhận 10 ký gạo/tháng, thì trường sẽ hỗ trợ các em HS có hoàn cảnh khác vào các dịp như khai giảng năm học mới, dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer, tết Nguyên đán, bế giảng năm học.
Đến nay đã có hàng ngàn lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường được hỗ trợ. Những phần quà đó đã góp phần nâng bước các em đến trường, giảm tỉ lệ bỏ học từ trên 30% của năm đầu đến nay chỉ còn không đầy 1%. Không chỉ hỗ trợ các em HS, chúng tôi cũng hỗ trợ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn ở phường 3 và phường 6 của TP Sóc Trăng nữa. Tuy số gạo không phải là nhiều, nhưng cũng giúp đỡ bà con bớt đi một phần nào khó khăn trong cuộc sống”.
Nhận sự hỗ trợ của nhà trường, em Lý Hoàng Phong (HS lớp 9) phấn khởi: “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhiều lúc không có gạo để nấu cơm. Khi nhận được gạo của thầy cô trao tặng, em và gia đình rất cảm động. Nhờ có sự hỗ trợ này mà gia đình em giảm được chi phí mua gạo, để mua quần áo, tập sách cho em. Tình cảm của thầy cô và mọi người dành cho em và các bạn thật sâu nặng. Chúng em hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để thầy cô vui lòng”.
Em Trần Sang (người dân tộc Khmer, học sinh của trường) có hoàn cảnh gia đình khó khăn: Nhà nghèo, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, cha thuê xe chạy xe ôm, căn nhà của gia đình là mái lá ọp ẹp nên nhiều lần em định nghỉ học. Biết hoàn cảnh của gia đình em, nhà trường cùng các nhà hảo tâm đã hỗ trợ gạo hàng tháng, cấp học bổng thường xuyên, xây dựng cho gia đình em một căn nhà trị giá 30 triệu đồng. Từ sự giúp đỡ đó, em đã yên tâm học tập và luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi của nhà trường. Em đã từng đạt giải Nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Em Gian Thanh Thiện (người dân tộc Khmer) cũng có hoàn cảnh khó khăn, được nhà trường giúp đỡ, em đã vượt lên học tập tốt, đạt đanh hiệu học sinh giỏi toàn diện, học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh môn Sinh học.
Hiện nay em đang học lớp 11 trường THPT Hoàng Diệu và không chỉ giữ vững thành tích học tập mà còn đạt nhiều danh hiệu cao trong các cuộc thi như năm lớp 10 (2016-2017) em đạt giải Nhì trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh môn Sinh học, HCĐ Olympic tháng 4 tại TP.HCM môn Sinh học, vào đội tuyển tỉnh dự thi HSG cấp QG môn Sinh học; năm lớp 11 (2017-2018) đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh môn Sinh học, HCĐ Olympic tháng 4 tại TP.HCM môn Sinh học. Hiện em đang được bồi dưỡng chuẩn bị chọn vào đội tuyển tỉnh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2019 sắp tới.
Thầy Trần Út (giáo viên Tổ Thể dục của trường) tâm sự: “Khi nhà trường chủ trương phát động phong trào này, giáo viên chúng tôi ủng hộ rất nhiệt tình. Mong muốn của các giáo viên là được góp phần nhỏ của mình giúp các em vượt qua khó khăn để học tập tốt. Tôi cũng là người dân tộc Khmer nên rất hiểu hoàn cảnh của học trò mình. Nhiều em nghèo lắm, phải bỏ học đi làm thuê làm mướn phụ giúp gia đình nên việc học bị đứt đoạn. Nay có sự hỗ trợ đó, các em đã đi học bình thường. Nhìn các em trở lại trường, tôi và các đồng nghiệp của mình rất phấn khởi”.
Ngoài ra, thầy cùng Ban giám hiệu nhà trường tổ chức Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, hội thi thu hút hàng trăm lượt học sinh của trường tham gia. Qua đó góp phần giúp các em hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời của Bác, càng yêu quý, kính trọng và tự hào hơn về Bác, quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác dạy.
Thầy Lê Thanh Phong, giáo viên tổ ngữ Văn, cho biết: “Thầy Thái Lợi là người có tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; sống giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp. Thầy luôn tạo điều kiện để đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ, là trung tâm đoàn kết nội bộ của đơn vị”.
Chia sẻ với tôi về trăn trờ của mình, thầy Thái Lợi cho biết: “Với tôi, hiện nay học sinh người dân tộc Khmer đã đến trường khá đầy đủ nhưng chưa phải là hết. Vì thế, tôi luôn trăn trở là phải làm sao đưa tất cả các em đến trường đầy đủ. Để làm được điều này, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều, bằng nhiều biện pháp như nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, thu hút học sinh bằng chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, phải chú trọng quan tâm, giúp đỡ các em về mặt vật chất, tạo điều kiện cho các em vui chơi, học tập”.
Trước lúc chia tay thầy, tôi hỏi nhỏ “Thầy có ý định xin chuyển về gần nhà không” thì thầy nói ngay: “Với tôi, được gắn bó với nghề là niềm hạnh phúc. Kể từ khi về nhận công tác tại trường THCS Tôn Đức Thắng cho đến nay, tôi rất hiểu và cố gắng hết mình vì học sinh của trường và tôi đã tự nhủ mình sẽ gắn bó lâu dài với học sinh vùng ven thành phố này.
Đầu năm học 2017-2018, tôi được lãnh đạo thống nhất điều về giữ chức vụ Phó trưởng Phòng GD-ĐT thành phố nhưng tôi xin được ở lại trường vì tôi muốn được đóng góp nhiều hơn cho học sinh của trường. Nhìn các em học sinh đến trường ngày càng đông, tôi thấy vui và hạnh phúc nhất. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ tiếp tục chọn ở lại với trường THCS Tôn Đức Thắng, ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của tôi, với các thế hệ học sinh của mình”.
Với những đóng góp không nhỏ cho ngành giáo dục địa phương, thầy Thái Lợi đã 17 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 3 lần chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 13 Bằng khen của UBND tỉnh, của Liên đoàn Lao động, của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam và của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, năm 2017 thầy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Xin nói thêm: Thầy Thái Lợi có gia đình hạnh phúc khi vợ thầy cũng là đồng nghiệp đang dạy tại trường THCS Lê Quý Đôn (phường 4-TP Sóc Trăng); con trai lớn đang học đại học y khoa TP Hồ Chí Minh, con gái nhỏ chuẩn bị vào lớp 7. Cả hai cháu đều là những học sinh giỏi nhiều năm liền, tham gia các cuộc thi các cấp và luôn đạt nhiều giải thưởng cao.