Dự thảo báo cáo là thành quả của Đoàn giám sát sau khi làm việc với 4 Bộ, ngành liên quan tới chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tham vấn chuyên gia; giám sát, khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố. Ở các tỉnh, thành phố còn lại, Hội đồng nhân dân phối hợp tổ chức giám sát về nội dung này và gửi báo cáo về Ủy ban.
Đánh giá chung theo dự thảo báo cáo, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy ban thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhị đồng Quốc hội – cho biết: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý(CBQL) giáo dục cơ bản đủ về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo so với quy định hiện hành đạt cao, phẩm chất đạo đức và tư tưởng chính trị đa phần vững vàng.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo có phạm vi điều chỉnh tương đối toàn diện; nhiều văn bản được ban hành để điều chỉnh các chính sách đặc thù đối với nhà giáo; đã xây dựng được kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông trong giai đoạn tới. Một số địa phương đã ban hành chính sách riêng để thu hút người giỏi tuyển dụng công chức, viên chức, trong đó có viên chức ngành Giáo dục.
Nhìn chung, các quy định đối với nhà giáo và CBQL giáo dục được các địa phương nghiêm túc chấp hành; thu nhập của nhà giáo ở một số địa phương tương đối ổn định, giúp số đông nhà giáo và CBQL giáo dục yên tâm với nghề.
Tuy nhiên, về tổng thể, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục nước ta còn thiếu, đặc biệt là ở giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Đặc biệt, trước yêu cầu tinh giản biên chế, ngành Giáo dục càng gặp khó khan trong việc đảm bảo quyền học tập của học sinh, đáp ứng đòi hỏi gia tăng về quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục.
Một bộ phận giáo viên và CBQL giáo dục còn bộc lộ những hạn chế về năng lực và động lực đổi mới. Tương quan giữa thu nhập và lao động của nhà giáo chưa cân xứng; hệ thống chính sách, pháp luật đối với nhà giáo còn chồng chéo, một số quy định đã lạc hâu. Tính chủ động của các địa phương, cơ sở trong áp dụng pháp luật, chính sách nhà giáo còn hạn chế…
Từ những đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 – 2016, dự thảo báo cáo đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh, thành phố.
Trong đó, với Quốc hội, dự thảo của Đoàn giám sát kiến nghị: Trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, cần xác định yêu cầu luật định quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tăng cường cơ chế tự chủ, nhất là về tài chính, nhân sự cho các cơ sở GD&ĐT; sửa đổi chương Nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ và vai trò, vị thế nhà giáo.
Cần sớm xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm luật hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vị thế nhà giáo và đặc điểm nghề giáo cũng như các chính sách nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ mới.
Đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức phù hợp với chủ trương quản lý viên chức trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó cần chú ý tới tính đặc thù của viên chức ngành Giáo dục.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã góp ý cụ thể cho dự thảo; từ tính đúng đắn của các nhận định đến xem xét tính khả thi và lộ trình thực hiện các kiến nghị đề xuất; đồng thời bổ sung nhận định kèm theo các căn cứ, cơ sở đề xuất cho mỗi nhận định liên quan đến các kiến nghị hoặc đề xuất kiến nghị mới…
Ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhị đồng Quốc hội – cho biết: Ủy ban sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo để có thể trình Quốc hội vào cuối năm nay.