Ninh Thuận: Con gái đỗ thủ khoa, cha già bật khóc

GD&TĐ - Khi biết tin con gái mình đỗ thủ khoa thi tốt nghiệp THPT, bà Diệp Thị Minh Nguyệt và ông Nguyễn Anh Dũng (phụ huynh Hồng) vui ít lo nhiều. Bởi đường đến trường của con còn quá nhiều gian truân.

Em Nguyễn Thị Minh Hồng thủ khoa khối khoa học xã hội. Ảnh: Duy Quan.
Em Nguyễn Thị Minh Hồng thủ khoa khối khoa học xã hội. Ảnh: Duy Quan.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, em Nguyễn Thị Minh Hồng (lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã đỗ thủ khoa khối khoa học xã hội.

Cụ thể, môn Văn em đạt 8,75 điểm, Toán đạt 8 điểm, Sử đạt 9,75 điểm, Địa đạt 8,5 điểm, Giáo dục công dân đạt 9,75 điểm, môn Anh đạt 8,8 điểm, tổng cộng đạt 53,55 điểm.

Mong con được tiếp tục đến trường

Nhà em Nguyễn Thị Minh Hồng ở khu phố 5, phường Mỹ Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Minh Hồng chia sẻ: “Em xem kết quả thi tốt nghiệp THPT lúc khoảng 1 giờ 15 phút khuya 27/8. Em rất mừng vì mình đạt được điểm số cao. Em cảm thấy hạnh phúc sau 12 năm nỗ lực học tập, giờ đã có được thành tích cao. Nguyện vọng của em là đăng ký vào Trường Đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM), ngành Hàn Quốc học”.

Chia sẻ bí quyết để giành điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hồng vui vẻ cho rằng "không có bí quyết nào cả. Chỉ đơn giản là sự bền bỉ từng ngày. Mỗi ngày học một ít và thường xuyên làm bài tập để nâng cao kiến thức. Đặc biệt, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em phải nỗ lực hơn để cha mẹ tự hào".

Được biết, Hồng rất cố gắng trong học tập, 12 năm học Hồng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến.

Trong căn nhà cấp 4, người cha đã 63 tuổi chỉ biết khóc, khi chuyện học của con còn quá nhiều điều phải lo nghĩ. Ông Nguyễn Anh Dũng (cha của Hồng) bùi ngùi nói: “Lúc trước, tôi làm mỗi tháng cũng hơn 4 triệu. Nhưng hơn 4 tháng nay vì tuổi quá lớn người ta đã cho tôi nghỉ làm. Mấy hôm nay đi xin ở vài công ty để làm bảo vệ mà người ta cũng không nhận phần vì tuổi lớn, phần vì dịch Covid-19 các công ty cũng không tuyển thêm nhân sự.

Trước đó, tôi cũng có xin và được đi làm ở một cây xăng ở phường Tấn Tài, nhưng sau đó bị tại nạn dẫm phải đinh sắt tôi xin tạm nghỉ. Do cây xăng thiếu người nên đã tìm người khác thay tôi nên cũng mất việc từ đó luôn. Giờ chỉ ở nhà phụ vợ làm mấy công việc lặt vặt trong nhà”.

Đến đây, ông Dũng bỗng dưng bật khóc, nói: “Điều mong ước của tôi là con được tiếp tục đến trường, cố gắng học tập. Sau này ra trường có công việc ổn định. Tại giờ tôi cũng lớn tuổi rồi không lo được nhiều cho con nữa”.

Còn bà Diệp Thị Minh Nguyệt (59 tuổi, mẹ Hồng) nghẹn ngào nói: “Biết tin con đỗ điểm cao, thật sự tôi mừng lắm. Đó là món quà quý giá của chúng tôi không có gì so sánh bằng. Nhưng, tôi cũng lo lắng thời gian tới không biết lấy tiền đâu để cho con tôi đi nhập học, bởi gia đình cũng khó khăn”.

Do lớn tuổi nên hiện ông Nguyễn Anh Dũng, cha của Minh Hồng chỉ ở nhà phụ vợ làm công việc phân loại ve chai. Ảnh: Duy Quan.
Do lớn tuổi nên hiện ông Nguyễn Anh Dũng, cha của Minh Hồng chỉ ở nhà phụ vợ làm công việc phân loại ve chai. Ảnh: Duy Quan.

Mẹ bắt nghỉ học, con khóc đòi đến trường

Bà Nguyệt kể: “Trước kia chồng còn đi làm thì cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Nhưng, từ ngày nghỉ làm thì cuộc sống khó khăn hơn. Hàng ngày, tôi phải đi nhặt ve chai khắp nơi về bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Ngày nào được nhiều thì 50.000 đồng, có ngày chỉ được 20.000 - 30.000 đồng. Thậm chí có ngày không có đồng nào”.

Bà Nguyệt nói thêm, gia đình tôi cũng không có rẫy, chỉ có mảnh đất nhỏ do ông bà để lại, nhưng lâu nay không làm sổ đỏ được, do kinh tế khó khăn.

“Có mấy lần vì quá khó khăn, thiếu thốn. Tôi có cho con nghỉ học ở nhà đi làm kiếm thêm thu nhập. Nhưng nó khóc và nói chỉ muốn đi học. Tôi và chồng mấy đêm nay cũng bàn tính đi vay mượn ngân hàng để cho con có tiền đi học. Nói là vậy, nhưng cũng chưa biết sao”, bà Nguyệt chia sẻ.

Cô giáo Đặng Vũ Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm của em Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết: “Trong lớp Hồng là một học sinh chăm ngoan, học giỏi. Hồng luôn cố gắng nỗ lực học tập để đạt thành tích tốt và luôn hoàn thành các bài tập được thầy cô giao”.

Ước mơ của Hồng sau này trở thành một phiên dịch tiếng Hàn Quốc. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng Hồng vẫn luôn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt. Em luôn tự hứa với mình phải cố gắng hơn nữa, trau dồi kiến thức chuyên ngành để có thể biến ước mơ thành hiện thực để lo cho bản thân và cha mẹ sau này.

Ngồi nói chuyện, dù đã qua 60 năm cuộc đời, trải qua biết bao đắng cay, ngọt bùi nhưng người cha già của Minh Hồng vẫn không ngừng bật khóc. Khóc vì tương lai của con còn quá nhiều gian truân. Ông khóc vì hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn để con vững bước đến cuối con đường của học vấn…

Nhưng trong sâu thẳm, nơi cội nguồn của ý chí, nghị lực sống, cha của Minh Hồng vẫn có niềm tin rằng con mình sẽ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có 5.153 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2020, đạt 93,45% so với tổng số thí sinh dự thi. Trong đó, hệ GDPT có 4.906/5.183 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp THPT, đạt 94,66%; hệ GDTX có 247/331 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp THPT, đạt 74,62%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.