Lũ lụt miền Trung năm 2020 là một đợt bão, lũ lụt bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07/10/2020 đến đầu tháng 12/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên.
Trong khoảng thời gian tháng 10, tháng 11, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa, xoáy thuận nhiệt đới hình thành và liên tiếp biến động ở Biển Đông.
Đợt lũ thứ nhất các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân.
Đợt lũ thứ hai, miền Trung tiếp tục chịu tác động của cơn áp thấp nhiệt đới mới trong quá trình biến chuyển thành bão cùng không khí lạnh, không ngừng tiếp nhận các đợt mưa lớn, đợt lũ lụt kéo dài.
Một số vùng miền Trung có mực nước vượt qua lịch sử năm 1979, 1999, xác lập kỷ lục mới về thiên tai bão lụt.
Đợt lũ thứ ba, với hai cơn bão đổ bộ, đặc biệt cuồng phong nghiêm trọng của bão Molave gây tổn thất vô cùng lớn.
Tiếp nối là đợt lũ thứ tư gây biến động toàn miền Trung, đặc biệt chuyển vị trí về phía Nam Trung Bộ.
Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế – xã hội của miền Trung Việt Nam, đặc biệt tại các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Theo Tổng cục Thống kê, thiên tai xảy ra trong tháng 11 chủ yếu là mưa bão, lũ lụt và sạt lở tại một số địa phương đã làm 104 người chết và mất tích, 388 người bị thương; 2,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 249,8 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; 5,6 nghìn con gia súc và 1,5 triệu con gia cầm bị chết; 66,7 nghìn hecta lúa và 35,4 nghìn hecta hoa màu bị hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng là 18.700 tỷ đồng.
Tính chung 11 tháng năm 2020, thiên tai làm 372 người chết và mất tích, 1.144 người bị thương; 4.132 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 613.300 ngôi nhà bị hư hỏng; 267.000 hecta lúa và 132.500 nghìn hecta hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 38.400 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do bão, lũ là 31.700 tỷ đồng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đợt lũ lụt vừa qua đã làm trên 4.000m2 mặt đường bị sình lún, 208m2/125 trí mặt đường bị bong bật, ổ gà; 220m/1 vị trí xói lở taluy âm; 2.850m3/5 vị trí bị bùn, cát tràn lấp mặt đường; 4.681m3/206 cống bị bùn, đá lấp; 7.224m3/10 cầu bị bùn, cát lấp lòng cầu... trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Do tác động của mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống quốc lộ nói riêng trên địa bàn tỉnh tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại nặng nề; nhiều vị trí sụt lở ta luy dương với mỗi vị trí khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất đá, vùi lấp toàn bộ vài chục đến vài trăm mét dài đường; nhiều vị trí sụt lở ta luy âm gây lún tụt hoặc xói trôi toàn bộ nền, mặt đường, hố sụt sâu 30m-70m gây tắc giao thông hoàn toàn.
Ảnh hưởng của mưa lũ, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua địa bàn tỉnh miền Trung có khoảng 16km/400,7km bị hư hỏng, thiệt hại nặng. Các tuyến đường quốc lộ cũng bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề; cụ thể: Tuyến quốc lộ 9 tỉnh Quảng Trị hư hỏng khoảng 4km, tuyến quốc lộ 49 tỉnh Thừa Thiên-Huế hư hỏng khoảng 2,3km.
Tình trạng sạt lở taluy âm, taluy dương cũng xảy ra nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ, cụ thể như: Tuyến QL49 tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở tắc đường 6 điểm; trên tuyến đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) qua địa bàn Quảng Trị bị sạt lở taluy dương tắc đường 7 điểm vẫn chưa thể tiếp cận trực tiếp tại hiện trường; đoạn qua địa phận Thừa Thiên-Huế cũng bị sạt lở taluy dương gây tắc đường 12 điểm.