“Công trường thi công” chương trình giáo dục Quốc gia

GD&TĐ - Theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nếu như Chương trình giáo dục quốc gia là một bản thiết kế, thì mỗi trường học là một công trường thi công. 

“Công trường thi công” chương trình giáo dục Quốc gia

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường. Nhà trường là “công trường” thì giáo viên là “công nhân” thi công xây dựng.

Các nội dung cơ bản cần thực hiện

Để phát triển chương trình giáo dục nhà trường, theo GS Đinh Quang Báo, cần thực hiện theo các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất: Tổ chức chương trình giáo dục theo cấp học, năm học phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường trên cơ sở phân tích chương trình quốc gia, địa phương.

Thứ 2: Hàng năm xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai chương trình giáo dục từng cấp, năm.

Trong chương trình cấp quốc gia nếu không mô tả chi tiết mục tiêu môn học cho từng khối lớp thì mỗi trường phải xác định tường minh mục tiêu này để có sự nhất quản thực hiện của mọi thành viên
GS Đinh Quang Báo

Thứ 3: Nghiên cứu hạ tầng giáo dục, hiện trạng tình hình kinh tế, xã hội khu vực, nhu cầu phụ huynh, năng lực học sinh, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục: cơ sở thực hành, thiết bị, phương tiện giáo dục, học liệu,…. Đây là hoạt động còn chưa được tổ chức tốt ở các nhà trường hiện nay.

Thứ 4: Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, chất lượng giáo dục hàng năm, kiểm định chất lượng thực hiện chương trình theo các tiêu chuẩn, tiêu chí quốc gia, địa phương, nhà trường.

Thứ 5: Trong chương trình cấp quốc gia nếu không mô tả chi tiết mục tiêu môn học cho từng khối lớp thì mỗi trường phải xác định tường minh mục tiêu này để có sự nhất quản thực hiện của mọi thành viên.

Thứ 6: Tổ chức động viên đa dạng hóa các phương pháp, hình thức dạy học, giáo dục trên cơ sở nghiên cứu bài học và các hoạt động phát triển nghề nghiệp.

Thứ 7: Tổ chức dạy học phân hóa dựa trên nghiên cứu nhu cầu, sở trường, phong cách học, năng lực học sinh, đặc điểm đặc thù của từng nhóm học sinh.

Đây là nội dung cần được nghiên cứu công phu để tổ chức tham vấn, phát triển chương trình giáo dục cho các nhóm học sinh có đặc thù về khả năng tư duy, khuyết tật, học lực yếu các môn học, có các hành vi không mong đợi, có khác nhau về văn hóa, phân nhóm học tập theo trình độ, đặc thù của học sinh, tổ chức dạy học, phụ đạo, khuyến khích các tiết học theo trình độ.

Thứ 8: Mỗi trường có thể điều chỉnh thời gian quy định cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm địa phương, học sinh, điều kiện nhà trường; xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm trên cơ sở đánh giá nghiên túc kế hoạch đã thực hiện để có những điều chỉnh phù hợp; đặc biệt trong kế hoạch phải thể hiện được các hoạt động sáng tạo được tổ chức trong các hoạt động ngoài lớp, ngoài trường, ngoại khóa, các nghiên cứu khoa học phù hợp với học sinh,...

Kế hoạch phải mô tả được các chủ đề tích hợp đã được các giáo viên môn học nghiên cứu, thống nhất.

Thứ 9: Điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học các môn học, hoạt động giáo dục trên cơ sở lập ma trận thể hiện quan hệ phát triển năng lực chung và năng lực chuyên biệt, giữa năng lực với môn học, giữa các môn học và hoạt động giáo dục.

Thứ 10: Tổ chức nhóm, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của học sinh, xây dựng các ngân hàng câu hỏi, bài tập cho các môn học, hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực thông qua tổ chức kiểm tra – đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết.

Thứ 11: Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tập thể sư phạm nhà trường và phát triển chương trình, phương pháp dạy học, giáo dục; đặc biệt cần lấy nghiên cứu bài học là hoạt động thường xuyên để phát triển nghề nghiệp.

Thứ 12: Phát triển nguồn học liệu trên cơ sở nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa cấp quốc gia, hướng dẫn của chương trình cấp địa phương (Sở GD&ĐT), đặc điểm học sinh và sáng tạo của tập thể sư phạm nhà trường.

Đặc biệt các tài liệu hướng dẫn dạy học, giáo dục các chuyên đề, hoạt động giáo dục tự chọn dựa trên nhu cầu, đặc điểm địa phương phải được tổ chức tiêu ban biên soạn để sử dụng chung trong trường. Phát triển đề cương chi tiết bài học phải là hoạt động thường xuyên của giáo viên, các tổ, nhóm chuyên môn.

Thứ 13: Nhà trường thành lập Hội đồng xây dựng chương trình nhà trường và các tổ, nhóm chuyên môn vừa đủ tư vấn cho Hiệu trưởng, vừa chủ trì thực hiện các nội dung phát triển chương trình đã nêu ở trên. Đặc biệt cần kiện toàn các tổ chuyên môn để mỗi tổ là một đơn vị học thuật thường xuyên sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp.

Thứ 14: Tổ chức phát triển nghề nghiệp giáo viên thông qua đánh giá từng giáo viên một cách dân chủ, tự giác.

Giáo viên là người quyết định chương trình nhà trường

GS Đinh Quang Báo cho rằng, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường. Giáo viên không hạn chế ở chức năng là người dạy, người tiếp nhận, người thực hiện chương trình, mà còn là người quyết định chương trình giáo dục vì họ là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa chương trình giáo dục, là người quyết định cuối cùng chất lượng giáo dục.

"Giáo viên là chủ thể trực tiếp giáo dục quyết định phương pháp giáo dục, dạy học, lựa chọn nội dung thông qua việc phân tích cụ thể các tiêu chuẩn chương trình quốc gia, địa phương để thích ứng với điều kiện bảo đảm chất lượng như tài liệu thiết bị, cơ sở hạ tầng, thực trạng hoc sinh, giáo viên.

Trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu học sinh, môi trường giáo dục để lập kế hoạch giáo dục, dạy học sát với thực tiễn, phản ánh truyền thống trường, nhu cầu địa phương, phụ huynh" - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Quan điểm của nguyên hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội: Trong quá trình xây dựng, thực hiện chương trình nhà trường giáo viên không chỉ có vai trò quyết định sự thành công của chương trình, mà còn tự phát triển nghề nghiệp thường xuyên. Chuỗi tác động qua lại đó là động lực phát huy tính tự chủ sáng tạo của nhà trường, đa dạng hóa chương trình giáo dục thích ứng với bối cảnh cụ thể.

Mỗi địa phương, nhà trường có một trường với các điều kiện rất khác nhau, mỗi chủ thể quản lí cơ sở giáo dục có năng lực, phong cách sáng tạo khác nhau, mỗi giáo viên có năng lực, nghề thuật tinh thông nghề nghiệp riêng. Đặc biệt mỗi học sinh là một hệ các biến phức tạp. Tất cả hệ biến phức tạp đó làm cho việc giải bài toán không thể theo một cách để tìm đáp số chung được.

"Đa dạng học sinh đa dạng môi trường, đa dạng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tát yếu đa dạng chương trình giáo dục, dạy học. Đơn vị nhà trường mới có thể “hội chẩn” để đưa ra phương án tối ưu đảm bảo chất lượng trong bối cảnh cụ thể.

Cũng vì vậy quy định chuẩn quốc gia cũng cần dành chỗ cho sự năng động và linh hoạt trên cơ sở mục tiêu của mỗi trường đã được xác định trên cơ sở chuẩn tổng quát quốc gia và năng lực của mỗi trường. Căn cứ vào mục tiêu chung, mỗi trường cần có mục tiêu của sứ mạng riêng đối với chất lượng giáo dục của trường mình" - GS Đinh Quang Báo cho hay.

 Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định xây dựng và thực hiện chương trình nhà trường. Giáo viên không hạn chế ở chức năng là người dạy, người tiếp nhận, người thực hiện chương trình, mà còn là người quyết định chương trình giáo dục vì họ là lực lượng trực tiếp hiện thực hóa chương trình giáo dục, là người quyết định cuối cùng chất lượng giáo dục. GS Đinh Quang Báo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.