Các công việc đã tiến hành
Ngày 24/1/2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 cũng đã được phê duyệt.
Trên cơ sở Đề án này, ngày 6/2/2017, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định số 5857-VN tài trợ cho “Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”(Chương trình ETEP).
Ban hành và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Các chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới cũng được rà soát, sửa đổi; đồng thời, xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với trường sư phạm và trường phổ thông trong bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Chỉ đạo và làm việc với các trường sư phạm để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thông qua bộ chỉ số đánh giá năng lực đào tạo của các trường sư phạm do Chương trình ETEP đang hoàn thiện.
Rà soát thực trạng thừa, thiếu giáo viên các cấp học; tính toán nhu cầu đào tạo giáo viên ở các cấp học, ngành học, từ đó các trường sư phạm xây dựng chương trình đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng 2 để các địa phương thực hiện điều chuyển và bổ sung, xử lý việc thừa, thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tế.
Các trường sư phạm trọng điểm, chủ chốt chủ động phối hợp với các trường sư phạm khác và Chương trình ETEP nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung đào tạo để xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Các trường sư phạm và các địa phương xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung về phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng cho giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông. Cơ sở đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông tổ chức các hội thảo, tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Những công việc chính triển khai trong thời gian tới
Trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn thành việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán; khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù.
Cùng với đó, hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên hiện có ở các địa phương, xác định số giáo viên thừa, thiếu trong từng cấp học, theo từng môn học ở địa phương để làm căn cứ đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, thay thế đội ngũ giáo viên, cùng với việc hoàn thiện tính toán định mức kinh tế - kỹ thuật để từ đó giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng.
Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước theo các chuẩn đã ban hành. Xây dựng và triển khai hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng trên phạm vi cả nước; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học theo chương trình mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo hai hình thức tập trung và qua mạng bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới;
Ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm); ban hành Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, Tiêu chuẩn giảng viên sư phạm cốt cán; xây dựng các quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; điều chỉnh, bổ sung các quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập sư phạm của sinh viên sư phạm;
Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm, đồng thời chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Rà soát các chế độ, chính sách để giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập hiện nay như tuyển dụng, sử dụng giáo viên; lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,…; nghiên cứu các nội dung cần thiết để đề xuất sửa đổi các nội dung cốt lõi về nhà giáo trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục;
Các địa phương chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trong việc bố trí tuyển dụng, sử dụng giáo viên; thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông theo chuẩn nghề nghiệp làm căn cứ bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông;
Chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trường phổ thông trong thực hiện chương trình mới; nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình trong quá trình thực hiện đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý trường phổ thông.