Mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.
Miền Trung đã trải qua đợt thảm họa thiên tai chưa từng thấy khi nước lũ đã vượt đỉnh lịch sử hơn 40 năm trước. Mực nước trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị đã tương đương và cao hơn mức lũ lịch sử năm 1979. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, nước ta xảy ra lũ chồng lũ, bão chồng bão.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã liên tục có các chỉ đạo về công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ người dân; các lực lượng chức năng, đặc biệt là quân đội, đã huy động tối đa lực lượng cho nhiệm vụ này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương phòng, chống lụt, bão; khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân", hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.
Với tinh thần hết sức mình, tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai trách nhiệm nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu những thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tiếp ban hành các Công điện về công tác ứng phó thiên tai, mưa bão và công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nhất là các tổ chức của thanh niên, phụ nữ các cấp, các địa phương, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” quan tâm hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung sớm vượt qua những khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã có Điện gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; các Ban Đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng của bão lũ vừa qua tại miền Trung, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại do bão lũ và tăng cường công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã đích thân thị sát tình hình thiên tai và công tác ứng phó, cứu trợ người dân tại các địa điểm thiệt hại nặng nề.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn tại các tỉnh miền Trung, các điểm nóng như trạm kiểm lâm 67, thị sát hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Nhiều đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, lãnh đạo các địa phương cũng liên tục có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, lực lượng Quân đội, lực lượng vũ trang đã vào cuộc hết sức khẩn trương, quyết liệt với tinh thần không ngần ngại gian khổ, kể cả hy sinh khi phía trước là nhân dân đang gặp gian nguy.
Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ cũng đã được huy động trong thời gian chưa đầy 10 ngày, Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 4 và các gia đình đã vĩnh viễn mất đi 33 cán bộ, chiến sĩ ưu tú khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân dân.