Sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục: Tháo gỡ nút thắt, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới giáo dục, đào tạo

GD&TĐ - Ngày 18/7, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp Hội đồng khoa học tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016 - 2020 và Hội thảo khoa học chuyên đề “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục”.  

Sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục: Tháo gỡ nút thắt, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới giáo dục, đào tạo

Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh, các thành viên Hội đồng khoa học, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; một số chuyên gia, nhà khoa học và đại diện nhóm chuyên gia của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục: Tháo gỡ nút thắt, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới giáo dục, đào tạo ảnh 1.       Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp

Luật giáo dục được ban hành năm 2005, đến nay một số nội dung của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục nhằm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, quan điểm giáo dục của UNESCO và tháo gỡ các nút thắt, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo theo yêu cầu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 29.

Quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật giáo dục để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, tập trung vào những nội dung đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu “sửa đổi, bổ sung một số điều chứ không phải sửa đổi, bổ sung để thay thế Luật giáo dục hiện hành”.

Để đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả sẽ lựa chọn sửa đổi những vấn đề/nút thắt thực hiện đổi mới giáo dục, có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội thuộc mức độ điều chỉnh của một văn bản luật để khi thông qua áp dụng được, đặc biệt ở địa phương và cơ sở; nâng cao hiệu quả trong thi hành luật pháp.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục dựa trên ưu tiên tổng kết thực tiễn thi hành Luật giáo dục để làm rõ những vướng mắc, nút thắt thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI. Đồng thời, đánh giá đầy đủ tác động thực tiễn của các nội dung dự án được sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục.

Dự án Luật giáo dục sẽ được soạn thảo theo hướng luật khung, quy định những nội dung mang tính nguyên tắc, cơ bản từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, nhà giáo, đảm bảo chất lượng.... Trên cơ sở các nội dung có tính “khung” này sẽ được cụ thể ở các luật chuyên ngành (ví dụ Luật giáo dục đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và tới đây có thể xây dựng luật cho các bậc học còn lại và một số vấn đề lớn như Luật nhà giáo...).

Ngoài ra, cần xem xét đến tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan đến các điều của Luật giáo dục để đảm bảo tính thực thi của Luật giáo dục sau khi được Quốc hội ban hành.

Học sinh trường TH Trần Cao Vân Đà Nẵng
 Học sinh trường TH Trần Cao Vân Đà Nẵng
Yếu tố đổi mới, hội nhập quốc tế cũng sẽ được tính đến trong lần sửa đổi, bổ sung dự án Luật giáo dục này để đảm bảo yêu cầu các nội dung của Luật giáo dục phải “kiến tạo” hành lang pháp lý vững chắc, tạo thuận lợi cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế.

Nội dung chỉnh sửa bổ sung Luật giáo dục sẽ tập trung trong 7 vấn đề theo 3 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua. Trong quá trình nghiên cứu, nếu phát hiện cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung ở các điều trong Luật giáo dục ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua, cần lồng ghép vào 03 chính sách và quy định cụ thể tại 07 vấn đề đã được Quốc hội thông qua.

Trong trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhưng không lồng ghép được thì có thể đề xuất bổ sung một số chính sách mới nhưng phải thực hiện việc đánh giá tác động của chính sách đó và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ theo quy định. Đối với dự án Luật giáo dục có thể nghiên cứu, xem xét việc bổ sung chính sách về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ