Các đại biểu đều đánh giá cao tính chặt chẽ, khoa học của dự thảo và thống nhất cao với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhất là với các nội dung về chính sách với nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí ở bậc THCS.
Chính sách tiền lương: đòn bầy để thu hút người giỏi
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho rằng: “Cần định nghĩa lại khái niệm nhà giáo vì chính khái niệm này sẽ chi phối toàn bộ vì nó liên quan đến con người. Trên thực tế có những bất cập làm cho vị thế của nhà giáo không được như quan niệm của xã hội cũng như đề cao của nhà nước là quốc sách hàng đầu.
Đưa nhà giáo hoạt động theo Luật viên chức thì có những bất cập làm cho những nhà giáo tâm huyết, giỏi không mong muốn được điều động về Phòng, về Sở để cống hiến. Điều này cũng không trách được họ vì mức thu nhập sẽ giảm sút”.
Cũng có cùng quan điểm như vậy, ông Lê Bá Thiêm, Trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Trước khi là cán bộ quản lý thì chúng tôi đều là giáo viên nhưng đến khi lên Phòng, Sở GD rồi thì không được hưởng các chế độ như nhà giáo, đây là một thiệt thòi và khó để thu hút người giỏi làm công tác quản lý”. Ông Ngô Quang Hưng – Phó GĐ Sở GD&ĐT Phú Yên cho biết, ngoài chế độ tiền lương, CBQL, chuyên viên công tác tại Phòng, Sở GD còn thiệt thòi trong bầu chọn các danh hiệu “Anh làm cán bộ quản lý thì không nằm trong diện xét danh hiệu nhà giáo ưu tú. Và nên chăng, chúng ta nên mở rộng cái định nghĩa nhà giáo”.
Về chính sách tiền lương, ông Hà Thanh Quốc đặt vấn đề: “Thực ra mà nói nếu nói giáo viên phổ thông dạy một tuần 17 tiết, tiền lương như thế là cao thì tôi cho đó là không đúng. Giáo viên là một nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo. Hoạt động giảng dạy, giáo dục là một hoạt động có tính chất đặc thù, mình đừng đơn giản nghĩ rằng chỉ có 17 tiết mà để chuẩn bị kế hoạch bài giảng, giảng dạy thì thực ra đây là một công việc hết sức cực nhọc, trách nhiệm lớn hơn những công việc khác.
Nên đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp chính là một trong những động lực để thu hút HS giỏi vào ngành sư phạm. Trước đây người thầy giáo lương của họ có thể họ nuôi cả gia đình, bây giờ giáo viên mới ra trường lương không nuôi đủ bản thân họ thì sao họ mặn mà được”.
Vấn đề phân cấp quản lý cũng được nhiều đại biểu đề cập. Theo ông Hà Thanh Quốc thì việc phân cấp quản lý giữa các cấp học trong hệ thống giáo dục phải sửa đổi làm sao đó để cho khi trở thành Luật rồi thì quản lý chung phải thuộc về ngành giáo dục: từ con người, tài chính, các vấn đề bổ nhiệm, đề bạt phải do ngành giáo dục chủ trì.
“Phân cấp quản lý là cần thiết nhưng phải làm sao đó, ngành GD phải là cơ quan quản lý vì trên thực tế đã có sự biến dạng, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ đạo và nâng cao chất lượng giáo dục” – ông Quốc nhấn mạnh. Ông Ngô Quang Hưng cho rằng, trong phân cấp quản lý, một số chỉ đạo về tài chính, con người, mỗi địa phương thực hiện một kiểu và không thực hiện đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ. Chính vì vậy, nên đưa vào nội dung, UBND tỉnh, huyện phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, Chính phủ vì nếu tỉnh, huyện không thực hiện sẽ vi phạm luật.
Hội thảo ghi nhận sự thống nhất cao của các đại biểu vềchính sách với nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí ở bậc THCS |
Cần thiết phải nâng chuẩn giáo viên Tiểu học và mầm non
Ông Nguyễn Hướng – Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Thừa Thiên – Huế) cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đăng là cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện nhanh được vì hiện nay đa số giáo viên tiểu học đều có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và thậm chí nhiều người đã có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm.
Ông Hà Thanh Quốc kiến nghị, việc nâng chuẩn không chỉ áp dụng cho giáo viên tiểu học mà nên áp dụng cho cả giáo viên mầm non nữa. “Sở GD&ĐT Quảng Nam đã có tham mưu với UBND tỉnh là không đào tạo trung cấp mầm non. Đây là bậc học rất quan trọng và cần có con người giảng dạy tốt nhất, được đào tạo bải bản. Đối với chuẩn giáo viên tiểu học, xu hướng chung là cao đẳng nên việc nâng chuẩn là hợp lý, tuy nhiên phải có lộ trình đối với những giáo viên dưới chuẩn”.
Đồng tình cao với chủ trương miễn học phí ở bậc THCS, tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, ngân sách nhà nước phải cấp bù để duy trì những khoản chi trước đây được lấy từ nguồn học phí. Ông Hà Thanh Quốc nêu ví dụ, như Quảng Nam, nguồn thu từ học phí ở bậc THCS khoảng 100 tỷ, “so với kinh phí chi cho giáo dục thì không thấm vào đâu, nhưng nó lại kéo theo rất nhiều bất cập”. Từ chỗ ủng hộ chủ trương không thu học phí ở bậc THCS, ông Lê Bá Thiêm cho rằng, đối với giáo dục phổ thông, không nên đưa vấn đề tự chủ tài chính vào, vì nếu tự chủ tài chính thì lại phải thu học phí.
Ngoài ra, đối với vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp, ông Lê Bá Thiêm nêu quan đểm Bộ GD&ĐT cần xác định rõ hướng quy hoạch. “Nếu theo hướng trường liên cấp thì chỉ giải quyết vấn đề đầu mối quản ly chứ không giải quyết được vấn đề chất lượng. Nếu chung ta hình thành được các trường liên xã thì vấn đề chất lượng dạy – học sẽ đảm bảo”.