Hiểu về tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) là một xu thế quốc tế đã xuất hiện từ lâu. Đổi mới chương trình và SGKlần này tiếp tục kế thừa và phát huy kết quả tích hợp trong chương trình GDPT hiện hành đồng thời cần bổ sung, phát triển thêm một bước theo tinh thần đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Học sinh Trường tiểu học Đình Bảng 1 (Bắc Ninh)
Học sinh Trường tiểu học Đình Bảng 1 (Bắc Ninh)

Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi cùng PGS.TS Đỗ Ngọc Thống -Thành viên ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; Trưởng ban xây dựng chương trình Ngữ văn mới, để có cái nhìn cụ thể hơn về thực hiện tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có nhiều cách hiểu về tích hợp; ở đây chúng tôi giới hạn cách hiểu tích hợp với hai bình diện: i) tích hợp như một hoạt động, trong đó có hoạt động dạy học và ii)tích hợp như một yêu cầu thiết kế nội dung giáo dục. Bình diện thứ nhất nghiêng về yêu cầu tích hợp trong phương pháp hoạt động, cách thức dạy học; bình diện thứ hai nghiêng về yêu cầu trong thiết kế tích hợp các nội dung khác nhau trong chương trình. Nói ngắn gọn tích hợp cần thực hiện ở cả nội dung và phương pháp dạy học 
PGS Đỗ Ngọc Thống

4 lý do thực hiện tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông

- Theo PGS, vì sao phải thực hiện tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông?

Đã có khá nhiều tài liệu lý giải, có thể nêu khái quát một số lí do sau:

Trước hết, xuất phát từ bản chất và yêu cầu của việc nhận thức các sự vật, hiện tượng. Trong cuộc sống mỗi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và con người là một thể thống nhất, ít nhiều đều có mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác; nhiều sự vật, hiện tượng có những điểm tương đồng và cùng một nguồn cội…

Vì vậy, để nhận biết hoặc giải quyết mỗi sự vật, hiện tượng ấy, cần huy động tổng hợp các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Dạy học tích hợp phù hợp với yêu cầu đó.

Trong dạy học, việc tách rời các tri thức riêng lẻ của từng môn học để có điều kiện đi sâu, tìm hiểu nhưng lại luôn có nguy cơ đặt người học vào tình thế lúng túng khi phải đối mặt và lý giải các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thực.

Thứ hai, đổi mới CT giáo dục theo hướng tập trung phát triển phẩm chất và năng lực người học đòi hỏi phải dạy học tích hợp. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam đã cho thấy dạy học tích hợp giúp cho việc học tập của học sinh gắn liền với thực tiễn hơn, giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết.

Vì yêu cầu của năng lực hướng tới thực hành, đề cao hành động của chủ thể người học, coi trọng việc vận dụng tổng hợp những gì đã biết, đã học vào giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Và như đã nói, các vấn đề, hiện tượng trong cuộc sống bao giờ cũng là tổng hợp, cần lý giải từ/bằng nhiều tri thức đa dạng khác nhau.

Thứ ba, do yêu cầu cần giáo dục thế hệ trẻ phải biết quan tâm tới những vấn đề sống còn, cấp thiết đã và đang đặt ra với dân tộc và nhân loại.

Cuộc sống hiện đại phát triển hết sức nhanh chóng và mạnh mẽ, rất nhiều vấn đề, nhiều kiến thức, kĩ năng chưa được đề cập trong các môn học, nhưng lại rất cần chuẩn bị cho học sinh để có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống.

Do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, trong đó có nhiều nước giáo dục phát triển.

Thứ tư, một trong những hạn chế của CTGDPT hiện hành của Việt Nam, là nội dung của nhiều môn học và trong mỗi môn học còn trùng lặp, chồng chéo.

Theo quan điểm tích hợp, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép vào cùng một môn học nên tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và hệ quả là số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt…

Điểm khác biệt dạy học tích hợp trong chương trình mới

- Vậy trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tích hợp sẽ được thể hiện như thế nào?

Nghị quyết 88 của Quốc Hội 13 đã xác định rõ yêu cầu tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới:“Ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục,…”.

Việc dạy học tích hợp cần thực hiện đồng bộ, từ xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Ở đây chỉ nói về tích hợp trong chương trình.

Chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới có một số điểm khác so với chương trình hiện hành như: tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.

Trước hết, định hướng tích hợp được thể hiện ngay trong nội bộ mỗi môn học, chẳng hạn trong chương trình môn Ngữ văn sẽ có sự tích hợp giữa các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; tích hợp giữa kiến thức văn học và kiến thức tiếng Việt trong quá trình dạy học các kỹ năng này.

Các môn học khác cũng tùy vào đặc điểm và tính chất môn học mà thực hiện yêu cầu tích hợp giữa các phân môn, các phần của mỗi môn học. Việc tích hợp trong chương trình các môn học cũng không chỉ thể hiện ở nội dung dạy học mà còn ở cả yêu cầu cần đạt (chuẩn đầu ra)

Ngoài yêu cầu tích hợp nội môn, chương trình mới còn thực hiện ở các môn học tích hợp. Trong chương trình cấp tiểu học hiện hành, các môn Tự nhiên và Xã hội ở các lớp 1, 2, 3; môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học ở các lớp 4, 5 vốn đã có tính tích hợp. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tính tích hợp trong những môn học này sẽ thể hiện đậm nét hơn thông qua các chủ đề chung giữa các phân môn.

Chương trình cấp THCS lần này khác chương trình hiện hành là có một số môn tích hợp, đó là môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên.

Việc thực hiện tích hợp được thiết kế ở mức thấp. Cụ thể các phân môn trong Khoa học tự nhiên cũng như trong Lịch sử và Địa lý không phải là sự lắp ghép cơ học.

Trong chương trình của mỗi môn, các mạch nội dung có sự kết nối ở mức có thể để: tránh trùng lặp; kiến thức và kỹ năng của phân môn này giúp làm sáng rõ hơn kiến thức và kỹ năng của phân môn kia; giúp học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng của từng phân môn để giải quyết các vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận liên môn.

Với chương trình môn Khoa học tự nhiên, nội dung sẽ cố gắng tập trung thiết kế thành các chủ đề lớn như vật chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời. Các kiến thức và kỹ năng Vật lý, Hóa, học, Sinh học đều được triển khai trong phạm vi những chủ đề này.

Với chương trình môn Lịch sử và Địa lý, nội dung cũng được thiết kế thành hai mạch tương đối độc lập, nhưng cố gắng kết nối để giáo viên và học sinh thấy được mối liên hệ giữa lịch sử và địa lý thông qua việc tìm hiểu, khám phá các sự kiện trong thời gian và không gian.

Ngoài ra tính chất tích hợp của môn học này còn được thể hiện ở một số chủ đề chung như Khám phá các dòng sông lớn trên thế giới, Văn minh châu thổ sông Hồng, Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, Đô thị,...

Cuối cùng việc tích hợp trong chương trình giáo dục mới thể hiện ở yêu cầu tất cả các môn đều phải lồng ghép một số nội dung (chủ đề xuyên môn) giáo dục mang tính cấp thiết, có ý nghĩa dân tộc và toàn cầu như giáo dục bình đẳng giới, giáo dục tài chính- kinh doanh, chủ quyền biển đảo, môi trường và phát triển bền vững…

Tạo điều kiện dạy học tích hợp trong chương trình, SGK mới

- Theo PGS, trong thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa phải làm sao để tạo điều kiện tốt cho hoạt động dạy học tích hợp?

Trong thiết kế chương trình cần chú ý lồng ghép các nội dung gần nhau, liên quan chặt chẽ với nhau từ các lĩnh vực/môn học khác nhau trên cả 2 thành tố: Yêu cầu cần đạt (chuẩn thực hiện/đầu ra); Nội dung dạy học (chuẩn nội dung/đầu vào).

Với yêu cầu cần đạt, chương trình theo định hướng năng lực đòi hỏi người học phải thực hiện được, làm được, nói được, tạo ra được các sản phẩm chứ không chỉ dừng lại chỉ biết lý thuyết. Yêu cầu cần đạt về tích hợp nêu trong chương trình cần chỉ ra mức độ vận dụng các kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực/môn học khác nhau trong việc thực hiện, giải quyết một vấn đề hoặc làm ra một sản phẩm…

Với nội dung dạy học cần xác định và trả lời câu hỏi: để giải quyết vấn đề đã nêu trong yêu cầu cần đạt, người học phải có những kiến thức, kỹ năng nào? Những kiến thức, kĩ năng ấy thuộc những lĩnh vực/môn học nào? Môn nào đảm nhiệm chính, môn nào góp phần và hỗ trợ?

Từ đó phân phối các nội dung gần nhau và liên quan chặt chẽ với nhau cho từng môn học đảm nhận cũng như sắp xếp các nội dung này (ở các môn học theo hàng ngang)một cách phù hợp nhằm soi sáng, hỗ trợ cho nhau một cách hiệu quả nhất. Tránh tình trạng yêu cầu của môn Vật lý lớp 8 cần đến kiến thức về Toán nhưng kiến thức Toán đó lại mãi đến lớp 9 mới được học…

- Xin cảm ơn PGS!

"Khi xây dựng chương trình GDPT, xu hướng chung của các nước trên thế giới từ trước đến nay là tăng cường tích hợp, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS.

Trong việc thiết kế CTGDPT mới của Việt Nam, chúng tôi xác định cách hiểu về hình thức và mức độ tích hợp như sau:

Có 2 hình thức chính: Tích hợp nội dung giữa/của các lĩnh vực/môn học (tích hợp liên môn); Tích hợp các nội dung chưa thành môn học vào các môn học( tích hợp xuyên môn).

Về mức độ, có 2 mức độ chính: Tích hợp ở mức độ cao/sâu; Tích hợp ở mức độ thấp (combination- kết hợp)".


PGS Đỗ Ngọc Thống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ