Nhiều trường học tại tỉnh Thái Nguyên đang chịu sức ép lớn từ quy mô học sinh đông lên hiện trạng cơ sở vật chất, trường lớp học còn thiếu thốn |
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, ông Phạm Việt Đức cho biết, ông cũng kỳ vọng trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ phê chuẩn tờ trình của Chính phủ, ấn định mốc thời gian thực hiện CTGDPT mới theo tiến độ này để các địa phương trong cả nước có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện đảm bảo triển khai chương trình GDPT một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.
Thực tế giáo dục đặt ra yêu cầu phải giãn tiến độ thực hiện CTGDPT mới
Ông Phạm Việt Đức cho rằng: theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm học 2018 - 2019, bắt đầu triển khai thực hiện CTGDPT mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đặc biệt tại cuộc họp tổng kết năm học 2016-2017 vừa diễn ra vào tháng 8/2017, nhiều địa phương đã có ý kiến nên lùi việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ít nhất 1 năm.
Căn cứ ý kiến của các chuyên gia, các địa phương và tình hình cụ thể biên soạn chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin giãn tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 1 năm và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất này.
Như vậy, theo ông Phạm Việt Đức: về góc độ quốc gia, việc giãn tiến độ thực hiện CTGDPT mới 1 năm sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, việc giãn tiến độ thực hiện CTGDPT mới 1 năm, tỉnh sẽ có thời gian để chuẩn bị đầy đủ hơn các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, công tác truyền thông cho xã hội đồng thuận với các công tác đổi mới của ngành cũng như các điều kiện đảm bảo triển khai CTGDPT mới khác để đảm bảo thực hiện chương trình hiệu quả cao nhất.
Chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện CTGDPT mới
Về thực trạng đội ngũ hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 18.534 CBQL, giáo viên (với 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo, trong đó, 97% CBQL đạt trên chuẩn, giáo viên đạt 86%); Toàn tỉnh hiện còn thiếu 901 giáo viên trong toàn ngành.
Ông Phạm Việt Đức – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên |
Trong công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện CT-SGK mới thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Triển khai các mô hình, áp dụng các phương thức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm (mô hình trường học mới) đã giúp cho đội ngũ giáo viên có định hướng, nắm được những yêu cầu trong thực hiện CT- SGK mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện CT - SGK mới đang được Bộ giao cho các trường sư phạm nghiên cứu, xây dựng nội dung để phối hợp với các Sở triển khai đến giáo viên ở các địa phương.
Do vậy, việc giãn tiến độ thực hiện CTGDPT mới 1 năm là cần thiết để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên và tuyển dụng, bổ sung đủ về số lượng, cơ cấu giáo viên.
Về cơ sở vật chất, thiết bị, toàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều trường học có khó khăn về cơ sở vật chất, nhất là phòng học cần được đầu tư xây dựng đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của CTGDPT mới. Toàn tỉnh hiện thiếu 786 phòng học, còn 1.089 phòng học xuống cấp, 194 phòng học nhờ.
Do thiếu phòng học, một số trường học của tỉnh phải tổ chức học 2 ca/ngày, toàn tỉnh có 196 phòng học phải học 2 ca/ngày; còn 35 trường tiểu học phải bố trí số học sinh/lớp vượt quá số quy định tối đa 35 học sinh/lớp. Nhiều trường cấp THCS, THPT cũng phải bố trí trên 40HS/lớp do quy mô sĩ số học sinh đông mà thiếu phòng học.
Ông Phạm Việt Đức cho biết: Mặc dù trong thời gian vừa qua, tỉnh cũng như các huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa phòng học cho các nhà trường, song do số học sinh đến trường đều tăng ở các cấp học, cơ sở vật chất ở nhiều trường học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để thực hiện CTGDPT mới (yêu cầu cần có 1 phòng học/1 lớp; giảm sĩ số học sinh/lớp; yêu cầu về thiết bị, đồ dùng dạy học…).
Do vậy, việc giãn tiến độ thực hiện CTGDPT mới 1 năm sẽ tạo điều kiện cho tỉnh có thời gian để bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng trường, lớp học.
Đồng thời khẳng định: Trong thời gian chưa triển khai CT- SGK mới, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo các trường phổ thông tiếp tục thực hiện nội dung dạy học chương trình hiện hành; thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, từ đó giúp cho học sinh và giáo viên sau này chuyển sang thực hiện CT-SGK mới được thuận lợi;
Đồng thời phối hợp với các trường sư phạm (được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên) thực hiện bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên. Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các địa phương bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị để sẵn sàng thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2019-2020.